Nhảy đến nội dung
 

Có nên quy định riêng về Công đoàn trong Hiến pháp?

Nhiều ý kiến đang đề nghị cân nhắc, xem xét lại liệu có nên tiếp tục dành riêng một điều trong Hiến pháp cho Công đoàn Việt Nam.

Sáng 21.5, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức hội nghị lấy ý kiến đối với dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (sau đây gọi tắt là dự thảo).

Góp ý tại hội nghị, bà Ung Thị Xuân Hương, Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về dân chủ - pháp luật của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, cho biết tại điều 10 của dự thảo tiếp tục khẳng định vị trí của Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và người lao động, trực thuộc MTTQ Việt Nam.

Tuy nhiên, theo bà Hương, quy định tại điều 10 đang liệt kê rất cụ thể địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ của Công đoàn.

Theo bà Hương, Hiến pháp chỉ nên quy định khái quát những vấn đề cơ bản, cốt lõi nhất của tổ chức Công đoàn; các nội dung khác về chức năng, nhiệm vụ của Công đoàn thì nên để luật Công đoàn và điều lệ tổ chức điều chỉnh.

Đáng chú ý, bà Hương chỉ ra rằng điều 10 quy định Công đoàn "đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên Công đoàn và người lao động", nhưng khoản 2, điều 9 lại quy định vai trò của Công đoàn và các tổ chức chính trị - xã hội khác là "đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của thành viên, hội viên tổ chức mình". Điều này là chưa bảo đảm tính thống nhất và có sự trùng lặp.

Đặc biệt, bà Ung Thị Xuân Hương lưu ý cần cân nhắc thêm có nên quy định về Công đoàn Việt Nam tại một điều riêng trong Hiến pháp, trong khi hiện nay đang có xu hướng thu hẹp vai trò, phạm vi của tổ chức này.

Chưa kể, Công đoàn là 1 trong 5 tổ chức chính trị - xã hội, nên việc quy định riêng về Công đoàn trong Hiến pháp, trong khi các tổ chức chính trị - xã hội khác không có điều khoản tương tự, là chưa cân đối.

Ý kiến này của bà Hương cũng được Ủy ban MTTQ Việt Nam Q.Tân Bình (TP.HCM) nêu ra trong báo cáo lấy ý kiến người dân về sửa Hiến pháp.

Bổ sung vai trò đại diện người lao động ở cấp quốc gia cho Công đoàn trong Hiến pháp

Cũng liên quan điều 10, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM, đồng ý quy định Công đoàn Việt Nam "trực thuộc" MTTQ Việt Nam.

Đồng thời, việc bổ sung nội dung Công đoàn là "đại diện của người lao động ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động và quan hệ quốc tế về công đoàn" là cập nhật cần thiết, phản ánh đúng thực tiễn hội nhập hiện nay.

Theo ông Hậu, việc hiến định vai trò này giúp khẳng định Công đoàn Việt Nam là đối tác chính thức trong cơ chế đối thoại ba bên (Nhà nước - người sử dụng lao động - người lao động) ở cấp quốc gia, qua đó tăng tính chính danh và tiếng nói của Công đoàn trong các vấn đề lớn như chính sách lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động.

Đặc biệt, vai trò mới này còn mở đường cho Công đoàn chủ động tham gia đàm phán thỏa ước lao động tập thể cấp ngành, cấp quốc gia, góp phần thiết lập mặt bằng điều kiện lao động chung, nâng cao khả năng bảo vệ quyền lợi người lao động.

Trong lĩnh vực quan hệ quốc tế về công đoàn, quy định này là dấu mốc thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện các tiêu chuẩn lao động quốc tế, đặc biệt theo các Công ước của ILO và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Công đoàn Việt Nam sẽ trở thành đầu mối chính thức đại diện tiếng nói của người lao động tại các diễn đàn toàn cầu, đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế và bảo vệ người lao động Việt Nam ở nước ngoài cũng như người lao động nước ngoài tại Việt Nam.

Ông Hậu khẳng định nên giữ nguyên nội dung sửa đổi tại điều 10, tuy nhiên ông lưu ý rằng luật Công đoàn (sửa đổi) cần cụ thể hóa rõ cơ chế hoạt động trong mối quan hệ mới với MTTQ Việt Nam.

Công đoàn vẫn phải giữ tính chủ động, phát huy mạnh mẽ vai trò đại diện, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ lao động ngày càng đa dạng, phức tạp và chịu ảnh hưởng từ chuyển đổi số.

 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn