Nhảy đến nội dung
 

'Có những mâm cơm liên hoan giá vài tạ thóc'

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn TP.Hà Nội) nói về lãng phí trong liên hoan, chiêu đãi với những mâm cơm giá 'vài tạ thóc' nhưng chỉ ăn 50 - 60%, thậm chí chỉ 30%.

Sáng 23.5, Quốc hội thảo luận tại tổ về kết quả kinh tế - xã hội năm 2024, các tháng đầu năm 2025; báo cáo công tác thực hành tiết kiêm, chống lãng phí.

Vẫn còn trên 1 tỉ người "đứt bữa"

Góp ý vào báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn TP.Hà Nội) nói vấn đề lãng phí rất lớn khi nhiều khu đô thị bị bỏ hoang, dự án đất đai chưa được giải quyết, "đang phải nằm chờ".

Tuy nhiên, theo đại biểu Hà Nội, một lãng phí khác ít được đề cập và tưởng nhỏ nhưng lại là vấn đề lớn, đang hết sức phổ biến là lãng phí trong ăn uống, liên hoan.

"Vẫn còn những mâm cơm giá trị hàng vài tạ thóc nhưng ăn chỉ 50 - 60%, thậm chí có những mâm cơm chỉ ăn được 30%. Thực sự rất lãng phí. Rồi lãng phí về rượu, đặc sản được sử dụng trong mâm cơm đó", ông Trí nói, cho biết ông "ao ước" có một phát động rộng rãi, mạnh mẽ để thực hành tiết kiệm trong liên hoan, tiệc chiêu đãi.

Theo ông Trí, cần phải tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân biết rằng, trước đại dịch Covid-19, thế giới chỉ có 800 triệu người đứt bữa. Sau đại dịch, hiện nay vẫn còn trên 1 tỉ người đứt bữa vì hậu quả của Covid-19, chiến tranh.

"Thế nhưng không ai nóng lòng cả. Tôi nghĩ rằng tiết kiệm phải trở thành lẽ sống, đạo đức cơ bản của con người, lúc ấy mới thực hiện thường xuyên được", đại biểu Hà Nội nói.

Ông Trí cũng cho rằng, hiện nay chống lãng phí thường tập trung nhiều vào tìm sai sót để xử lý, kỷ luật. Việc đó cũng đúng, song theo ông, phải đi xa hơn, chống lãng phí từ trước, từ dự định, kế hoạch trong đầu tư, sử dụng, giải quyết các vấn đề xã hội.

Ông dẫn chứng 2 dự án bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2 tại Hà Nam, khi nghiên cứu triển khai người ta nói xây 2 cơ sở này để người bệnh từ Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa không phải ra Hà Nội chữa bệnh.

"Lúc đó tôi nghĩ hơi duy ý chí. Người trong Quảng Bình đi ra ngoài này khám bệnh thì trong đầu người ta là ra HN, không ai vào Hà Nam", ông Trí nói và cuối cùng 2 dự án này tới nay vẫn bê trễ.

Vẫn theo ông Trí, Hà Nam hiện đang có kế hoạch xây trung tâm đại học với số vốn bỏ ra là 2.900 tỉ đồng, dự kiến sau khi xây dựng xong sẽ có 25 trường đại học về đây.

"Tôi không phản đối mà hơi lo. Tôi cho rằng, phải suy nghĩ kỹ hơn, phải tự thân trường đại học tìm kiếm xây dựng phân hiệu, chi nhánh. Chứ Hà Nam bỏ ra 2.900 tỉ xây dựng mời họ xuống thì chưa chắc đã được", ông Trí phân tích, cho rằng trước mỗi kế hoạch phải suy nghĩ kỹ hơn, chín chắn hơn để tránh lãng phí sau này.

Tránh lãng phí trụ sở công sau sáp nhập

Đại biểu Lưu Văn Đức (đoàn Đắk Lắk) thì đề cập việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong mua sắm, quản lý tài sản công. Theo ông, hiện đang tinh gọn bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính nên sẽ rất nhiều trụ sở cơ quan dôi dư sau sắp xếp.

Do đó, cần phải đánh giá cụ thể khó khăn, vướng mắc, có giải pháp căn cơ phù hợp với từng địa phương, vùng miền, không để lãng phí tài sản.

Cùng quan tâm vấn đề này, đại biểu Lê Minh Nam (đoàn Hậu Giang) nói cần phải quan tâm việc sử dụng trụ sở công vụ sau sắp xếp bộ máy.

"Phần lớn trụ sở tỉnh, huyện, xã đều ở vị trí đắc địa, thuận lợi nên cần tính toán sử dụng sao cho hiệu quả. Cần có phương án tích cực, ưu tiên cho giáo dục, y tế, sinh hoạt văn hóa, không bỏ trống và để phí công năng. Đây là nguồn lực rất quan trọng", ông Nam nói.

Ngoài ra, ông Nam đề nghị quan tâm thêm việc quản lý, khai thác sử dụng đất và tài nguyên khoáng sản, giảm thất thoát lãng phí và hạn chế ảnh hưởng đến môi trường.

"Đề nghị quản trị nguồn lực đất đai dài hạn, cân đối nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế tư nhân", ông Nam nêu quan điểm. Theo ông, cơ chế hỗ trợ cho kinh tế tư nhân, cân đối, bố trí cho kinh tế tư nhân là việc cần thiết, quan trọng.

Cho biết năm 2022 Quốc hội đã thực hiện giám sát tối cao về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và đã ban hành nghị quyết giám sát đẩy mạnh chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, ông Nam đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, triển khai nghị quyết này để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 10.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn