Công ty VWS – 'lớp học xanh' giữa lòng thành phố

Không chỉ là nơi xử lý rác lớn nhất TPHCM, Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước thuộc Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam – VWS (huyện Bình Chánh, TPHCM) còn là “lớp học xanh” hấp dẫn, mang đến cho học sinh, sinh viên trong nước và quốc tế những trải nghiệm thực tế sống động và thiết thực về bảo vệ môi trường.
![]() |
Ngày 13/5, Công ty VWS đã đón gần 50 em học sinh lớp 3 Trường quốc tế Bắc Mỹ (SNA) đến tham quan, tìm hiểu quy trình xử lý, tái chế rác. Đây là chương trình ngoại khóa của trường nhằm mục đích giúp học sinh nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường. Sau khi tham quan, các em sẽ viết báo cáo thu hoạch và trình bày trước các bạn khối tiểu học về những kiến thức thu được.
Nồng nhiệt chào đón các em học sinh, ông Kevin Moore – Giám đốc điều hành Công ty VWS đã giới thiệu về quy mô công ty, lượng rác thải công ty tiếp nhận... Theo đó, Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước tiếp nhận và xử lý khoảng 6.000 - 6.500 tấn rác cho thành phố theo công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh của Mỹ. Một phần quan trọng trong việc xử lý rác của Công ty VWS là tái chế rác thành các sản phẩm như phân compost, phát điện…
Buổi giao lưu nhanh chóng trở nên sôi nổi khi các em hào hứng đặt câu hỏi về tái chế rác thải, các nguy cơ ô nhiễm… Mỗi câu hỏi đều được lãnh đạo Công ty VWS trả lời một cách dễ hiểu, gần gũi và phù hợp với lứa tuổi học sinh.
![]() |
Điểm nhấn của chương trình là học sinh được tận mắt chứng kiến quy trình xử lý nước rỉ rác. Các em đều ngạc nhiên và thích thú khi lần đầu tiên nhìn thấy nước rỉ rác từ màu đen sau khi xử lý trở nên trong vắt như nước lọc và được dùng để tưới cây, rửa xe, rửa đường… Bên cạnh đó, các em còn được tham quan công viên cây xanh và vườn thú như hươu, nai, công… tạo cho các em cảm giác thoải mái, thích thú, gần gũi với thiên nhiên.
Em Vũ Tuệ An (lớp 3) bày tỏ niềm vui khi được tham quan và tìm hiểu về xử lý rác thải tại Công ty VWS. Tuệ An cho biết, em rất yêu môi trường và được dạy phải vứt rác đúng nơi quy định để bảo vệ môi trường sống, giúp nơi mình sinh sống trở nên sạch đẹp hơn.
Sau chuyến tham quan, em Nguyễn Khôi Nguyên nói rằng, việc bảo vệ môi trường sẽ làm cho sức khỏe và cuộc sống của mọi người tốt đẹp hơn, và VWS đã góp phần rất lớn vào công cuộc này.
Cô Đặng Ngọc Minh Tâm, chuyên viên Tổ chức sự kiện và Dã ngoại của SNA chia sẻ: "Khi đến VWS, tôi thật sự bất ngờ về quy mô và sự hiện đại của Công ty. Cơ sở vật chất khang trang, các dây chuyền xử lý rác tiên tiến. Đây là môi trường lý tưởng để học sinh học tập thực tế và nâng cao ý thức trong việc sống xanh”.
![]() |
Từ đầu năm 2025 đến nay, Công ty VWS đã đón nhiều đoàn tham quan, đặc biệt là các em học sinh, sinh viên trong nước, quốc tế đến tìm hiểu về vấn đề xử lý rác và nước thải nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường. Đây là một phần trong chiến lược mở cửa giáo dục cộng đồng mà doanh nghiệp chủ động thực hiện nhiều năm nay.
Được thành lập từ năm 2005, VWS là dự án do doanh nhân Việt kiều Mỹ David Dương làm chủ đầu tư. Mỗi ngày, công ty tiếp nhận và xử lý khoảng 6.000 – 6.500 tấn rác thải sinh hoạt, chiếm khoảng 70% tổng lượng rác thải của hơn 10 triệu dân TPHCM.
Với công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn Mỹ kết hợp tái chế, sản xuất phân compost và phát điện từ rác, VWS được đánh giá là đơn vị xử lý rác hiện đại, an toàn và thân thiện với môi trường hàng đầu cả nước. Không những vậy, nơi đây còn là điểm đến quen thuộc của nhiều đoàn đại biểu quốc tế, các sở ban ngành trong nước đến tìm hiểu, học tập mô hình xử lý rác quy mô lớn, không gây ô nhiễm.
Cũng trong chiều 13/5, bà Huỳnh Lan Phương – Phó Tổng Giám đốc Công ty VWS đã tiếp đón đoàn doanh nghiệp Mỹ đến tìm hiểu cơ hội đầu tư vào lĩnh vực nhà hàng, khách sạn tại Việt Nam. Các doanh nghiệp đánh giá cao mô hình hoạt động bài bản, chuyên nghiệp của VWS và bày tỏ mong muốn được hợp tác trong lĩnh vực dịch vụ, mang đến cho người dân những trải nghiệm tiêu chuẩn quốc tế. Bà Phương cho biết, VWS sẵn sàng hỗ trợ và kết nối, mở rộng thêm nhiều lĩnh vực bên cạnh môi trường, để cùng đóng góp tích cực cho cộng đồng và sự phát triển bền vững của thành phố.