Nhảy đến nội dung

Còn 'lỗ hổng' trong kiểm soát thực phẩm chức năng

Thực phẩm chức năng vốn được kỳ vọng là giải pháp hỗ trợ nâng cao sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật nhưng lại đang trở thành "mảnh đất màu mỡ" cho các hành vi gian lận, từ quảng cáo sai sự thật đến làm giả, làm nhái sản phẩm.

Dù cơ quan quản lý khẳng định đã có nhiều biện pháp kiểm soát, thực tế cho thấy việc quản lý lĩnh vực này còn nhiều lỗ hổng.

Từ quảng cáo "nổ" đến giả chất lượng

Theo khảo sát của Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, thực phẩm chức năng ngày càng phổ biến tại Việt Nam với tốc độ tăng trưởng khoảng 15% mỗi năm. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của các sản phẩm này đã kéo theo hàng loạt hệ lụy như sản phẩm trôi nổi, quảng cáo phóng đại, thậm chí giả mạo chất lượng.

PGS.TS Trần Đáng, chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, nói có ba vi phạm đạo đức phổ biến trong lĩnh vực quảng cáo thực phẩm chức năng hiện nay: quảng cáo sai sự thật, lừa gạt người tiêu dùng; phóng đại công dụng hoặc quảng cáo mơ hồ gây hiểu nhầm là thuốc; lợi dụng hình ảnh bác sĩ, nghệ sĩ hoặc bệnh viện để đánh vào tâm lý người bệnh.

"Có đến 80% quảng cáo sản phẩm phòng và hỗ trợ điều trị bệnh trên mạng xã hội thực chất là thực phẩm chức năng 'trá hình'", ông Đáng nói. Không ít người bệnh vì tin vào những quảng cáo này mà tiền mất tật mang.

Thế nhưng không chỉ dừng lại ở việc quảng cáo "nổ", thời gian qua cơ quan điều tra đã liên tiếp triệt phá những đường dây sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng giả khiến nhiều người tiêu dùng hoang mang.

Cuối tháng 4 vừa qua, cơ quan công an đã triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng giả, do hai công ty MediPhar và MEDIUSA sản xuất. Cơ quan điều tra xác định các nghi phạm sử dụng thủ đoạn in trên bao bì, nhãn mác sản phẩm là nhập khẩu từ Mỹ, châu Âu... nhưng trên thực tế chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc và mua trôi nổi trên thị trường.

Về chỉ tiêu chất lượng, nhiều thành phần chỉ đạt dưới 30% so với công bố. Khi nghi ngờ bị điều tra, các nghi phạm tẩu tán, tiêu hủy nguyên liệu, sản phẩm, đóng cửa nhà máy. Người tiêu dùng mà nhóm này nhắm tới bán sản phẩm chủ yếu tập trung vào người già, trẻ em.

Đáng nói từ vụ triệt phá đường dây sản xuất hàng giả này, cơ quan điều tra đã khởi tố năm cán bộ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trong đó có nguyên cục trưởng cục này vì hành vi nhận hối lộ để "thông qua" các công bố sản phẩm và kiểm nghiệm nhà máy. 

Những người được cho là "lá chắn" cuối cùng để sản phẩm ra thị trường lại là người "tiếp tay" cho các sản phẩm giả đến người tiêu dùng.

Doanh nghiệp đăng ký một đằng, sản xuất một nẻo

Bà Trần Việt Nga, cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, cho rằng việc hàng hóa giả nói chung, thực phẩm giả nói riêng tồn tại không phải chỉ ở Việt Nam mà rất nhiều nước trên thế giới. Tại Việt Nam, trước những vụ việc liên tiếp bị triệt phá gần đây, bà Nga thừa nhận có những điểm khó khăn nhất định.

Bà Nga cho hay có doanh nghiệp cố tình "trá hình" các sản phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dành cho chế độ ăn đặc biệt thành thực phẩm chức năng để né quy định quản lý vốn chặt chẽ hơn. Hay có những nhà máy đạt tiêu chuẩn sản xuất thực phẩm chức năng nhưng lại cố tỉnh làm giả, làm khác tiêu chuẩn so với bảng công bố.

Trong khi đó, theo quy định của pháp luật, thực phẩm chức năng đang được quản lý theo cơ chế hậu kiểm. Tổ chức, cá nhân đưa sản phẩm ra thị trường, đăng ký kinh doanh, tiến hành công bố sản phẩm với cơ quan nhà nước có thẩm quyền là Bộ Y tế/sở y tế và chịu trách nhiệm. 

Tùy loại sản phẩm, cơ quan quản lý sẽ tiến hành hậu kiểm và xử lý, xử phạt các tổ chức, cá nhân có vi phạm theo quy định pháp luật về thương mại và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

"Lá chắn" hậu kiểm được coi là biện pháp duy nhất để kiểm soát các sản phẩm này. Thế nhưng thực tế việc hậu kiểm chưa đạt như kỳ vọng. Theo bà Nga, số lượng sản phẩm lớn, nhân lực hậu kiểm mỏng, kinh phí cũng rất khó khăn, bởi vậy hậu kiểm chưa đạt kết quả như kỳ vọng. Các địa phương chủ yếu tập trung vào lấy mẫu kiểm tra các chỉ tiêu về an toàn.

Khoảng trống về hậu kiểm chất lượng thấy rõ trong thống kê xử lý vi phạm của Cục An toàn thực phẩm từ năm 2020 đến nay. Từ 2020 đến 2024 trên cả nước chưa có xử lý vi phạm về kiểm nghiệm. 

Phần lớn các vi phạm bị xử lý là nhãn dán, quảng cáo, chất lượng, công bố, điều kiện an toàn thực phẩm. Trong 5 tháng đầu năm, cục xử lý hai vi phạm liên quan đến kiểm nghiệm, xử phạt hơn 187 triệu đồng.

Các địa phương cũng cho rằng việc hậu kiểm hiện nay chủ yếu là kiểm tra chỉ tiêu an toàn, chưa kiểm tra chất lượng. Một trong những nguyên nhân là do không có kinh phí cho hoạt động này.

Thiếu tướng Nhữ Thị Minh Nguyệt, phó cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an, cũng chỉ ra lỗ hổng trong hậu kiểm bởi có những doanh nghiệp bị cơ quan công an phát hiện vi phạm, xử lý hình sự, mặc dù trước đó đã có hai đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm nhưng không phát hiện vi phạm.

"Hiện nay công tác hậu kiểm chủ yếu kiểm tra chỉ tiêu công bố, chưa kiểm tra chất lượng. Bên cạnh đó, các đoàn kiểm tra thường thông báo trước dẫn đến việc phát hiện vi phạm còn hạn chế", bà Nguyệt nhận định.

 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn