Nhảy đến nội dung

Công nghiệp giải trí Việt Nam: Chiến lược phải xây từ những đánh giá khách quan, trực diện

Nhiều chuyên gia, nghệ sĩ, nhà sản xuất uy tín bày tỏ sự hy vọng khi lần đầu tiên, công nghiệp giải trí được đề cập chính thức ở tầm vĩ mô.

Báo Tuổi Trẻ mở diễn đàn nhân Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xây dựng đề án về công nghiệp giải trí để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5 này. 

Các chuyên gia cũng như những người đang hoạt động trong ngành giải trí chia sẻ, đóng góp những ý kiến cụ thể, thiết thực; góp phần vào mục tiêu chung: hướng tới một nền công nghiệp giải trí phát triển bền vững và có bản sắc.

● Nhạc sĩ Quốc Trung:

Đừng lạc quan trong thống kê

Trong khi các nước xây dựng chiến lược trước chúng ta vài chục năm để hái quả thì bây giờ chúng ta mới nghĩ tới và bắt đầu thì không thể cứ lạc quan là sẽ hái quả được.

Nói công nghiệp giải trí có nghĩa mọi công đoạn được thực hiện theo quy trình công nghiệp với những kế hoạch khoa học, tỉ mỉ và kỷ luật. 

Chỉ mới bắt đầu bằng những show (từ các chương hình thực tế) tại sân vận động mà đã vội nghĩ là vươn tầm khu vực và thế giới thì là ngộ nhận.

Chưa nói tới năng lực cạnh tranh khi mà giá thành sản xuất cao mà sức mua thì chỉ lạc quan trong thống kê.

Điều quan trọng nhất của nền công nghiệp văn hóa hay công nghiệp giải trí là năng lực sáng tạo và chất lượng sản phẩm, để từ đó có thể tạo ra nhu cầu. 

Nhu cầu phải được xây dựng từ những trải nghiệm đỉnh cao từ chất lượng chứ không phải bằng chiêu trò truyền thông hay trào lưu.

Cũng như xây dựng đề án phát triển công nghiệp văn hóa trước đây, tôi nghĩ cần xây dựng chiến lược cụ thể, có sự tham gia của các chuyên gia có kinh nghiệm trong và ngoài nước cũng như đội ngũ thực hành.

Chiến lược có tính thực tiễn khả thi phải được xây dựng từ những đánh giá khách quan, trực diện thay vì liệt kê tô hồng làm vừa lòng lãnh đạo. 

Một đề án như vậy không đơn giản và dễ dàng, nên không thể vội vàng. Bởi có rồi thường khó bỏ đi khi mà nó không hiệu quả và không thể mỗi lúc lại xây dựng một đề án. Nó phải có tầm nhìn, bền vững, có tính khả thi và hiệu quả.

● Nhà sản xuất Nguyễn Trí Viễn:

Cần thiết lập chính sách ưu đãi tài chính

Tôi rất kỳ vọng vào đề án này, mong sẽ là một cột mốc chính sách có thật, chứ không chỉ là khẩu hiệu. 

Việc Việt Nam lần đầu tiên tách khái niệm này ra khỏi "công nghiệp văn hóa" để xây dựng chiến lược riêng cho thấy tư duy mới mẻ, dám nhìn nhận đúng vai trò của giải trí trong phát triển kinh tế - xã hội.

Với vai trò là nhà sản xuất phim, tôi mong mình có thể đóng góp ý kiến ở lĩnh vực sản xuất phim.

Thứ nhất, cần phát triển quỹ điện ảnh với mục tiêu rõ ràng để các nhà làm phim chân chính có điều kiện tiếp cận, phát triển. 

Thứ hai, cần thiết lập chính sách ưu đãi tài chính và thuế, áp dụng hoàn thuế hoặc ưu đãi thuế: học hỏi từ Thái Lan.

Tiếp theo là duy trì hoặc giảm thuế VAT cho điện ảnh: tránh tăng thuế VAT từ 5% lên 10% như đề xuất trước đây, thay vào đó, xem xét giảm thuế VAT xuống còn 3% để hỗ trợ các doanh nghiệp điện ảnh trong nước và thúc đẩy tăng trưởng.

Và cuối cùng là miễn, giảm thuế cho cá nhân hoạt động trong ngành phim ảnh, bởi các nước trên thế giới làm rất tốt việc này. 80 - 90% phim thua lỗ mỗi năm cho thấy đầu tư sản xuất phim mang tính rủi ro cao mà nhân sự tham gia ngành này cũng cần sống chứ.

● Đại diện YeaH1:

Mừng là có một định danh rõ ràng

Thay vì các doanh nghiệp tự tổ chức các hoạt động riêng lẻ, nay Chính phủ muốn phát triển thành một "ngành công nghiệp" được công nhận. Đây là một bước tiến quan trọng, tạo ra một định danh rõ ràng, từ đó có thể xây dựng các chính sách hỗ trợ chuyên biệt và hiệu quả hơn.

Để tạo ra một môi trường thuận lợi cho sự sáng tạo, đổi mới và thành công thương mại bền vững, chúng tôi cho rằng đề án cần tập trung vào 4 yếu tố.

Trước hết, cần bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phù hợp (ưu đãi thuế, hợp tác sản xuất và đầu tư vào cơ sở hạ tầng giải trí, các chương trình đồng tài trợ hoặc bảo lãnh vay vốn cho các dự án lớn...).

Hai là chiến lược quốc gia trong việc đào tạo, phát triển tài năng và nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp giải trí.

Tiếp theo cần tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư xây dựng các phim trường, sân khấu với cơ sở vật chất hiện đại, được trang bị công nghệ mới nhất, nhằm tạo ra những sản phẩm quy mô, chất lượng...

Cuối cùng là những hoạt động hợp tác sản xuất và phân phối mang tầm quốc tế nhằm tôn vinh văn hóa Việt Nam ra toàn cầu.

● Nhà sản xuất, diễn viên Đinh Ngọc Diệp:

Điện ảnh Việt vừa đắt vừa tạm bợ

Về hạ tầng điện ảnh, tôi mong Việt Nam có những phim trường đạt chuẩn quốc tế thay vì tạm bợ như hiện tại. 

Chúng tôi từng cân nhắc sang Thái Lan sản xuất phim Việt vì bên đó có phim trường hiện đại và giá nhân sự rẻ lại rất chuyên nghiệp. Một số phim Việt nếu làm ở Thái Lan thì kinh phí có thể rẻ hơn 30 - 40%.

Việc gọi vốn cho một số đạo diễn trẻ gặp rất nhiều khó khăn. Nếu chỉ kêu gọi tư nhân thì khó có cơ hội cho các bạn trẻ có tài.

Tôi mong có một quỹ riêng để giúp người trẻ thử sức với điện ảnh. Họ có tiềm năng sáng tạo rất lớn và là tương lai của điện ảnh Việt.

Tôi cũng hy vọng giới điện ảnh Việt Nam có môi trường đào tạo tốt về truyền thông và social, hướng đến sự trung thực và đam mê, lan tỏa năng lượng tích cực, gây dựng niềm tin nơi công chúng.

● Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn:

Cần vượt định kiến cũ

Cần thay đổi nhận thức, vượt qua cái nhìn định kiến cũ, để thấy ngành giải trí - nếu được quy hoạch và phát triển bài bản - không chỉ mang lại thu nhập lớn, mà còn góp phần lan tỏa giá trị văn hóa Việt, truyền cảm hứng sống tích cực, sáng tạo cho giới trẻ và quảng bá hình ảnh quốc gia ra thế giới.

Hy vọng đề án khắc phục những điểm nghẽn lớn lâu nay. 

Từ thiếu cơ chế hỗ trợ sản xuất, phát hành, quảng bá đến hạn chế trong đào tạo nhân lực sáng tạo; từ yếu kém trong khai thác bản quyền đến sự chậm trễ trong chuyển đổi số.

Việc xây dựng hệ thống chính sách hỗ trợ đồng bộ về thuế, tín dụng, ưu đãi đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực, bảo hộ bản quyền, quảng bá ra quốc tế... cũng cần thiết. 

Đặc biệt là chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp sáng tạo trong nước, tạo điều kiện cho họ tiếp cận các nền tảng công nghệ, dữ liệu người dùng và kênh phân phối hiện đại bởi đó là những yếu tố sống còn trong nền kinh tế giải trí hiện đại.

 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn