Công ty dược phải ‘cắt phế’ tới 30% mới được bán thuốc vào bệnh viện

Ông Huỳnh Nguyễn Lộc – nguyên Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TPHCM và bà Trương Thị Thu Hương – nguyên Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Nguyên, bị cáo buộc yêu cầu doanh nghiệp dược 'cắt phế' từ 10% - 30% giá trị đơn thuốc, từ đó 'đút túi' hàng chục tỷ đồng.
Chi hơn 71 tỷ đồng để “bôi trơn” cho lãnh đạo bệnh viện
Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án " Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ" liên quan đến Công ty Cổ phần Y Dược LanQ cùng nhiều tổ chức, cá nhân khác, đồng thời đề nghị truy tố 23 bị can về các tội danh nêu trên.
Theo kết luận điều tra, ông Huỳnh Nguyễn Lộc – nguyên Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP HCM bị cáo buộc đã yêu cầu “cắt phế” lên tới 25% giá trị đơn thuốc và nhận hơn 47 tỷ đồng để tạo điều kiện cho công ty cung cấp thuốc vào viện.
Còn bà Trương Thị Thu Hương – nguyên Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Nguyên bị xác định đã yêu cầu mức “cắt phế” tới 30% hóa đơn và đã nhận hơn 10 tỷ đồng tiền “hoa hồng” từ phía doanh nghiệp.
Cụ thể, Cơ quan điều tra xác định, Nguyễn Mạnh Quyền – nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty LanQ cùng với Phạm Văn Cách , nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dược Sơn, đã bàn bạc, cấu kết để lừa đảo và đưa hối lộ nhằm trục lợi từ hoạt động đấu thầu, cung cấp thuốc và dược liệu cho các bệnh viện công lập.
Trong quá trình này, Lê Văn Tình, nguyên Phó Giám đốc Công ty Sơn Lâm , không chỉ giúp sức trong việc đưa hối lộ hơn 10 tỷ đồng cho một số cá nhân có thẩm quyền tại các bệnh viện, trung tâm y tế, mà còn chiếm đoạt riêng hơn 4 tỷ đồng từ các bị can khác thông qua việc chuyển tiền. Với hành vi này, Lê Văn Tình bị đề nghị truy tố cả hai tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Đưa hối lộ”.
Cơ quan An ninh điều tra cũng làm rõ, dù đã trúng thầu theo quy định, các công ty vẫn buộc phải chi tiền “bôi trơn” để không bị gây khó khăn trong quá trình thực hiện hợp đồng, ví dụ như không cho nhập thuốc, liên tục yêu cầu đổi trả, chậm thanh toán hoặc tạo áp lực hành chính.
Theo lời khai và tài liệu thu thập được cho thấy Phạm Văn Cách đã chi hơn 71 tỷ đồng để “bôi trơn” cho nhiều cá nhân tại các bệnh viện trên cả nước, mục đích là nhằm đảm bảo quá trình cung ứng thuốc được thuận lợi, không bị làm khó trong bất kỳ giai đoạn nào.
'Nhờ' tài khoản của em gái để nhận tiền hối lộ
Một trong những vụ nhận hối lộ lớn nhất được xác định liên quan đến Huỳnh Nguyễn Lộc, nguyên Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TPHCM. Với vai trò là người có quyền quyết định toàn bộ việc ký kết và thực hiện hợp đồng cung ứng thuốc bảo hiểm y tế, ông Lộc đã lợi dụng chức vụ để đòi tiền "hoa hồng" từ 20% đến 25% trên mỗi hóa đơn mua bán thuốc.
Việc đưa tiền diễn ra định kỳ, thường sau mỗi đợt Viện Y dược học dân tộc TPHCM thanh toán tiền thuốc cho Công ty Sơn Lâm hoặc bất cứ khi nào ông Lộc yêu cầu. Để thực hiện, bị can Phạm Văn Cách trực tiếp hoặc thông qua nhân viên, người thân chuyển tiền cho Phạm Văn Chuẩn – một nhân viên không liên quan đến quá trình ký kết hợp đồng nhưng được ông Lộc tin tưởng giao nhận tiền.
Tổng cộng, ông Lộc đã nhận hơn 47 tỷ đồng từ Công ty Sơn Lâm trong giai đoạn 2018–2023.
Tương tự, bị can Trương Thị Thu Hương – nguyên Giám đốc bệnh viện đã yêu cầu hoa hồng từ 10% đến 30% (chưa tính thuế VAT) trên giá trị mỗi hóa đơn cung ứng thuốc của Công ty Sơn Lâm. Số tiền này được chuyển thẳng vào tài khoản của bà Hương hoặc tài khoản mang tên Trương Thị Thúy Vinh, em gái bà Hương.
Tổng cộng, theo chỉ đạo của Phạm Văn Cách, 24 giao dịch chuyển khoản đã được thực hiện, đưa hơn 10 tỷ đồng vào các tài khoản của bà Hương và bà Vinh thông qua con dâu của Phạm Văn Cách.
Từ vụ án, Cơ quan An ninh điều tra đã chỉ rõ nhiều nguyên nhân và điều kiện dẫn đến hành vi phạm tội, đặc biệt là sự thiếu giám sát trong quá trình thực hiện hợp đồng cung ứng thuốc giữa các doanh nghiệp dược và cơ sở khám chữa bệnh công lập.