Công ty mẹ của Temu báo lãi giảm 50%

Lợi nhuận quý I/2025 của PDD Holdings lao dốc do áp lực thuế quan ở Mỹ, còn thị trường trong nước cạnh tranh khốc liệt và sức mua yếu.
![]() |
Thuế quan tại Mỹ thay đổi đột ngột càng gia tăng áp lực lên hoạt động kinh doanh vốn đã đối mặt nhiều khó khăn của PDD Holdings. Ảnh: Reuters. |
PDD Holdings - tập đoàn mẹ của nền tảng thương mại điện tử Pinduoduo và phiên bản quốc tế Temu - công bố doanh thu quý đầu năm đạt 95,67 tỷ nhân dân tệ (13,3 tỷ USD), tăng 10% so với quý trước. Song, đây là mức tăng thấp nhất kể từ quý I/2022.Lãi ròng thậm chí giảm 47%, còn 14,7 tỷ nhân dân tệ (khoảng 2 tỷ USD). Vinci Zhang, chuyên gia phân tích tại Mscience, cho rằng lợi nhuận của PDD sụt mạnh do biên lợi nhuận hoạt động thấp hơn dự kiến, nhiều khả năng chịu tác động từ các mức thuế nhập khẩu mới của Mỹ.Trong khi đó, ở thị trường nội địa Trung Quốc, nhu cầu tiêu dùng vẫn tiếp tục bị kìm hãm bởi khủng hoảng bất động sản kéo dài, bất chấp nỗ lực kích cầu của chính phủ và hàng loạt chương trình giảm giá sâu của các nhà bán lẻ. "Tiêu dùng trong nước suy yếu, áp lực cạnh tranh gia tăng và căng thẳng thương mại toàn cầu đang tạo gánh nặng lên tăng trưởng của PDD", Bo Pei, nhà phân tích tại U.S. Tiger Securities nhận định. Theo ông, chi phí vận hành của PDD gia tăng do công ty này đẩy mạnh hoạt động tiếp thị và khuyến mại nhằm hỗ trợ người bán. Đây là một chiến lược dài hạn để duy trì hệ sinh thái nhưng đồng thời làm giảm lợi nhuận trong ngắn hạn.Thực tế, cả 3 "ông lớn" thương mại điện tử Trung Quốc, gồm Alibaba, Pinduoduo và JD.com đều đang bước vào cuộc đua giành giật thị phần nội địa bằng chiến lược giảm giá sâu. Quý đầu năm, Alibaba cũng ghi nhận doanh thu thấp hơn kỳ vọng, riêng JD.com bất ngờ vượt dự báo nhờ chương trình đổi cũ lấy mới do chính phủ khởi xướng, tập trung vào các mặt hàng gia dụng và thiết bị điện tử. Trên thị trường quốc tế, hoạt động của Temu tiếp tục gặp trở ngại trước những thay đổi khó lường trong chính sách thương mại của Mỹ. "Các điều chỉnh lớn về thuế nhập khẩu đang tạo áp lực đáng kể lên người bán của chúng tôi", Chen Lei, Chủ tịch kiêm đồng CEO PDD, phát biểu trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư ngày 27/5. Đáng chú ý, quy định "de minimis" - cho phép miễn thuế và kiểm tra hải quan với hàng hóa giá trị thấp nhập khẩu vào Mỹ - hiện đã bị siết chặt. Temu, Shein và nhiều nền tảng khác từng dựa vào quy định này để duy trì lợi thế cạnh tranh về giá. Tuy nhiên, cùng với các mức thuế quan mới do ông Trump đưa ra, việc chính sách ưu đãi này bị bãi bỏ buộc Temu tạm dừng toàn bộ đơn hàng xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ. Sau khi Bắc Kinh và Washington đạt thỏa thuận đình chiến thương mại trong 90 ngày, Temu đã nối lại một phần hoạt động vận chuyển từ Trung Quốc. Song, mức thuế hiện chỉ mang tính tạm thời và tương lai vẫn còn nhiều bất định. "Dù chính sách có thay đổi ra sao, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục củng cố hoạt động ở các thị trường đang hiện diện, hỗ trợ người bán địa phương phát triển và đẩy mạnh hoàn tất đơn hàng từ các kho trong nước", Chen nói thêm. Ông khẳng định Temu không có kế hoạch tăng giá do thuế và đang đẩy mạnh mô hình cho phép các tiểu thương địa phương chủ động xử lý đơn hàng - một phần trong chiến lược thích ứng trước biến động quốc tế. Nền kinh tế với độ mở lớn như Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động từ xu hướng kinh tế thế giới. Trong thế giới kinh doanh phức tạp và thay đổi liên tục như hiện nay, việc cập nhật kiến thức và hiểu biết về các xu hướng kinh doanh trên thế giới là rất quan trọng. Để độc giả có thể tiếp cận những thông tin kinh tế quốc tế mới nhất, Tri Thức - Znews giới thiệu Tủ sách kinh tế thế giới với những cuốn sách và câu chuyện kinh doanh đáng chú ý. Từ việc nghiên cứu các công ty hàng đầu đến việc khám phá những xu hướng kinh tế mới, Tủ sách sẽ là nơi cập nhật các thông tin mới nhất về hoạt động kinh tế toàn cầu.