Có nên phạt tù người sử dụng chất ma túy?

ĐỀ XUẤT HÌNH SỰ HÓA SAU 15 NĂM BÃI BỎ
Bộ luật Hình sự năm 1999 từng quy định người nào sử dụng trái phép chất ma túy, đã được giáo dục nhiều lần và đã bị xử lý hành chính bằng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc mà còn tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy, thì bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm, nếu tái phạm thì phạt tù 2 - 5 năm.
Năm 2009, luật Sửa đổi một số điều của bộ luật Hình sự năm 1999 được ban hành, bãi bỏ tội danh trên. Người sử dụng trái phép chất ma túy được coi là người bệnh chứ không phải tội phạm. Quan điểm này được kế thừa cho đến bộ luật Hình sự năm 2015 đang có hiệu lực.
Đến nay, sau 15 năm kể từ thời điểm bãi bỏ, Bộ Công an chủ trì xây dựng dự thảo bộ luật Hình sự sửa đổi, đề xuất tái hình sự hóa đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.
Cụ thể, người nào đang trong thời gian hoặc đã từng cai nghiện ma túy tự nguyện, cai nghiện ma túy bắt buộc, điều trị nghiện các chất ma túy bằng thuốc thay thế mà bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy thì bị phạt tù 2 - 3 năm, nếu tái phạm thì bị phạt tù 3 - 5 năm.
Chế tài xử lý theo đề xuất trên nghiêm khắc hơn rất nhiều so với quy định hiện hành, khi hành vi sử dụng trái phép chất ma túy chỉ bị xử phạt hành chính với mức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 1 - 2 triệu đồng.
Bộ Công an còn đề xuất bổ sung quy định về tội không chấp hành bản án, quyết định của tòa án áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa đi cơ sở cai nghiện bắt buộc, với khung hình phạt cao nhất đến 5 năm tù. Hiện người có hành vi này chỉ bị xử lý ở mức cưỡng chế chấp hành.
CẦN THIẾT CHO "CUỘC CHIẾN" VỚI MA TÚY
Theo số liệu từ Cục CSĐT tội phạm về ma túy (C04) Bộ Công an, cả nước có 226.000 người nghiện, người sử dụng trái phép ma túy và người bị quản lý sau cai nghiện có hồ sơ. Độ tuổi sử dụng ma túy ngày càng trẻ hóa, khoảng 60% người sử dụng ma túy lần đầu trong độ tuổi 15 - 25, nhiều đối tượng ở độ tuổi 13 - 15. Tính đến tháng 10.2024, gần 800 người sử dụng ma túy tổng hợp có biểu hiện loạn thần "ngáo đá", gây ra 33 vụ phạm pháp hình sự, trong đó có 4 vụ giết người.
Theo đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp), đây là những "con số biết nói", cho thấy sự nhức nhối của tệ nạn ma túy. Kể về những lần tiếp xúc cử tri gần đây, ông cho biết người dân thường xuyên bày tỏ bức xúc về tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy ngày càng gia tăng, gây nhiều hệ lụy xấu, đề nghị phải có chế tài nặng hơn nữa. "Một người nghiện, cả gia đình, thậm chí cả xóm khổ", ông Hòa nói và cho rằng ma túy chính là mầm mống của các loại tội phạm khác như trộm cắp, cướp của, giết người…, cần phải "mạnh tay" hơn nữa.
Nhận định về đề xuất của Bộ Công an, ông Hòa thấy như vậy là hợp lý. Bởi dự thảo không "cào bằng" tất cả những người sử dụng trái phép chất ma túy, mà có sự phân hóa tính chất nguy hiểm. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự chỉ đặt ra với các trường hợp đang hoặc đã cai nghiện mà vẫn tái phạm. "Khi sử dụng lần đầu, anh được coi là người bệnh, được hỗ trợ chữa bệnh bằng cách cai nghiện, nhưng sau đó anh vẫn tiếp tục sử dụng thì phải xử lý nghiêm khắc hơn", ông Hòa nói.
Thạc sĩ Võ Văn Tài, Trưởng khoa Kiểm sát hình sự, Trường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm sát tại TP.HCM, cũng kỳ vọng việc xử lý hình sự sẽ tăng tính răn đe, khiến bất cứ cá nhân nào đều phải cân nhắc kỹ khi đối mặt với cám dỗ từ chất cấm. "Họ là người tự lựa chọn, tự quyết định việc sử dụng chất cấm, tự đẩy mình vào hoàn cảnh đó, nên phải chịu hậu quả pháp lý bất lợi", ông Tài phân tích.
CÂN NHẮC TÍNH NHÂN VĂN?
Năm 2023, cử tri từng kiến nghị xử lý hình sự đối với hành vi sử dụng ma túy trái phép. Bộ Tư pháp khi ấy cho hay, việc này có thể mang lại một số hậu quả bất lợi như: gia tăng mặc cảm với người nghiện, gây khó khăn cho việc cai nghiện và tái hòa nhập cộng đồng.
Thực tiễn áp dụng bộ luật Hình sự năm 1999 cũng cho thấy, số người bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh trên không nhiều; tác dụng răn đe, giáo dục, phòng ngừa không cao; không khắc phục được tình trạng tái nghiện (tỷ lệ tái nghiện 80 - 90%). Chưa kể, luật Phòng, chống ma túy đã nhìn nhận nhân văn hơn, coi người sử dụng ma túy không chỉ vi phạm pháp luật mà còn là người bệnh, cần có biện pháp đối xử phù hợp để khuyến khích tự cai nghiện…
Trên cơ sở kế thừa quy định của bộ luật Hình sự năm 2009 và quan điểm phi hình sự hóa hành vi sử dụng trái phép chất ma túy (nhưng không đồng nghĩa là dung túng, mà tìm biện pháp xử lý khác bền vững hơn thay vì hình sự), bộ luật Hình sự năm 2015 tiếp tục không quy định hành vi này là tội phạm.
Đồng quan điểm, luật sư Bùi Đình Ứng, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, băn khoăn việc phạt tù với người sử dụng trái phép chất ma túy sẽ khiến mất đi tính nhân văn của chính sách pháp luật đã duy trì nhiều năm qua. "Không phải ai cũng muốn tái nghiện, có người muốn bỏ lắm nhưng do không chiến thắng được bản thân, bị dụ dỗ hoặc lý do khác mà sa ngã", ông Ứng nói.
Thay vì xử lý hình sự, vị luật sư kiến nghị nên cân nhắc biện pháp xử lý khác, chẳng hạn áp dụng thời gian cai nghiện bắt buộc dài hơn, tập trung ngăn chặn nguồn cung, khuyến khích xã hội hóa công tác cai nghiện ma túy…
Ngược lại, nguyên thẩm phán TAND tối cao Nguyễn Thị Kim Vinh cho rằng quan điểm coi người nghiện là bệnh nhân, thậm chí là nạn nhân của tội phạm ma túy, chỉ phù hợp với bối cảnh trước đây. Nay đã khác, người sử dụng trái phép chất ma túy không ngừng tăng cả về số lượng và mức độ, khiến tội phạm ma túy ngày càng phức tạp. Việc hình sự hóa như đề xuất tại dự thảo là cần thiết, giúp công tác đấu tranh với tội phạm ma túy toàn diện hơn, góp phần giảm nguồn cầu thay vì chỉ tập trung giảm nguồn cung như hiện nay.
Đề xuất bỏ tử hình với tội vận chuyển trái phép chất ma túy
Tại dự thảo, Bộ Công an đề xuất bỏ hình phạt tử hình, thay bằng hình phạt chung thân không xét giảm án đối với 8 tội danh, trong đó có tội vận chuyển trái phép chất ma túy.
Cơ quan soạn thảo cũng đề xuất nâng hình phạt tù, phạt tiền với hầu hết các tội danh thuộc nhóm tội phạm về ma túy; đồng thời hạ khối lượng các chất ma túy dùng để định khung hình phạt đối với một số tội danh, tức là vi phạm với khối lượng ma túy nhỏ hơn quy định hiện hành đã có thể bị phạt tù.