Con lai Việt - Mỹ, chia ly và đoàn tụ: Hành trình 55 năm tìm cha

Người con lai Việt - Mỹ Nguyễn Văn Hà đã tìm được cha sau 55 năm. Hành trình tìm cha và cuộc đời của mình, anh Hà ví như… phim.
Anh Hà sinh năm 1970, tại Đà Nẵng. Từ khi lọt lòng cho đến nay, anh không biết cha mẹ ruột mình là ai. Lạ lùng, người mẹ nuôi đứa con lai Việt - Mỹ này là vợ của một chiến sĩ cách mạng đã hy sinh. Nhưng với lòng bao dung và sự kham nhẫn hiếm có, bà đã đối diện với đói nghèo, chịu áp lực cùng cực về tinh thần, để chở che, nuôi nấng anh Hà như đứa con ruột. Dòng đời của anh Hà còn là những cuộc đổi chác âm thầm, bị thay tên đổi họ, ép làm chồng hờ… như anh Hà tâm sự: "Đời tôi giống một cuốn phim".
Vợ liệt sĩ nuôi con "kẻ thù"
Theo lời kể của bà Lê Thị Đoan, hiện ở Điện Bàn (Quảng Nam), thì mẹ ruột của anh Hà "bán" anh khi chưa đầy một tuần tuổi. Lúc đó, bà Đoan đã có một đứa con gái và người chồng có với bà đứa con gái ấy cũng vừa ngã xuống trong một trận đánh ác liệt với lính Mỹ. Mẹ góa, con côi, nhưng bà Đoan vẫn quyết không đi bước nữa. Bà nhận nuôi anh Hà vì muốn có đứa con trai để sau này nương tựa.
"Mẹ nuôi kể, bà gặp mẹ tôi tại một bệnh viện, gửi một khoản tiền rồi ẵm tôi về", anh Hà thuật lại. Bà Đoan cũng không hề hay biết đứa trẻ mình mang về nuôi là "tác phẩm" phối ngẫu giữa người phụ nữ Việt và một lính Mỹ, người mà trong cuộc chiến là kẻ thù của bà và chồng.
"Mẹ nuôi tôi cũng không thể nào nhận ra tôi là con lai da màu khi còn đỏ hỏn. Nhưng chỉ mấy tháng sau, gương mặt, đặc biệt là nước da của tôi không thể giấu được thân phận đứa con lai chung huyết thống với một người lính Mỹ da màu nào đó", anh Hà chia sẻ.
Khi mỗi ngày Hà càng lộ diện "nhân tướng" đích thực là một đứa con của "kẻ thù", thì số phận của cả hai mẹ con anh gắn liền với sóng gió. Bà Đoan phải nhận "búa rìu dư luận", sự chống đối, coi thường từ gia đình người chồng. Xét về hoàn cảnh lúc đó, thì thái độ của dư luận và người thân trong gia đình người chồng liệt sĩ của bà Đoan là chuyện bình thường. Dù bị áp lực tứ bề, nhưng bà Đoan vẫn một mực yêu thương Hà.
"Mẹ nuôi vẫn thương tôi, cam chịu sự hắt hủi, mọi cái nhìn lạnh lẽo và những lời phản đối… Tôi rất biết ơn tấm lòng cao cả của mẹ nuôi đối với đứa con lai Mỹ như tôi", anh Hà nghẹn giọng.
Tuổi thơ của Nguyễn Văn Hà là những ngày bước ra đường nghe chói tai 2 chữ "lai căng" nặng nề và đầy định kiến. Chiếc áo trắng tinh anh mặc đi học buổi sáng, trưa về đã loang lổ mực do bạn bè cố tình vẩy lên. Hà bỏ học năm lớp 5 không phải vì dốt, mà vì anh thấy tủi thân và không chịu nổi sự miệt thị.
Bỏ học, Hà bắt đầu những ngày dài đi chăn trâu, chăn bò thuê để đổi lấy cơm ngày 2 bữa. Những lần bò đi lạc, anh phải đi tìm từ trưa đến tận tối mịt với cái bụng đói meo. "Xỉu lên xỉu xuống như cơm bữa", anh kể mà mắt rưng rưng. Lớn lên, anh làm bất cứ việc gì chân chính như cày thuê, cuốc mướn, bốc vác, phụ hồ… chỉ mong có tiền nuôi mẹ và bản thân. "Có những lúc tôi tự hỏi, tại sao mình lại sinh ra đời. Nhưng mỗi lần nghĩ đến mẹ nuôi, tôi dặn lòng phải sống tiếp, sống cho đàng hoàng", anh trải lòng.
Lòng trung thực và ánh sáng ngày đoàn tụ
Khát khao tìm lại cội nguồn vẫn âm ỉ khôn nguôi trong lòng người con lai ấy suốt bao nhiêu năm. Anh Hà mơ một lần được biết mặt cha ruột, dù chỉ qua một tấm hình. Nhưng với một người không có giấy tờ, không ai dẫn đường, không một manh mối cụ thể, việc đó chẳng khác gì mò kim đáy bể.
Năm 2021, bước ngoặt xảy đến. Anh Hà gặp một người đàn ông tên H. Ông H. giới thiệu là người chuyên làm hồ sơ cho con lai đi Mỹ, hứa sẽ giúp miễn phí. Mừng như bắt được vàng, anh đồng ý. Không ngờ, hồ sơ mà ông H. làm cho anh Hà là một vở kịch đã được tính toán kỹ.
Theo đó, người con lai Việt - Mỹ Nguyễn Văn Hà bị đổi tên thành Lê Văn Hiền (ở tại Krông Pắk, Đắk Lắk), đồng thời ghép chung với một người phụ nữ, được kê khai là "vợ", đang mang thai. Điều kiện là Hà phải nhận cái thai kia là con mình để cả ba cùng được sang Mỹ theo diện con lai. "Tôi nghe mà bủn rủn. Răng lại bắt tôi nói dối trắng trợn như rứa? Tôi thà nghèo, thà ở lại Việt Nam chứ không thể lừa đảo để đi Mỹ", anh Hà trải lòng bằng giọng Quảng Nam đặc sệt.
Hà từ chối, hủy hồ sơ, dù visa gần như đã được cấp. Lựa chọn trung thực khiến anh mất cơ hội tưởng như trong tầm tay. Nhưng chính sự trung thực đó lại mở ra cánh cửa đúng đắn hơn. Sau đó, anh tìm đến "Hội Tình lai không biên giới" (Amerasians Without Borders), một tổ chức phi lợi nhuận của các con lai Việt - Mỹ tại xứ sở cờ hoa.
Năm 2024, anh được hỗ trợ làm xét nghiệm ADN. Kết quả: anh là con ruột của ông Harvey Lee Echols, một cựu binh da màu từng tham chiến tại Việt Nam, sinh năm 1931 ở bang Alabama, đã qua đời năm 2017. "Lúc cầm kết quả ADN trong tay, tôi không tin vào mắt mình. Tôi có cha. Một người cha thật sự, không còn là giấc mơ nữa", anh Hà nói giọng xúc động.
Bằng chứng không thể chối cãi ấy khiến bộ hồ sơ con lai của Hà trở nên "nặng ký" hơn. Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM đã xem xét bộ hồ sơ này và sau đó mời anh và những người liên quan đi phỏng vấn. Cuối tháng 4.2025, anh cùng với người vợ thật sự của mình đã đến Lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM để tiến hành buổi phỏng vấn cuối cùng nhằm tiến tới định cư tại Mỹ. Bước ra khỏi buổi phỏng vấn này, ánh mắt anh Hà lấp lánh: "Tôi đã được chấp thuận sang quê cha cùng vợ tôi".
55 năm sống cuộc đời như phim, anh Hà sắp sửa đặt chân lên quê cha. Anh đến quê cha mang theo câu chuyện đời mình như một tấm gương phản chiếu giá trị của lòng trung thực, lòng biết ơn, và sự kiên định với lẽ phải.
Trong câu chuyện ấy, có bóng dáng mẹ nuôi, người từng ôm một đứa trẻ lai xa lạ vào lòng, bất chấp nó là con của "kẻ thù". Đứa trẻ ấy nay là một người đàn ông trung hậu, bước ra khỏi bóng tối của số phận, mang theo lòng biết ơn và ánh sáng của ngày đoàn tụ. (còn tiếp)