Nhảy đến nội dung

Cơ quan tư pháp phải gần dân, bảo vệ dân

Ngày 8.5, Quốc hội đã nghe tờ trình, sau đó thảo luận tại tổ về dự án luật Tổ chức TAND (sửa đổi) và luật Tổ chức Viện KSND (sửa đổi).

Tòa án và viện kiểm sát chỉ còn 3 cấp

Theo dự thảo, mô hình tổ chức của ngành tòa án sẽ không tổ chức cấp trung gian (kết thúc hoạt động của 3 TAND cấp cao), không tổ chức TAND cấp huyện và thay thế bằng mô hình TAND khu vực. Hệ thống tòa án theo đề xuất sẽ gồm 3 cấp: TAND tối cao, cấp tỉnh, cấp khu vực. Tương tự, mô hình tổ chức ngành kiểm sát cũng kết thúc hoạt động của viện KSND cấp cao và viện KSND cấp huyện. Hệ thống viện KSND sẽ còn 3 cấp: Viện KSND tối cao, viện KSND cấp tỉnh và viện KSND khu vực.

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (đoàn Hà Nội) nhất trí với tổ chức tòa án theo 3 cấp, song bày tỏ băn khoăn khi các vụ án giám đốc thẩm, tái thẩm thuộc thẩm quyền của TAND cấp cao hiện nay sẽ dồn lên TAND tối cao. Dự thảo quy định số lượng thẩm phán của TAND tối cao là 23 - 27 người, dù đã tăng so với hiện hành nhưng "chưa thấm vào đâu", bởi khối lượng công việc rất lớn.

Bà Thủy đề nghị cần có giải pháp căn cơ hơn, phân quyền nhiều hơn cho TAND cấp tỉnh trong xét xử phúc thẩm và giải quyết theo thủ tục tái thẩm. Khi không tổ chức TAND cấp cao nữa, các thẩm phán có thể tăng cường về cấp tỉnh, giảm bớt thủ tục, khó khăn, thay vì tất cả dồn lên T.Ư để xét xử. "Hồ sơ, tài liệu, người cũng phải đi theo lên T.Ư để phục vụ tố tụng, tăng thêm khó khăn cho người tham gia", bà Thủy nói và cho rằng TAND tối cao nên tập trung vào công tác hướng dẫn, xét xử như các nước.

Nữ đại biểu của Hà Nội cũng đặt vấn đề, việc TAND tối cao đề xuất lập 3 tòa án phúc thẩm tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng có khác gì 3 TAND cấp cao hiện nay không? Bà cho rằng như vậy sẽ không đáp ứng được yêu cầu tinh gọn bộ máy; chưa kể nếu bộ máy của TAND tối cao tăng cường thì tự động bộ máy của Viện KSND tối cao cũng phải tăng cường, chưa đáp ứng được yêu cầu phân cấp, phân quyền về địa phương.

Cho ý kiến, Chủ tịch nước Lương Cường đề cập tới mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; phải thượng tôn Hiến pháp và pháp luật. Do đó, 2 dự án luật phải xây dựng trên nguyên tắc tuân thủ theo Hiến pháp, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, đồng thời bảo đảm thống nhất, đồng bộ hệ thống pháp luật và các cơ quan tư pháp.

Chủ tịch nước đặc biệt lưu ý về các vấn đề liên quan đến số lượng, chất lượng cán bộ, thẩm phán tòa án, cán bộ, kiểm sát viên viện kiểm sát; nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ giữa cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án, nhất là khi bỏ cấp huyện, thì càng phải nghiên cứu kỹ. "Mục tiêu của bộ máy, kể cả các cơ quan tư pháp, là phải gần dân, sát dân, bảo vệ dân; khắc phục được những vướng mắc, tồn tại trên thực tiễn và sẵn sàng đáp ứng yêu cầu phát triển", Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Phân định rõ trách nhiệm khi bỏ thanh tra chuyên ngành

Cũng trong ngày 8.5, Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trình Quốc hội sửa luật Thanh tra kết thúc hoạt động 12 thanh tra bộ, 5 thanh tra tổng cục, cục, Thanh tra BHXH VN, 696 thanh tra huyện, 1.001 thanh tra sở và 53 cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Dự thảo luật cũng bỏ quy định về thanh tra chuyên ngành, quy định thống nhất một hoạt động thanh tra, không phân biệt thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành như luật hiện hành.

Thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật - Tư pháp Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, có ý kiến băn khoăn về sự phù hợp, tính khả thi của việc áp dụng chung một trình tự, thủ tục với hoạt động thanh tra mà về bản chất gồm 2 loại: thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành, đang được luật hiện hành quy định thực hiện theo trình tự, thủ tục khác nhau.

Cạnh đó, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra với các hoạt động kiểm tra chuyên ngành. "Sau khi thực hiện việc sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra, với việc tăng cường hoạt động kiểm tra chuyên ngành của các bộ, ngành, địa phương thì có thể dẫn đến phát sinh tình trạng chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm tra chuyên ngành, ngoài ra cũng có thể có chồng chéo với hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử", ông Tùng nêu rõ.

Thảo luận tại tổ chiều cùng ngày, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật - Tư pháp Ngô Trung Thành cũng nhấn mạnh, hệ thống thanh tra sau khi thực hiện sắp xếp "hết sức tối giản". "Đây là cuộc cách mạng rất lớn về hệ thống cơ quan thanh tra, hòa chung cuộc cách mạng của hệ thống", ông Thành nhìn nhận và cho rằng, vấn đề sau khi "cách mạng trong tổ chức" là phải làm thế nào để bảo đảm hoạt động thanh tra hiệu lực, hiệu quả.

Ông Thành phân tích, khi toàn bộ hoạt động của thanh tra bộ, ngành không tổ chức nữa, thì vai trò trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ và các cơ quan thanh tra còn lại rất lớn. Làm thế nào để bao quát hết các hoạt động mà trước đây phải thanh tra để bảo đảm hoạt động quản lý nhà nước hiệu quả? "Chúng ta chuyển một phần hoạt động thanh tra chuyên ngành sang cơ quan thanh tra, nhưng phần cơ bản còn lại thì chuyển thành kiểm tra chuyên ngành. Cho nên, điều quan trọng nhất là phân định trách nhiệm, phạm vi thanh tra với kiểm tra chuyên ngành thế nào?", ông Thành nêu, và lưu ý nếu không phân định được thì sau này rất khó làm rõ trách nhiệm, quản lý nhà nước cũng gặp khó khăn.

"Nếu xảy ra vi phạm ở trong cơ quan, bộ ngành đó thì trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ đến đâu, trách nhiệm của bộ ngành đến đâu?", ông Thành nói thêm.

Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM Phạm Khánh Phong Lan nói, với thay đổi của hệ thống thanh tra sắp tới là bỏ thanh tra bộ, sở, huyện, chỉ còn Thanh tra Chính phủ và thanh tra tỉnh. Vậy Thanh tra Chính phủ nhận thêm nhiệm vụ thanh tra của các bộ ngành, rồi thanh tra tỉnh cũng nhận nhiệm của 16 sở ngành với rất nhiều đặc thù.

Từ kinh nghiệm 10 năm làm việc ở sở y tế, bà Lan nói, thanh tra sở y tế thì chỉ ở sở thôi, còn công việc ở các quận, huyện, các phòng mạch, nhà thuốc… tức là những chuyện xảy ra ở đó thì quận, huyện mới nắm rõ. "Chưa kể, thanh tra của ta có câu chuyện ngồi lâu lâu chờ có việc gì tố cáo, khiếu nại thì mới xuống. Sự việc ở địa phương thì không thể nào kịp thời được", bà Lan phản ánh, nhấn mạnh "trăm dâu đổ đầu tằm", tất cả đều đổ về quận huyện, phường xã, vì thế việc có lực lượng tại chỗ là cực kỳ quan trọng.