CSGT tổ chức thi sát hạch bằng lái xe A1: Điểm mới có lợi cho thí sinh

CSGT TP.HCM đang tổ chức thí điểm thi sát hạch bằng lái xe A1 cho 300 thí sinh. Việc sát hạch cũng áp dụng điểm mới có lợi cho thí sinh.
Chiều 14.5, Phòng CSGT (PC08, Công an TP.HCM) tổ chức thí điểm thi sát hạch bằng lái xe A1 cho 300 thí sinh tại Trung tâm sát hạch lái xe Tân Phú. Đây là kỳ thi sát hạch bằng lái xe A1 đầu tiên kể từ khi CSGT tiếp nhận nhiệm vụ sát hạch, cấp đổi bằng lái xe.
Kỳ thi này có ý nghĩa quan trọng, góp phần chuẩn hóa công tác sát hạch, nâng cao chất lượng người lái xe, từ đó góp phần giảm thiểu tai nạn và bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Phát biểu khai mạc kỳ thi, thượng tá Trần Trung Hiếu, Trưởng phòng CSGT Công an TP.HCM kiêm Chủ tịch Hội đồng thi cho biết, sau một thời gian tiếp nhận nhiệm vụ, hôm nay Công an TP.HCM chính thức triển khai kỳ thi sát hạch.
Theo Trưởng phòng CSGT, tai nạn giao thông ở TP.HCM thường cao nhất cả nước, người điều khiển xe máy chết vì tai nạn giao thông chiếm từ 70 - 80% so với tổng số người chết vì tai nạn. Là Trưởng phòng CSGT, thượng tá Trần Trung Hiếu cho biết, rất mong được gặp gỡ, chia sẻ với những người chuẩn bị thi bằng lái xe.
"Sau này khi có quy trình chuẩn về giấy phép lái xe, Phòng CSGT sẽ phối hợp các trung tâm xây dựng nội dung từ 7 - 10 phút, phát trước mỗi kỳ thi để thí sinh biết được thực trạng giao thông thế nào. Do vậy, mỗi người lái xe mô tô cần trang bị thêm cho mình kỹ năng để phán đoán tình huống để xử lý tốt khi tham gia giao thông", thượng tá Trần Trung Hiếu nói.
Ông cũng một lần nữa nhấn mạnh, đằng sau tay lái mỗi người là con cái, là gia đình, tính mạng của bản thân và nhiều người tham gia giao thông khác. Do vậy, mỗi người hãy lái xe bằng cả trái tim.
Thi sát hạch bằng lái xe A1 khác trước thế nào?
Bà Trần Thị Bích Thảo, Phó hiệu trưởng Trường trung cấp Giao thông Tiến Bộ cho biết, 300 thí sinh dự thi sát hạch bằng lái xe A1 tại Trung tâm sát hạch lái xe Tân Phú là các thí sinh đã đăng ký từ cuối tháng 2 - thời điểm chuyển giao sát hạch từ Sở GTVT (nay là Sở Xây dựng) về CSGT.
Trước đây, khi hồ sơ đáp ứng liên tục đủ số lượng thì thí sinh từ khi đăng ký đến khi thi bằng lái xe máy khoảng 12 ngày. Để chuẩn bị cho thí điểm kỳ thi sát hạch hôm nay, Trung tâm sát hạch lái xe Tân Phú phải đáp ứng về cơ sở vật chất, nhân sự theo yêu cầu của Thông tư 12.
"Hiện nay, thí sinh thi sát hạch bằng lái xe A1 nếu rớt một nội dung (lý thuyết hoặc thực hành) thì vẫn có thể thi tiếp nội dung còn lại. Sau đó, thí sinh chỉ cần đăng ký thi lại nội dung chưa đạt. Điểm mới này giúp thí sinh tiết kiệm thời gian", bà Bích Thảo nhận xét.
Trong lúc chờ đợi vào thi, chị Phạm Trần Quỳnh Diễm (43 tuổi, ngụ Q.11) cho biết, chị cảm thấy khá run, dù đã ôn bài kỹ. Trước đây, chị Diễm đi đâu luôn có chồng chở đi, sau khi chồng mất, chị chuyển qua đi xe đạp. Gần đây, chị mới tập đi xe máy và đăng ký đi thi bằng lái xe để tham gia giao thông.
"Người chấm thi mặc áo cán bộ hay áo CSGT thì tôi đều run như vậy thôi. Nhưng thấy các anh CSGT chấm điểm thì vẫn hồi hộp hơn, đó là tâm lý", chị nói.
Chị Trịnh Ngọc Hân (31 tuổi, ngụ Q.Tân Bình) cũng tâm sự, hơn chục năm qua, chị chưa có bằng lái xe máy. Nay nhận thức rõ quy định của luật Trật tự, an toàn giao thông, chị mới đăng ký đi thi. "Biển báo trong luật khi học nhìn cũng quen quen nhưng dễ nhầm lẫn, bị rối. Tôi thấy học bằng lái là rất cần thiết, chạy xe an toàn hơn, thấy CSGT ngoài đường thì không lo sợ khi mình đi đúng luật và có bằng lái", chị Hân bày tỏ.