Có tín dụng xanh, vì sao không giải ngân được?

TPO - Bà Phùng Thị Bình - Phó Tổng Giám đốc Agribank - cho biết: “Các gói tín dụng xanh chúng tôi đều có, nhưng không giải ngân được. Chúng tôi rất chia sẻ với nhiều doanh nghiệp vì không thể tiếp cận được vốn tín dụng xanh. Đây không chỉ là câu chuyện của một hoặc vài doanh nghiệp mà là tình trạng phổ biến”.
Ngân hàng và khách hàng đều than khó
Tại Hội thảo “Khơi thông dòng vốn tín dụng xanh” do báo Lao động tổ chức chiều 25/4, bà Phùng Thị Bình - Phó Tổng Giám đốc Agribank - cho biết, từ năm 2017, Agribank phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Đài Truyền hình Việt Nam triển khai gói 50.000 tỷ đồng cho tín dụng xanh. Hiện, ngân hàng vẫn triển khai hai gói tín dụng xanh, một gói cho khách hàng cá nhân và một gói cho doanh nghiệp.
![]() |
Bà Phùng Thị Bình - Phó Tổng Giám đốc Agribank. |
Theo bà Bình, số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đến nay tín dụng xanh đạt gần 29.000 tỷ đồng, thống kê theo tiêu chí các khoản vay xanh. Thực tế con số phải cao hơn, bởi nhiều doanh nghiệp đáp ứng được điều kiện xuất khẩu, nhưng số doanh nghiệp khác vẫn rất khó đáp ứng.
“Các gói tín dụng xanh chúng tôi đều có, nhưng không giải ngân được. Chúng tôi rất chia sẻ với nhiều doanh nghiệp vì không thể tiếp cận được vốn tín dụng xanh. Đây không chỉ là câu chuyện của một hoặc vài doanh nghiệp mà là tình trạng phổ biến”, bà Bình nói.
Ông Lê Quang Thắng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu Tư và xây dựng Việt Long - cho biết: “Một doanh nghiệp muốn phát triển bền vững thì phải chọn ra phương án sản xuất tuần hoàn hoặc theo dạng chuỗi giá trị sản phẩm, đó chính là kinh tế xanh. Công ty tôi rất nỗ lực để xây dựng và phát triển thành công 1 doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ hướng đến môi trường xanh trong cả 2 lĩnh vực chính là xử lý chất thải và sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn”.
![]() |
Ông Lê Quang Thắng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu Tư và xây dựng Việt Long. |
Theo ông Thắng, trong quá trình xây dựng và hình thành, công ty đã gặp không ít khó khăn khi tiếp cận các nguồn lực, đặc biệt là tiếp cận nguồn tín dụng.
“Tín dụng xanh được coi là hướng đi tất yếu để thúc đẩy tăng trưởng bền vững nhưng theo nhận thức của tôi cho đến thời điểm hiện tại tín dụng xanh tại Việt Nam vẫn còn rất thấp so với kỳ vọng (dư nợ tín dụng xanh chỉ chiếm 4,5% tổng dư nợ của nền kinh tế). Đối với một doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn xanh gần như là một việc quá xa vời”, ông Thắng cho hay.
Ông Thắng cho biết thêm, ngân hàng có thể không đưa được doanh nghiệp vào danh mục “Xanh” vì chưa có tiêu chí xanh cho từng ngành từng lĩnh vực nên khi làm việc với ngân hàng chúng tôi không thể tiếp cận được vốn ưu đãi. Cụ thể, việc xây dựng nhà máy xử lý chất thải và sản xuất nông nghiệp tuần hoàn của công ty đến nay đã hơn 10 năm tiếp cận nhiều ngân hàng mất rất nhiều công làm hồ sơ nhưng doanh nghiệp vẫn không thể tiếp cận được vốn “tín dụng xanh”.
Ông Thắng cho rằng, liên quan đến tài sản đảm bảo còn hạn chế khiến doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn tín dụng chứ chưa nói gì đến việc tín dụng xanh mặc dù các dự án xanh đòi hỏi đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài.
“Trong sản xuất nông nghiệp chúng tôi không có tài sản thế chấp truyền thống, không thể dùng tài sản hình thành của dự án để thế chấp khoản vay mà thường phải dùng tài sản khác ngoài dự án để đảm bảo cho khoản vay”, ông Thắng cho hay và nói thêm hiệu quả tài chính của kinh tế xanh chưa hấp dẫn nên ngân hàng cũng không mặn mà đối với các dự án xanh.
Hoàn thiện khung pháp lý cho tín dụng xanh
TS. Lại Văn Mạnh - Viện Chiến lược chính sách nông nghiệp và môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường - cho biết: “Chúng tôi đã làm việc với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước để gửi danh mục phân loại xanh đến Chính phủ. Đây là bước đi quan trọng nhằm hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường tài chính xanh”.
Ông Mạnh nhấn mạnh, lần đầu tiên, Luật Bảo vệ môi trường đã có bước tiến đột phá khi đưa vào hai điều khoản riêng biệt về tín dụng xanh và trái phiếu xanh - tạo nền tảng pháp lý cho việc huy động và phân bổ dòng vốn vì mục tiêu phát triển bền vững.
Bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước - cho rằng, để mở rộng, khơi thông và sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng xanh của hệ thống ngân hàng đòi hỏi sự phối, kết hợp từ các bộ, ngành, cơ quan chức năng trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế hỗ trợ, tạo động lực huy động mọi nguồn lực từ các khu vực kinh tế.
Bên cạnh đó, cần xây dựng và thực hiện các giải pháp hỗ trợ các tổ chức tín dụng tiếp cận, huy động các nguồn tài chính từ các định chế, tài chính, các quỹ và các nhà đầu tư tư nhân quốc tế, các quỹ tài chính để có điều kiện cung cấp các khoản tín dụng với thời hạn dài và lãi suất ưu đãi cho các ngành, lĩnh vực xanh. Đặc biệt, danh mục phân loại xanh quốc gia sớm được ban hành.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, từ chỗ chỉ có 15 tổ chức tín dụng tham gia năm 2017, đến nay đã có 50 đơn vị phát sinh dư nợ, tốc độ tăng trưởng bình quân dư nợ tín dụng xanh giai đoạn 2017-2024 đạt trên 22%/năm, năm sau cao hơn năm trước, cao hơn tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng chung cho nền kinh tế. Tuy nhiên, tỷ lệ tín dụng xanh trên tổng dư nợ tín dụng mới chiếm khoảng 4,6%, cho thấy tín dụng xanh tại Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để phát triển.