'Công trường' khai thác vàng trái phép giữa rừng

Lợi dụng thời điểm sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã và cấp tỉnh, tình trạng khai thác vàng trái phép tại các khu vực giáp ranh của TP.Đà Nẵng mới (tỉnh Quảng Nam cũ) đang diễn ra phức tạp, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa phương.
Các bãi vàng Hố Nước và Hố Dẻo, thuộc thôn 5 (xã Tiên An, H.Tiên Phước, Quảng Nam cũ; nay là xã Thạnh Bình, TP.Đà Nẵng), cách xa khu dân cư khoảng 300 m, đang biến thành những "công trường" khai thác vàng trái phép.
Theo ghi nhận của phóng viên Thanh Niên ngày 30.6, hàng chục lán trại lợp bạt màu xanh mọc lên giữa khu rừng trồng keo rộng khoảng 2 ha tại bãi vàng Hố Nước. Đất rừng bị san ủi, xẻ đường cho ô tô chạy vào và đào thành những vách cao. Cách bãi vàng chừng 300 m là 4 lán trại rộng hàng trăm mét vuông, nơi hàng chục phu vàng tranh thủ nghỉ ngơi. Tại đây, tiếng máy nổ khai thác vàng cùng tiếng nói chuyện như một "công trường". Xe múc cũng được huy động để phục vụ việc khai thác. Sau khi lấy được quặng vàng, nước thải chứa hóa chất được đổ thẳng ra môi trường, theo mưa lớn chảy về hạ lưu gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống nhiều hộ dân.
Một phu vàng cho biết, đa số những người làm vàng đều không có việc làm ổn định, được chủ bãi thuê với mức công từ 200.000 - 300.000 đồng/người/ngày. Tuy nhiên, danh tính chủ bãi vàng thì họ đều nói không rõ. Mỗi ngày, họ rời lán trại vào bãi vàng làm việc. Người vào hầm đào đá đưa lên xe đẩy ra ngoài xay nghiền, người ngâm ủ quặng, người vận hành máy móc và các công việc khác. Để có nhiên liệu cho máy móc hoạt động, sẽ có xe chở dầu vận chuyển lên đây.
Tại bãi vàng Hố Nước, một diện tích rộng lớn bị cày xới tan hoang. Ngoài máy móc hạng nặng, nhiều hầm vàng cũng được đào sâu vào lòng đất. Di chuyển sang bãi vàng Hố Dẻo cách đó khoảng 1 km về phía nam, phóng viên ghi nhận khoảng 10 bể đãi vàng, mỗi bể rộng 7 - 15 m², đang ngâm ủ với vôi, xyanua và một số hóa chất khác. Phu vàng còn đào giếng, dùng tời đưa đất đá lên ngâm ủ lấy vàng và khoét hầm sâu hàng chục mét dưới rừng keo. Khi phát hiện người lạ, một người canh gác tại đây đã gọi điện cho ai đó rồi bỏ đi nơi khác.
BỊ ĐẨY ĐUỔI NHƯNG VẪN KHAI THÁC LÉN LÚT
Theo người dân địa phương, bãi vàng Hố Nước và Hố Dẻo đã tồn tại từ thời Pháp, sau đó bị đóng cửa. Người dân được giao đất trồng keo trên bãi vàng. Trước đây, tình trạng khai thác vàng lén lút từng diễn ra nhưng bị lực lượng chức năng truy quét nên dừng. Tuy nhiên, khoảng vài tháng gần đây, hàng chục người từ nơi khác đến, mua đất của chủ rừng hoặc lợi dụng việc mở đường vào rẫy keo để khai thác vàng trái phép. "Người dân chúng tôi không biết địa điểm khai thác vàng này có được cấp phép hay không. Tuy nhiên, lâu lâu cũng thấy lực lượng chức năng tổ chức truy quét nhưng được một thời gian thì đâu lại vào đấy. Tình trạng khai thác vàng vẫn cứ diễn ra, kéo theo nhiều hệ lụy", một người dân bức xúc.
Ông Phan Hồng Phát, Chủ tịch UBND xã Tiên An cũ, xác nhận 2 bãi vàng Hố Nước và Hố Dẻo không được phép khai thác. Chính quyền địa phương đã nhiều lần truy quét, phá hủy máy móc, đốt lán trại của phu vàng nhưng tình trạng này vẫn "âm ỉ" diễn ra. Đặc biệt, ông Phát nhấn mạnh, thời gian gần đây các đối tượng đã lợi dụng việc chính quyền đang bận rộn với công tác sáp nhập, chuyển giao để lén lút khai thác.
"Sau khi chúng tôi đẩy đuổi, phá hủy máy móc cũng như lán trại, các đối tượng lén lút vào khai thác trở lại", ông Phát chia sẻ. Ông cho biết thêm, trước khi giải thể chính quyền cấp xã cũ, địa phương cũng đã huy động lực lượng lên khu vực Hố Nước và Hố Dẻo để đẩy đuổi và đốt các lán trại.
Một lãnh đạo Công an TP.Đà Nẵng cho hay, về việc các đối tượng lợi dụng việc sáp nhập đơn vị hành chính rồi lẻn vào khai thác vàng trái phép tại khu vực Hố Nước và Hố Dẻo, Công an thành phố đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát kinh tế nắm tình hình và có kế hoạch xử lý triệt để vấn đề này.