"Con chị trộm đồ của con tôi" - người mẹ nghe xong làm một việc khiến người phụ nữ phải cúi đầu hổ thẹn

Khi người phụ nữ vu oan cho con mình định bỏ đi, chị Linh đã nói 1 câu khiến chị ta phải thay đổi thái độ
Người lớn khi bị hiểu lầm có thể chọn cách giải thích và tìm bằng chứng để làm rõ. Nhưng trẻ nhỏ thì không như vậy. Khi bị oan ức, các con thường bất lực, sợ hãi và cần nhất là cha mẹ – những người tin tưởng, ủng hộ và bảo vệ con vô điều kiện.
Một câu chuyện có thật: Khi con bị hiểu lầm là "kẻ trộm"
Một người phụ nữ dẫn cô con gái 5 tuổi đi chơi ở khu chung cư. Trong lúc chị Linh (Trung Quốc) đang trò chuyện cùng các bà mẹ khác, con gái chị đang chơi cùng các bạn nhỏ gần đó.
Bỗng một người quen la lên: “Linh ơi, nhìn con bé nhà chị kìa!”. Linh nhìn theo thì thấy con mình đang bị một nhóm trẻ con vây quanh. Một người phụ nữ trung niên thì đang chỉ trỏ vào bé, lớn tiếng mắng mỏ: “Ba mẹ mày không dạy mày là không được ăn cắp đồ của người khác à? Mới tí tuổi đầu mà đã biết ăn trộm, lớn lên sẽ ra sao, bị công an bắt thì sao hả?”.
Bé gái thì cúi đầu, vẻ sợ hãi tột độ, nước mắt sắp trào ra, thân người co rúm lại. Linh hoảng hốt chạy đến ôm con, hỏi chuyện. Bé nức nở: “Cô ấy nói con ăn trộm xe trượt của cô ấy, nhưng xe đó là ba mua cho con mà…”.
Linh vừa dỗ con vừa tức giận quay sang người phụ nữ kia: “Chị dựa vào đâu mà nói xe đó là của nhà chị?”. Người phụ nữ đáp: “Xe của con tôi hôm qua bị mất. Xe con chị giống y hệt. Hôm trước tôi chưa từng thấy con chị chơi xe này, chắc chắn là ăn cắp rồi”.
Chị Linh điên tiết – xe trượt đó mới được chồng chị mua tặng, hôm qua mới nhận hàng, hôm nay bé hào hứng mang ra chơi thì bị vu là ăn trộm.
Không để yên, Linh lập tức gọi cho ban quản lý tòa nhà để kiểm tra camera an ninh. Cuối cùng, hình ảnh từ camera cho thấy: chiếc xe trượt của con người phụ nữ kia vẫn còn, chỉ là bé nhà bà ấy hôm qua chơi xong để quên dưới tòa nhà khác. Lát sau, chính bé ấy đã tìm lại được xe của mình.
Không một lời xin lỗi thì không thể cho qua
Chuyện đã sáng tỏ, người phụ nữ kia chỉ thở phào nói: “Tìm được là tốt rồi”, rồi định rời đi. Linh tức giận nói: “Chị phải xin lỗi con tôi trước mặt mọi người. Chị đã vu oan cho bé. Và chị cũng cần nói cho các cháu nhỏ ở đây hiểu: Khi xảy ra chuyện gì, chúng ta cần làm rõ trước khi kết luận. Và khi mình sai, phải dũng cảm xin lỗi, không được trốn tránh”.
Người phụ nữ ấy lúc này mới nhận ra lỗi lầm, liền nói với bé: “Cô xin lỗi con, là cô hiểu nhầm con. Con tha lỗi cho cô được không?”.
Bé gái dõng dạc đáp: “Không sao đâu cô, con tha lỗi cho cô rồi ạ”.
Sau đó, các bé lại vui vẻ chơi cùng nhau như chưa có chuyện gì xảy ra.
Khi trẻ bị oan, thái độ của cha mẹ vô cùng quan trọng
Cách làm của chị Linh thật đáng khen: ôm con an ủi, bình tĩnh tìm hiểu sự việc, và kiên quyết bảo vệ sự trong sạch của con bằng cách yêu cầu kiểm tra camera. Khi người lớn né tránh trách nhiệm, chị Linh không ngại lên tiếng yêu cầu lời xin lỗi chính đáng cho con.
Trẻ 5 tuổi chưa đủ khả năng tự mình đối diện và giải quyết những tình huống phức tạp, càng không thể tự bảo vệ mình khi bị đổ oan. Cha mẹ là người gần gũi và đáng tin nhất – nếu không đứng về phía con thì ai sẽ làm điều đó? Nếu cha mẹ cũng nghi ngờ và mắng mỏ con, đó có thể sẽ trở thành một vết thương tâm lý sâu sắc theo con suốt đời.
Ký ức không thể quên: Khi tôi từng bị nghi oan
Một cư dân mạng chia sẻ: Chị cũng từng trải qua một chuyện tương tự khi còn nhỏ, đến nay đã 30 năm nhưng chị không thể quên được.
“Hồi tiểu học, một lần bạn cùng bàn bị mất tiền. Vì lúc đó chỉ có mình tôi ở lại lớp (do bị đau chân, không tham gia tiết thể dục), bạn ấy lập tức nghi tôi là người lấy tiền. Thầy giáo gọi mẹ tôi đến trường để làm rõ.
Tôi nhớ mãi cảm giác run rẩy, ấm ức khi mẹ xuất hiện – không mắng mỏ, không nghi ngờ – mà ôm tôi vào lòng và nói: “Mẹ tin con. Mẹ nhất định sẽ tìm ra sự thật để trả lại trong sạch cho con”, chị kể
Sau đó, thầy giáo đề nghị: Ai lỡ cầm nhầm tiền thì hãy âm thầm để lại vào chỗ cũ, không ai truy cứu. Cuối cùng, một bạn tên là Đại Minh đã thừa nhận đã lấy tiền.
Chính sự tin tưởng và che chở của mẹ khi ấy đã trở thành chỗ dựa tinh thần cho cư dân mang này cả tuổi thơ. Nếu ngày ấy mẹ không tin chị, còn trách mắng, chị tự hỏi, liệu bản thân có thể trở thành một người tự tin, mạnh mẽ như bây giờ?
Vậy nếu con thực sự phạm lỗi thì sao?
Chúng ta đã nói đến việc phải tin con khi con bị oan. Nhưng thực tế, trẻ cũng có thể phạm sai lầm. Nếu con thực sự lấy đồ của người khác, cha mẹ nên làm gì?
Đầu tiên, phải dạy con hiểu rõ: “Trộm cắp là sai”. Cần trả lại đồ ngay lập tức và xin lỗi người bị hại. Nhưng đừng vì một lỗi sai mà xúc phạm nhân cách của trẻ, mắng mỏ con là “xấu xa”, “vô giáo dục”. Hãy giúp con nhận lỗi và sửa sai – đó mới là cách giáo dục đúng đắn.
Hiểu nguyên nhân – dạy con cách hành xử đúng đắn
Mỗi hành vi sai của con đều có nguyên nhân. Hãy cùng con tìm hiểu:
Nếu con thích món đồ đó quá mức? → Hãy dạy con: “Lần sau con thích món gì, nói với ba mẹ. Ba mẹ sẽ xem xét, nhưng tuyệt đối không được tự ý lấy đồ của người khác”.
Nếu bị bạn bè thách thức: ‘Ai dám lấy mới là gan dạ’? → Hãy dạy con: “Lấy trộm đồ không chứng tỏ mình mạnh mẽ. Nếu gặp chuyện như vậy, con phải biết nói ‘không”.
Nếu con đã từng nói với cha mẹ về món đồ đó, nhưng cha mẹ không lắng nghe? → Đây là lúc cha mẹ cần tự xem lại: phải chăng mình đã bỏ qua nhiều nhu cầu và cảm xúc của con?
Yêu thương và tin tưởng là gốc rễ của giáo dục
Tất cả các nguyên tắc nuôi dạy con đều phải bắt đầu từ tình yêu thương vô điều kiện và sự tin tưởng tuyệt đối giữa cha mẹ và con cái. Khi con tin cha mẹ luôn ở bên mình, con mới dám chia sẻ, sửa sai và trưởng thành đúng hướng.
Vậy nếu một ngày con bạn bị nghi oan vì ăn trộm, bạn sẽ làm gì? Chúng tôi rất mong lắng nghe những chia sẻ từ bạn.