Nhảy đến nội dung
 

Con bạc cướp ngân hàng để 'được' đi tù

Tôi đã xem video lời khai của nghi phạm cướp ngân hàng ở Chương Mỹ, Hà Nội.

Sau khi cướp ngân hàng, xách balo tiền đi ngoài đường, thấy một người quay video, nghi phạm nói: "Trước sau gì cũng đầu thú, không phải quay đâu". Nghi phạm còn cho biết thêm "một người nói mày không chạy được đâu", nghi phạm: "Tôi không chạy".

Ngày 21/4, Vũ Văn Lịch, 40 tuổi, tay cầm dao, dọa đốt xăng trong phòng giao dịch của một ngân hàng ở huyện Chương Mỹ để cướp 214 triệu đồng. Chưa đầy hai ngày sau, bị bắt khi đang lẩn trốn ở một lán trại ngoài bãi sông Hồng.

Lịch khai rằng mình nợ nần do đánh bạc tài xỉu trên mạng, túng quẫn và tuyệt vọng nên mới nảy sinh ý định cướp ngân hàng.

Đây không phải lần đầu một người nợ nần cờ bạc, đánh đổi cả tương lai bằng một phi vụ phạm pháp.

Nhưng vụ việc của Vũ Văn Lịch có gì đó đặc biệt đáng suy ngẫm: Nó cho thấy rõ một dạng "tâm lý đầu hàng, làm liều" đang âm thầm diễn ra trong xã hội, khi một người chấp nhận cướp, biết chắc sẽ bị bắt, mà vẫn làm. Như thể đi tù còn dễ thở hơn bị chủ nợ đe dọa ngoài đời.

Lịch từng là một người lao động bình thường. Trước khi cầm dao bước vào ngân hàng, anh ta từng là một con nợ, và trước đó nữa, là một người mê cờ bạc, có lẽ vì sự tò mò, vì ham gỡ gạc, hoặc vì muốn đổi đời nhanh chóng mà không phải đổ mồ hôi. Vấn đề nằm ở chính chỗ đó.

Cờ bạc, nhất là cờ bạc online đang trở thành một "dịch bệnh ngầm" trong xã hội hiện đại.

Nó không cần sòng, không cần người rủ rê trực tiếp, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, vài cú chạm màn hình là đủ cuốn người ta vào vòng xoáy đỏ đen. Khi thua, thay vì dừng lại, nhiều người lại vay mượn, lún sâu, nợ nần. Và khi bị dồn đến chân tường, họ sẽ không còn suy nghĩ tỉnh táo nữa.

Có lẽ lúc cầm dao đi cướp, Lịch cũng không nghĩ mình sẽ trốn thoát. Nhưng sự tuyệt vọng đã khiến anh ta nghĩ: Dù sao cũng hơn là bị chủ nợ truy lùng.

Điều quan trọng là phải nhìn ra nguyên nhân sâu xa để không còn những Vũ Văn Lịch khác trong tương lai.

Thứ nhất, chúng ta cần thẳng thắn thừa nhận rằng nạn cờ bạc online đang diễn biến phức tạp và khó kiểm soát. Nhiều người không xem đây là vấn đề nghiêm trọng cho đến khi người thân hoặc chính mình rơi vào cảnh nợ nần, gia đình tan nát.

Tình trạng quảng cáo cờ bạc trá hình, lôi kéo người chơi qua các app, hội nhóm, livestream... vẫn tồn tại dù luật pháp đã có chế tài.

Thứ hai, ở góc độ con người, chúng ta cần tạo điều kiện để những người lâm cảnh nợ nần có thể tiếp cận tư vấn, hỗ trợ, hoặc chí ít là được lắng nghe. Không ít người chọn im lặng, tự giấu gia đình, bạn bè, rồi càng lúc càng trượt dốc.

Thứ ba, tôi tin rằng, Lịch có thể đã tránh được sai lầm nếu họ biết còn có một lối thoát. Lối thoát đó không phải là giấc mơ đổi đời qua tài xỉu, mà là sự đồng hành từ người thân, sự kết nối với cộng đồng, và cả những chính sách xã hội không bỏ rơi họ.

Về lý thuyết là như vậy, nhưng trớ trêu thay, trót nghiện cờ bạc thì không ai có thể cứu được, ngoài bản thân mình. Trong 214 triệu đồng cướp được, anh ta chỉ kịp mua điện thoại, tiêu xài cá nhân và trớ trêu thay, tiếp tục dùng 20 triệu để chơi tài xỉu.

Một vòng luẩn quẩn của thói nghiện cờ bạc.

Phạm Linh