Nhảy đến nội dung

Công chức sớm được trả lương theo vị trí việc làm và sản phẩm đầu ra

Trong báo cáo kết quả thực hiện các nghị quyết về hoạt động chất vấn của Quốc hội phục vụ kỳ họp 9, Bộ Nội vụ cho biết đây là một trong những giải pháp trọng tâm nhằm tạo động lực, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Bộ sẽ tập trung cao độ xây dựng các phương án cải cách tiền lương trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 27 năm 2018 của Trung ương. Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ rà soát lại hệ thống thể chế chính sách, điều chỉnh, bổ sung các quy định về tuyển dụng, sử dụng, quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bố trí cán bộ, công chức, viên chức một cách khách quan, công bằng, minh bạch và hiệu quả.

Đặc biệt, chính sách tiền lương mới sẽ gắn với vị trí việc làm và kết quả công việc, với cơ chế tham chiếu mức lương của khu vực tư nhân cho các vị trí tương đương. Mục tiêu là để công chức yên tâm công tác, hạn chế tiêu cực, chảy máu chất xám, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, thu hút nhân tài. Kinh nghiệm từ nhiều quốc gia cũng đã chứng minh hiệu quả của cách tiếp cận này.

Hiện tại, lương công chức được tính theo hệ số nhân với mức lương cơ sở, dự kiến từ tháng 7/2024 là 2,34 triệu đồng/tháng. Theo cách tính này, mức lương thấp nhất của công chức là khoảng 3,1 triệu đồng/tháng và cao nhất khoảng 23,4 triệu đồng/tháng, chưa bao gồm phụ cấp.

Song song với cải cách tiền lương, Bộ Nội vụ tiếp tục triển khai xây dựng và hoàn thiện danh mục vị trí việc làm trong các tổ chức hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, làm cơ sở để thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Một vấn đề đáng chú ý khác là tình trạng công chức, viên chức xin nghỉ việc. Theo Bộ Nội vụ, năm 2022, tình trạng này diễn ra phổ biến và trở thành một vấn đề "nóng". Trong giai đoạn từ giữa năm 2022 đến giữa năm 2023, toàn quốc có gần 19.000 công chức, viên chức nghỉ việc, tập trung nhiều nhất tại Hà Nội và TP HCM. Trung bình mỗi tháng có 1.582 người nghỉ việc.

Nguyên nhân chủ yếu được xác định là do thu nhập thấp, áp lực công việc lớn, môi trường làm việc thiếu hấp dẫn. Để khắc phục, Bộ Nội vụ đã ban hành Công văn gửi các bộ, ngành, địa phương, trong đó yêu cầu triển khai đồng bộ các giải pháp như: cải thiện môi trường làm việc; hỗ trợ công chức, viên chức có hoàn cảnh kinh tế khó khăn; tạo điều kiện cho cán bộ đi học tập, nâng cao trình độ; đổi mới công tác bố trí, sử dụng nhân sự; xây dựng đội ngũ lãnh đạo có năng lực và uy tín; đẩy mạnh cải cách hành chính và giáo dục chính trị tư tưởng.

Nhờ các biện pháp này, tình trạng nghỉ việc đã có xu hướng giảm mạnh từ năm 2023 đến nay. Bộ Nội vụ đánh giá đây là tín hiệu tích cực, cho thấy hiệu quả bước đầu của các chính sách tiền lương, cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo và việc đẩy mạnh tự chủ tài chính trong các đơn vị sự nghiệp công lập.

Vũ Tuân