'Cổng trời' cần lực đẩy mới

Cùng với đường sông và đường bộ, hàng không được xác định là trụ cột quan trọng trong hệ thống hạ tầng chiến lược, tạo đột phá cho liên kết vùng và phát triển bền vững giao thông đa phương thức khu vực Tây Nam Bộ.
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang có 4 sân bay dân dụng, trong đó có 2 sân bay quốc tế (Cần Thơ, Phú Quốc) và 2 sân bay nội địa (Cà Mau, Rạch Giá). Các sân bay vừa được khởi công nâng cấp, mở rộng nhằm tạo ra cú hích trên bầu trời miền Tây.
Sân bay quốc tế Cần Thơ là cửa ngõ hàng không trung tâm của vùng, khai thác 7 đường bay nội địa và 2 đường bay quốc tế, với công suất thiết kế từ 3 - 5 triệu lượt khách/năm. Trong năm 2024, sân bay này chỉ phục vụ khoảng 1,3 triệu lượt khách, vẫn còn nhiều tiềm năng chưa được tận dụng hết.
Là sân bay sôi động nhất vùng với gần 6 triệu lượt khách trong năm 2024, sân bay Phú Quốc đang được gấp rút mở rộng lên công suất 10 - 18 triệu khách/năm nhằm phục vu nhu cầu đi lại ngày càng tăng của du khách, đặc biệt Phú Quốc sẽ là điểm đến của Tuần lễ cấp cao APEC 2027.
Trong khi đó, 2 sân bay Cà Mau và Rạch Giá vẫn "lặng lẽ cất cánh" với vài chuyến bay ngắn mỗi ngày, chủ yếu nối với TP.HCM. Dù sản lượng thấp nhưng đây chính là những "tiền đồn hàng không", nếu được đầu tư hợp lý thì sẽ giúp kết nối các vùng xa và vùng biển đảo, phát triển du lịch sinh thái, kinh tế biển và quốc phòng.
Hàng không miền Tây vẫn còn nhiều thách thức. Dân cư phân tán, thu nhập chưa cao nên nhu cầu đi lại bằng máy bay chưa nhiều. Mạng lưới kết nối đường bộ đến sân bay còn hạn chế.
Thiếu liên kết vùng trong khai thác cảng hàng không và giao thông kết nối đa phương thức, đặc biệt các tuyến quốc tế hay bay xuyên vùng nối miền Tây với miền Trung, Tây Nguyên, Tây Bắc.
Trong bối cảnh du lịch đang bùng nổ, đặc biệt là nhu cầu từ các thị trường quốc tế như Hàn Quốc, Trung Quốc và châu Âu, cùng với dòng vốn đầu tư vào miền Tây đang dịch chuyển, kéo theo nhu cầu logistics và vận tải hàng không tăng cao.
Việc tập trung đầu tư mạnh mẽ cơ sở hạ tầng giao thông vùng Tây Nam Bộ, trong đó có mạng lưới các sân bay, là bước đi cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân khu vực cũng như liên kết vùng.