Nhảy đến nội dung

Cổ tích ở Trường Sa: Không gục ngã

Như Thanh Niên đã tường thuật trong kỳ đầu của loạt bài Cổ tích ở Trường Sa (đăng số ra ngày 7.5), 7 cán bộ, chiến sĩ đảo Phan Vinh đã kiên cường chống chọi, giành giữ sự sống suốt 8 ngày đêm trôi dạt trên biển cuối năm 1978.

Từ TP.HCM, tôi bay ra Thanh Hóa và lần mò hỏi thăm các cựu chiến binh từng công tác ở Vùng 4 Hải quân những năm 1977 - 1978, về những đồng đội ở đảo Phan Vinh. Sau thời gian dò hỏi mới có thông tin: "Cậu Lê Văn Mồi là tiểu đội trưởng ở Phan Vinh, là một trong 7 người trôi dạt trên biển, đang ở TP.Sầm Sơn".

Tôi đến số nhà 74 Nguyễn Bỉnh Khiêm (P.Trung Sơn, TP.Sầm Sơn, Thanh Hóa) hỏi người đàn ông cao gầy đang tưới rau ngoài vườn, thấy gật đầu: "Tôi là Lê Văn Mồi, đóng quân ở Trường Sa từ năm 1976 đến 1981. Sao các chú biết?".

Ký ức của tiểu đội trưởng dân biển

Sinh tháng 5.1958 ở Trung Sơn (Sầm Sơn, Thanh Hóa), chàng trai Lê Văn Mồi học hết lớp 7 thì nghỉ, xin đi bộ đội. Do có anh trai đang chiến đấu trong miền Nam nên đơn không được duyệt. Giữa năm 1975, cán bộ xã thuyết phục Lê Văn Mồi: "Hết chiến tranh, phải xây dựng đất nước" và cử đi học trung cấp Thủy sản Thanh Hóa. Đang năm cuối, anh Mồi thấy Trung đoàn đặc công hải quân 126 về tuyển quân, nên bỏ học, nhập ngũ cuối tháng 10.1976 vào Vùng 4 Hải quân.

Do hồ sơ ghi "đang học ngành khai thác, đánh bắt hải sản", lại là dân biển, nên sau khi trải qua huấn luyện tân binh, chiến sĩ Lê Văn Mồi được cử đi học lớp tiểu đội trưởng và cuối 1977 về lại Tiểu đoàn 3 pháo phòng không của Trung đoàn 126. Đầu tháng 6.1978, chiến sĩ Mồi được cử theo tàu tiếp tế đảo Song Tử Tây và Sơn Ca, khuân vác hàng hóa. Sau chuyến này, chỉ huy đơn vị thấy anh không say sóng, thành thạo thao tác hạ xuồng, buộc dây… nên ghi tên đầu danh sách phân đội pháo 37 mm, tăng cường cho đảo Phan Vinh (đóng giữ từ ngày 30.3.1978).

Giữa tháng 7.1978, hạ sĩ Lê Văn Mồi theo đội hình tăng cường, đi cùng 2 khẩu pháo phòng không 37 mm, xuống tàu HQ-604 ra Trường Sa. Sau nửa tháng ghé thả hàng ở các đảo Trường Sa, An Bang…, sáng 25.7.1978, anh đặt chân lên Phan Vinh. "Loay hoay mấy ngày liền, mới đưa được pháo lên đảo và xây dựng trận địa, sẵn sàng chiến đấu ngay. Hai tháng sau, phân đội pháo mới đủ quân số 14 người cho 2 khẩu đội. Không có trung đội trưởng, tôi phải chỉ huy", ông Mồi kể.

Chia nhau miếng thịt sống

"Sáng 29.10.1978, tôi xung phong vào tổ cấp cứu vì mình là dân biển, rành rẽ sông nước, và còn do cậu Nguyễn Văn Hợi (người xuống vớt giường trôi) là chiến sĩ phân đội pháo 37 mm, do tôi chỉ huy", ông Lê Văn Mồi nói vậy và đưa ra cuốn nhật ký, ghi lại chi tiết diễn biến mấy ngày đêm trôi dạt trên biển.

Ngày thứ hai (30.10.1978), bộ đội cố gắng bịt lỗ thủng và dùng tay tát nước ra khỏi xuồng. Thiếu úy - đảo trưởng Vũ Văn Hà phân công quan sát các hướng và chăm sóc người bị thương nặng. Ai cũng kiệt sức vì đói, khát và mất sức. Thấy trong xuồng có thanh sắt dài 2 gang tay, anh em lấy làm dụng cụ chặt cuộn dây mang theo thành từng đoạn dài và gỡ sợi ni lông buộc thành tấm phủ, đắp lên người cho đỡ rát.

Gần tối, 1 con chim vịt đậu xuống xuồng và bị hạ sĩ Lê Văn Mồi tóm được. Đảo trưởng Hà lệnh để dành, không được ăn ngay. Đêm xuống càng lạnh, mọi người ôm lấy nhau, dùng tấm phủ bằng dây thừng chống lạnh và chia ca gác 30 phút/ca. Vừa gác vừa tát nước biển ngấm qua 2 lỗ thủng tràn vào xuồng.

Ngày thứ ba (31.10.1978), mọi người chia nhau ăn sống con chim vịt. Tim gan dành cho người yếu sức. Buổi sáng có mưa nên có nước ngọt uống.

Ngày thứ tư (1.11.1978): Lê Văn Mồi vớt được một chai thủy tinh, trong có ít nước màu đỏ. Chia nhau mỗi người uống một ít. Hết lại tráng nước biển vào uống tiếp. Nó ngọt và thơm mùi cà chua. Qua ngày thứ tư, sức khỏe ai cũng yếu dần…

Uống nước tiểu cầm cự

Năm nay 70 tuổi, nhưng cựu chiến binh Ngọ Văn Vượng (hiện ở thị trấn Thiệu Hóa, H.Thiệu Hóa, Thanh Hóa) vẫn rất khỏe mạnh, minh mẫn. Kể lại những ngày trôi dạt trên biển Trường Sa cách đây gần 50 năm, ông cười: "Tôi nhập ngũ muộn 2 năm, lại đã qua chiến đấu, lúc ấy 23 tuổi, được coi là "lính cựu" do cả tuổi đời, tuổi quân đều nhiều hơn các chiến sĩ khác, nên thấy anh em bị nạn, phải đi cứu thôi".

Ông Vượng nhập ngũ đầu năm 1975, vào Trung đoàn bộ binh 46 (Quân khu 3) và tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Sau 30.4.1975, Trung đoàn 46 chuyển sang Hải quân phòng thủ Trường Sa, ông Vượng đi học khẩu đội trưởng pháo 37 mm.

Đầu năm 1977, trung sĩ Ngọ Văn Vượng ra đảo Sinh Tồn làm khẩu đội trưởng pháo phòng không 37 mm. Tháng 9.1978, do phân đội pháo 37 mm của đảo Phan Vinh chưa có chỉ huy, nên ông được đưa sang làm tiểu đội trưởng pháo phòng không. Mới ở Phan Vinh được hơn 1 tháng, thì xảy ra sự việc trôi dạt trên biển.

"Ba ngày đầu còn có nước mưa, từ ngày thứ tư, chúng tôi phải uống nước tiểu", ông Vượng nhớ lại và kể rành rẽ: "Tối ngày thứ năm (2.11.1978), chúng tôi bắt được 1 con chim hải âu màu đen sà xuống xuồng, đảo trưởng giao cho chiến sĩ Nguyễn Bá Khôi giữ, dành hôm sau ăn. Đêm ấy, nước biển vào xuồng rất nhiều".

Sáng ngày thứ sáu (3.11.1978), cả nhóm ăn thịt con chim chết. Tanh quá, phải uống nước biển cho đỡ nôn ói. Nước uống, vẫn là nước tiểu của nhau. Những ngày này biển lặng, không gió nên nắng bỏng rát. Để tránh nóng, mọi người nảy ra sáng kiến ngâm mình dưới biển, tay bám thành xuồng. Tuy nhiên, 2 chiến sĩ Hợi và Củng do mất sức, không leo lên được, nên mọi người phải xúm lại kéo đẩy lên xuồng.

"Buổi chiều, 1 con cá mập to bơi quanh xuồng. Bộ đội không ngâm dưới biển mà cho nước vào xuồng để những người yếu ngâm đỡ nóng. Các ca gác vẫn duy trì 30 phút/ca", ông Vượng kể và nhớ lại: Đêm thứ sáu biển lặng và có trăng. Mọi người ngồi tựa vai nhau nói chuyện về gia đình, người thân ngoài quê miền Bắc.

Nếu bị bắt, quyết không khai

"Ngay từ đêm đầu tiên trôi dạt trên biển, thiếu úy - đảo trưởng Vũ Văn Hà đã quán triệt với chúng tôi về tình huống bị nước ngoài bắt giữ và thống nhất: Khi thấy tàu thuyền, sẽ vẫy tay xin cứu. Nếu trôi vào đảo, lên tàu thuyền, bị khai thác sẽ nói anh Hà là thượng sĩ - tiểu đội trưởng, còn lại đều là binh nhất chiến sĩ. Nếu họ hỏi trên đảo có gì thì nói: Chúng tôi là lính mới bổ sung. Ra đảo buổi tối, sáng hôm sau bị trôi giường, cùng nhau cứu và lạc luôn, nên chưa biết gì trên đảo"…

Buổi trưa ngày thứ ba (31.10.1978), chiến sĩ Lê Văn Mồi phát hiện tàu đánh cá nước ngoài tiến gần. Mọi người giơ tay cầu cứu nhưng chiếc tàu này né, chạy ra xa hơn. Buổi chiều, cả nhóm phát hiện 1 máy bay C130 bay từ hướng đông nam sang tây bắc, mọi người nhảy lên vẫy, nhưng máy bay hướng về tây bắc, lượn ở hướng đảo Trường Sa và khuất dần.

Thiếu úy Vũ Văn Hà động viên: "Đây là máy bay C130 chiến lợi phẩm, ta thu được sau ngày giải phóng, do không quân sử dụng và đang đi tìm kiếm chúng ta. Mọi người cố gắng sống sót để tìm về"… 

(còn tiếp)