Công chức muốn tồn tại phải đáp ứng vị trí việc làm, không thể giữ ghế nhờ ngạch

Bộ trưởng Nội vụ nêu rõ, cán bộ, công chức muốn tồn tại phải đáp ứng được yêu cầu vị trí việc làm, không thể giữ ghế nhờ ngạch.
Giải trình, tiếp thu ý kiến Quốc hội chiều nay về dự thảo Luật Cán bộ, công chức, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, mục tiêu sửa đổi luật lần này là liên thông đội ngũ cán bộ, công chức; xây dựng chế độ công vụ thống nhất từ trung ương tới cơ sở; cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức gắn với vị trí việc làm.
“Đây là dịp sửa đổi toàn diện, đổi mới chế độ công vụ theo hướng tiếp cận với các nền công vụ tiên tiến trên thế giới, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia, hiện đại, minh bạch và hiệu quả”, bà cho hay.
Trả lời băn khoăn của đại biểu về vị trí việc làm với ngạch công chức, Bộ trưởng nhấn mạnh, dự thảo luật lấy vị trí việc làm làm trung tâm, là nền tảng và cốt lõi để vận hành xuyên suốt toàn bộ hệ thống hành chính.
Theo bà Trà, vị trí việc làm là cơ sở cho xác định biên chế, phân bổ nhân lực, làm căn cứ duy nhất để tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng và trả lương, tức là toàn bộ vòng đời của quản trị nguồn nhân lực trong khu vực công.
Trong khi đó, ngạch chỉ là công cụ phụ trợ có tính kỹ thuật để phân định thứ bậc, trình độ chuyên môn trong công vụ và được thu gọn, linh hoạt hóa, tích hợp vào hệ thống mô tả khung năng lực vị trí việc làm.
“Đây là vấn đề rất mới so với luật hiện hành”, Bộ trưởng Nội vụ lưu ý.
Bà Trà cho biết, dự thảo quy định bỏ việc thi nâng ngạch, bỏ việc sắp xếp theo thứ tự như hiện nay từ tập sự, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp. Thay vào đó, khi trúng tuyển vào vị trí việc làm nào thì nhân sự sẽ được xếp vào ngạch tương ứng.
“Cán bộ, công chức muốn tồn tại phải đáp ứng được yêu cầu vị trí việc làm”, Bộ trưởng nêu rõ. Việc này tránh tình trạng giữ ghế nhờ ngạch, tạo động lực cho cán bộ, công chức phấn đấu, thực thi công vụ trên cơ sở vị trí việc làm.
Tuy nhiên, bà nhận định đây là vấn đề mới và cũng là thách thức với cơ quan chuyên môn thiết kế làm sao cho rành mạch.
Thu hút người tài không chỉ cần ưu đãi tiền lương
Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho biết tài năng trong hoạt động công vụ là một dạng tài năng rất đặc thù, không chỉ đòi hỏi năng lực chuyên môn, kỹ năng tổ chức, mà còn cần sự liêm chính, tinh thần trách nhiệm, khả năng chịu áp lực và bản lĩnh chính trị.
Theo bà, muốn thu hút và giữ chân người tài, không chỉ ưu đãi về tiền lương, quan trọng hơn là trao họ cơ hội được cống hiến, tin tưởng và trọng dụng.
Đại biểu tỉnh Hải Dương kiến nghị thiết kế lại hệ thống đánh giá cán bộ theo đầu ra và hiệu quả công vụ, chứ không chỉ dựa vào hình thức, quy trình. Cần cho phép xây dựng các cơ chế thử thách và lựa chọn nhân tài linh hoạt, đặc biệt ở những vị trí cần sáng tạo, đổi mới…
“Ưu đãi người tài không chỉ là tăng lương, mà là tạo dựng một hệ thống công vụ minh bạch, công bằng, có động lực và có cơ hội phát triển thực sự”, đại biểu nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nội vụ cho rằng, chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ là điểm mới để luật hóa, trong đó coi người tài là một chủ thể đặc biệt trong thiết lập nền công vụ trọng dụng người tài để từ đó có giải pháp vừa là nhân sự, vừa là lựa chọn chiến lược để quản trị quốc gia trong thời đại cạnh tranh bằng tri thức, trí tuệ, số hóa.
Bà cam kết tiếp thu tối đa các ý kiến đại biểu để hoàn thiện dự thảo, trong đó quy định rõ ràng về nguyên tắc, cơ chế, chính sách đặc biệt, linh hoạt trong phân cấp, kết nối đồng bộ từ việc tuyển dụng, đảm bảo tính liên thông, cho đến việc sử dụng, môi trường công vụ cho họ cống hiến một cách xứng đáng.