Công bố nguyên nhân vụ tai nạn máy bay thảm khốc Jeju Air

Ngày 21-7, cơ quan điều tra Hàn Quốc cho biết đã phát hiện “bằng chứng rõ ràng” liên quan đến vụ tai nạn máy bay của hãng Jeju Air xảy ra vào tháng 12-2024, khiến 179 người thiệt mạng.
Theo Hãng tin Reuters ngày 21-7, cơ quan điều tra Hàn Quốc phát hiện "bằng chứng rõ ràng" cho thấy phi công chuyến bay Jeju Air đã "tắt nhầm động cơ" sau khi máy bay va phải chim, khiến sự cố nghiêm trọng hơn và dẫn đến vụ tai nạn thảm khốc khiến 179 người thiệt mạng vào tháng 12-2024.
Nguyên nhân vụ tai nạn thảm khốc: "tắt nhầm động cơ"
Dữ liệu từ hộp đen, ghi âm buồng lái và công tắc động cơ tại hiện trường cho thấy phi công đã tắt nhầm động cơ sau khi máy bay va chạm với chim.
Cụ thể, trong cuộc họp với thân nhân nạn nhân ngày 20-7, cơ quan điều tra cho biết động cơ bên phải bị hư hại nặng hơn do va chạm, nhưng phi công lại tắt động cơ bên trái - phía ít hư hại hơn.
Thông tin này cũng được các hãng truyền thông Hàn Quốc như MBN và Yonhap đăng tải.
"Nhóm điều tra có đầy đủ bằng chứng và dữ liệu xác thực, nên kết luận sẽ không thay đổi", một nguồn tin giấu tên nói với Reuters.
Một nguồn tin khác từ chính phủ khẳng định cả hai động cơ không gặp lỗi kỹ thuật trước khi máy bay va phải chim và rơi.
Vụ tai nạn xảy ra ngày 29-12-2024, khi chiếc Boeing 737-800 trượt khỏi đường băng trong lúc hạ cánh khẩn cấp và đâm vào một gò đất kỹ thuật tại sân bay Muan.
Sự cố khiến 179 trong số 181 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng, trở thành thảm họa hàng không nghiêm trọng nhất từng xảy ra trên đất Hàn Quốc.
Phản đối từ gia đình nạn nhân và công đoàn phi công
Tuy nhiên, trong cuộc họp trên, công đoàn phi công và gia đình các nạn nhân đã phản đối mạnh việc công bố báo cáo.
Họ cho rằng nội dung có xu hướng đổ lỗi cho phi công, trong khi chưa xét đến các yếu tố khác như việc máy bay đâm vào gò đất chứa thiết bị định vị, gây cháy nổ.
Công đoàn phi công Jeju Air cáo buộc Ủy ban Điều tra tai nạn hàng không và đường sắt (ARAIB) "gây hiểu lầm cho công chúng" khi khẳng định động cơ bên trái không gặp sự cố, dù cả hai động cơ đều có dấu vết va chạm với chim.
Công đoàn cho rằng ARAIB đang biến phi công thành "vật tế thần" mà không có cơ sở khoa học chứng minh máy bay có thể hạ cánh an toàn chỉ với một động cơ hoạt động.
Họ cũng nhấn mạnh tai nạn hàng không thường do nhiều yếu tố kết hợp, và đến nay, chưa có bằng chứng khẳng định lỗi thuộc về phi công.
Một tổ chức đại diện thân nhân nạn nhân cũng phản đối việc ARAIB dự định công bố báo cáo, cho rằng nội dung mang tính quy kết trách nhiệm khi kết luận chính thức còn chưa hoàn tất.
Hiện ARAIB đã hoãn công bố sau khi vấp phải phản đối vì báo cáo bị cho là phiến diện, và chưa đưa ra bình luận chính thức.