Nhảy đến nội dung

Công nghệ ADAS chưa thể thay thế người lái xe

Khoảng 10 năm qua chứng kiến những sự thay đổi rất lớn của ngành công nghiệp ôtô trên thế giới, đặc biệt là những công nghệ an toàn chủ động, hỗ trợ người lái hay còn gọi là ADAS (Advanced Driver-assistance System). Xu hướng phát triển các dòng xe thuần điện trên toàn cầu cũng thúc đẩy ADAS ngày càng thông minh, nhiều tính năng và được tích hợp trên ôtô nhiều hơn.

ADAS là tập hợp các hệ thống an toàn chủ động được trang bị trên xe, phần lớn hoạt động một cách tự động, nhằm cảnh báo, ngăn ngừa và giảm thiểu tối đa khả năng xảy ra va chạm khi xe di chuyển trên đường. Trước đây ADAS là trang bị chỉ thấy trên những dòng xe hạng sang đắt tiền, tuy nhiên ngày nay, ADAS đã trở nên phổ biến hơn, đặc biệt trong xu hướng phát triển của xe điện.

Đơn cử như mẫu xe điện VF 8 của VinFast, được hãng trang bị hàng chục tính năng trong gói ADAS, hoạt động dựa trên các tín hiệu từ radar, cảm biến và camera để quét, phân tích và đo khoảng cách với các vật thể, phương tiện xung quanh. Từ đó, xe có thể phát hiện các nguy cơ tiềm ẩn khi lái xe, cảnh báo người lái và can thiệp nhằm giảm thiểu nguy cơ xảy ra va chạm.

Khi tài xế bước lên xe và khởi động, ADAS trên VF 8 mặc định luôn bật. Tuy nhiên, công nghệ này không hoạt động mọi lúc mọi nơi, có thể bị vô hiệu hóa hoặc tắt đi một phần khi điều kiện môi trường không cho phép, đơn cử như khi trời mưa quá lớn làm cản tầm nhìn của camera, có thể khiến tính năng phanh tự động không kích hoạt khi gặp chướng ngại vật.

Ngoài ra, ADAS cần một số điều kiện khác để hoạt động, bao gồm người ngồi trong xe phải cài dây an toàn đầy đủ, cửa xe được đóng, camera, cảm biến không bị che phủ hoặc bám bùn, hoặc dải tốc độ ở trong mức cho phép... Tùy vào cách thiết lập của từng hãng xe, người dùng cần lưu ý rằng điều kiện cần và đủ để ADAS hoạt động là khác nhau, và việc này được ghi rất rõ ràng trong sách hướng dẫn sử dụng.

Điểm thú vị của ADAS trên VF 8 hoặc một số mẫu xe VinFast, các tính năng của gói công nghệ này có thể được hãng cập nhật, bổ sung theo thời gian, thông qua các nâng cấp phần mềm.

Mảng công nghệ ôtô tự lái được chia làm 5 cấp độ. Trong đó các cấp độ 1-3 tài xế vẫn phải can thiệp, cấp độ 4 gần như tự lái hoàn toàn và cấp độ 5 là cao nhất, tài xế không cần quan tâm tới xe. Hiện ngành công nghiệp ôtô thế giới mới chỉ áp dụng thương mại ở cấp độ 2 và 3, những cấp độ cao hơn vẫn chỉ dừng ở mức độ thử nghiệm, hạn chế ở một số khu vực.

Tuấn Vũ