Nhảy đến nội dung
 

Công Phượng: Đá bóng hay, kinh doanh giỏi kiếm bạc tỉ

Tiền đạo Nguyễn Công Phượng là một trong những “của hiếm” của làng bóng Việt Nam khi vừa thành công trong sự nghiệp quần đùi áo số, vừa kiếm bộn tiền nhờ kinh doanh.

Cầu thủ xuất ngoại nhiều nhất Việt Nam

Công Phượng là một trong những cầu thủ thành công nhất ở Học viện HAGL JMG, là “báu vật” của bầu Đức. Anh cũng là cầu thủ xuất ngoại nhiều nhất Việt Nam, và mỗi lần đều mang về những bản hợp đồng tiền tỉ.

Chân sút sinh năm 1995 có tới 4 lần khoác áo các đội bóng nước ngoài, gồm: Mito Hollyhock (Nhật Bản), Incheon United (Hàn Quốc), Sint Truidense (Bỉ) và Yokohama FC (Nhật Bản).

Dù không thường xuyên được thi đấu, nhưng những chuyến xuất ngoại này cũng mang về cho tiền đạo người Nghệ An số tiền lót tay, lương cực lớn.

Ngoài ra, Công Phượng cũng từng đầu quân cho CLB TP.HCM theo dạng cho mượn, với mức lương được cho là 120 triệu đồng/tháng, gấp 2-3 lần so với mặt bằng chung của bóng đá Việt Nam.

Ở cấp đội đội tuyển, sau nhiều năm thi đấu cho các đội U19, U23 và ĐTQG, Công Phượng nhận những khoản thưởng không nhỏ. Chẳng hạn như chiến tích á quân U23 châu Á tại Thường Châu 2018, Công Phượng cùng các đồng đội được thưởng lên tới vài chục tỉ đồng.

“Ông trùm" cafe

Người hâm mộ luôn nhắc tới Công Phượng là ngôi sao sân cỏ, nhưng không phải ai cũng biết cựu tiền đạo tuyển Việt Nam là một người rất có “máu” kinh doanh. Anh sẵn sàng bỏ những khoản tiền lớn đầu tư vào lĩnh vực ngoài bóng đá như mở chuỗi nhà hàng, cafe, bất động sản…

Từ năm 2017, Phượng từng bước “lấn sân” kinh doanh. Anh mở chuỗi cafe mang thương hiệu CP10 tại Gia Lai. Chỉ sau 1 năm, chân sút phố Núi mở chi nhánh thứ 2 ở Hà Nội.

Công Phượng dường như có duyên với kinh doanh cafe. Trong nhiều năm sau này, anh tham gia vào chuỗi cafe Ông Bầu, nhượng quyền từ chuỗi thương hiệu của bầu Đức.

Năm 2024, Công Phượng hợp tác với Yokohama FC mở chuỗi phân phối các sản phẩm gia dụng bao gồm: cốc nước, tạp dề, thùng đựng đồ, lót cốc cafe... Các sản phẩm đều in hình hoa sen - quốc hoa của Việt Nam, được bán rất chạy.

CLB Yokohama FC từng khen ngợi: “Công Phượng rất yêu thích cafe và cũng là một barista có trình độ. Trong đợt tập trung mùa giải 2024, Công Phượng trở thành chủ đề nóng khi tự tay phục vụ cà phê cho đồng đội”.

Ngoài niềm đam mê liên quan tới cafe, Công Phượng còn là đồng sở hữu một nhà hàng bánh tráng thịt heo ở vị trí cực đắc địa tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) cùng đồng đội cũ Đông Triều.

Năm 2019, Công Phượng thành lập Công ty TNHH thương mại tiếp thị thể thao PM, sở hữu một thương hiệu thời trang chuyên về thiết kế áo phông. Anh giữ vai trò Chủ tịch công ty, còn vợ làm quản lý và khai thác thương mại.

Nhờ sự nổi tiếng và rất chăm chỉ, chuyên nghiệp, Công Phượng bỏ túi hàng tỉ đồng khi đóng quảng cáo, tham dự các sự kiện… Mới nhất, đơn vị Việt Nam sở hữu bản quyền giải bóng đá VĐQG Nhật Bản (J-League) mời Công Phượng làm đại sứ thương hiệu. Dĩ nhiên, chân sút CLB Bình Phước được trả rất "đậm" với bản hợp đồng này.

Dù không còn ở thời đỉnh cao, nhưng cái tên Công Phượng vẫn rất “hot”. Vì thế, thật dễ hiểu khi chân sút người Nghệ An có thu nhập khủng, cùng vợ sở hữu một căn hộ hạng sang ở Landmark 81. Anh cũng gửi tiền về quê cho bố mẹ xây nhà.

Không chỉ thành công trong kinh doanh, Công Phượng, Xuân Trường và một số đồng đội vừa nhận bằng tốt nghiệp loại giỏi tại Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao TP.HCM. Với kiến thức học được trong nhà trường, cùng kinh nghiệm thương trường hơn chục năm qua, Công Phượng hứa hẹn trở thành một doanh nhân thành đạt trong tương lai.