Nhảy đến nội dung
 

Cơ hội lớn để đầu tư metro ở TP.HCM - 355 km không còn là 'giấc mơ'?

TP.HCM đang tích cực chuẩn bị cho việc đầu tư hàng loạt tuyến metro mới, hướng đến mục tiêu hoàn thành 7 tuyến metro với 355 km vào năm 2035.

Khởi công metro 2 và chuẩn bị cho các dự án khác

Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) cho biết hiện nay 100% mặt bằng của dự án metro số 2 đã được giải phóng. Trong năm 2025, MAUR đang gấp rút thực hiện di dời toàn bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại 12 vị trí quan trọng, bao gồm các công trình điện lực, cấp thoát nước, chiếu sáng, viễn thông, biển báo và cây xanh… để bàn giao mặt bằng sạch phục vụ thi công.

Về nguồn vốn, ban đầu dự án metro số 2 sử dụng vốn vay ODA từ các tổ chức tài chính quốc tế. Tuy nhiên, để đẩy nhanh tiến độ và chủ động hơn trong triển khai, Thành ủy TP.HCM đã chấp thuận chủ trương chuyển hình thức đầu tư sang sử dụng vốn đầu tư công. Đồng thời, UBND TP đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh cơ chế đầu tư, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính và các bộ ngành liên quan để hoàn tất thủ tục chuyển đổi.

Ho Chi Minh,  metro 355 km anh 1

Các đơn vị thi công, chuẩn bị mặt bằng sạch cho dự án metro số 2. Ảnh: Duy Anh.

Thành phố cũng đang áp dụng các cơ chế đặc thù được cho phép theo Nghị quyết 188 của Quốc hội để rút ngắn quy trình đầu tư, giúp dự án có thể “về đích” đúng tiến độ.

MAUR đang đặt mục tiêu tuyển chọn các tư vấn cấp bách của dự án trong đầu quý III/2025; tư vấn “Lập báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh, thiết kế kỹ thuật tổng thể (FEED) và hồ sơ đấu thầu”; tư vấn “Thẩm tra báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh và thiết kế FEED”; tư vấn “Giám sát công tác khảo sát xây dựng”.

"Sau khi tư vấn chính được huy động và hoàn tất việc lập báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh cùng thiết kế FEED, hồ sơ sẽ được trình UBND TP.HCM để tổ chức thẩm định và phê duyệt. Nếu tiến độ thuận lợi, dự án tuyến metro số 2 có thể khởi công vào cuối năm 2025"- đại diện MAUR cho hay.

Song song với tuyến metro số 2, MAUR đang chuẩn bị cho giai đoạn đầu tư nhiều tuyến mới theo Nghị quyết 188 của Quốc hội.

MAUR đang tiếp tục nghiên cứu, hình thành các gói thầu tư vấn trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, với nhiệm vụ được xác định phù hợp nhằm đảm bảo triển khai đồng bộ, hiệu quả các thủ tục đầu tư và phê duyệt dự án đường sắt đô thị. Đồng thời, cơ quan này cũng xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho giai đoạn chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị hồ sơ nhiệm vụ và dự toán cho các gói thầu tư vấn liên quan.

Theo ông Phan Công Bằng – Trưởng ban MAUR, thành phố sẽ tuyển chọn tư vấn để rà soát tổng thể quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị theo mô hình và tầm nhìn mới, phù hợp với định hướng mở rộng địa giới hành chính. Việc rà soát này sẽ bao gồm xác định vị trí các nhà ga, depot, khu vực phát triển định hướng giao thông (TOD), cũng như quy hoạch không gian ngầm đô thị.

Tiếp theo, thành phố sẽ tuyển chọn tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi và thiết kế kỹ thuật tổng thể (FEED) trong năm 2026. Đến năm 2027, các hồ sơ này sẽ được trình thẩm định, phê duyệt và tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công cho các dự án đường sắt đô thị.

Mở rộng cửa đón doanh nghiệp đầu tư metro

Liên quan đến việc huy động vốn cho các tuyến metro tại TP.HCM, ông Nguyễn Duy Thạch, Giám đốc Ban chuẩn bị đầu tư (đơn vị thuộc MAUR), cho biết thành phố đang tận dụng các cơ chế mới từ Trung ương để thu hút nguồn lực xã hội, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân.

“Nghị quyết 68 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã khẳng định vai trò chủ lực của kinh tế tư nhân, trong đó khuyến khích tham gia đầu tư vào hạ tầng giao thông, bao gồm cả đường sắt. Chúng tôi đang tích cực nghiên cứu và tham mưu UBND TP.HCM về các cơ chế cụ thể để huy động vốn ngoài ngân sách cho các tuyến metro mới,” ông Thạch chia sẻ.

Ho Chi Minh,  metro 355 km anh 2

Khu vực depot của tuyến metro số 1 TP.HCM. Ảnh: Duy Anh.

Ông Phan Công Bằng cho biết, khung pháp lý hiện hành đã có nhiều chuyển biến tích cực, mở ra cơ hội lớn để thu hút doanh nghiệp, nhất là khu vực tư nhân, tham gia đầu tư vào hệ thống metro.

“Luật PPP năm 2019 từng không cho phép hình thức hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao). Tuy nhiên, với Luật PPP sửa đổi hiện nay, hình thức BT đã được khôi phục, cho phép nhà đầu tư được thanh toán bằng quỹ đất. Ngoài ra, Nghị quyết 98 của Quốc hội về cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM cũng cho phép áp dụng BT trả chậm bằng tiền,” ông Bằng thông tin.

Theo ông, hai cơ chế BT nói trên - một trả bằng đất, một trả bằng tiền - đang trở thành những công cụ hữu hiệu giúp TP.HCM linh hoạt huy động các nguồn lực xã hội tham gia phát triển đường sắt đô thị.

Hiện TP.HCM đang tính đến nhiều nguồn lực để đáp ứng nhu cầu vốn cho các dự án metro, bao gồm phát triển quỹ đất theo mô hình TOD, phát hành trái phiếu công trình, trái phiếu địa phương và huy động đầu tư tư nhân...

“Chúng tôi rất mong muốn và cam kết sẽ đồng hành, hỗ trợ tối đa các nhà đầu tư, từ doanh nghiệp tư nhân trong nước đến doanh nghiệp nước ngoài cùng tham gia vào quá trình xây dựng, khai thác và vận hành các tuyến metro của thành phố”, ông Bằng khẳng định.

Tủ sách Xã hội giới thiệu những cuốn sách hay và mới về các chủ đề từ thời sự, chính trị, đến giao thông, hạ tầng... Tủ sách đồng thời cung cấp nhiều kiến thức, dữ liệu để độc giả hiểu nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn