Cơ hội cho sầu riêng tăng xuất khẩu vào Trung Quốc

Trung Quốc phê duyệt thêm 960 mã số cho sầu riêng Việt Nam, gồm 829 mã số vùng trồng và 131 mã số cơ sở đóng gói, là cơ hội tăng sản lượng xuất khẩu trái cây này trong năm nay.
Kỷ lục duyệt mã số xuất khẩu sầu riêng
Trao đổi với báo chí ngày 22.5, ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), cho biết đến nay Việt Nam có 1.396 mã số vùng trồng và 188 cơ sở đóng gói sầu riêng được Trung Quốc công nhận đảm bảo điều kiện xuất khẩu.
Quyết định của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) lần này là kỷ lục về số lượng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng trong một lần phê duyệt.
Trung Quốc và Việt Nam ký nghị định thư xuất khẩu sầu riêng từ 2022. Định kỳ 3 tháng/lần, Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tập hợp hồ sơ đề xuất từ các địa phương gửi GACC xem xét, phê duyệt.
Nhưng từ tháng 9.2023, Trung Quốc chưa phê duyệt thêm các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam.
Cũng theo ông Huỳnh Tấn Đạt, khi phát hiện một số lô hàng tồn dư kim loại nặng, hóa chất Trung Quốc đã áp dụng kiểm tra chặt chẽ khiến sản lượng xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam sụt giảm.
Nhưng sau khi Việt Nam có các giải pháp kiểm soát, khắc phục hiệu quả, GACC đã ghi nhận, tạo mọi điều kiện cho sầu riêng Việt Nam, đánh dấu bước tiến quan trọng trong nỗ lực mở rộng quy mô xuất khẩu sầu riêng Việt Nam sang Trung Quốc.
Lập bản đồ đất riêng cho cây sầu riêng
Trao đổi với Thanh Niên, ông Vũ Đức Côn, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Đắk Lắk, bày tỏ quyết định từ GACC mang lại niềm vui lớn cho các nhà vườn Tây nguyên.
Nhiều năm nay, sầu riêng Đắk Lắk chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc. Dự kiến từ tháng 7, Đắk Lắk bắt đầu thu hoạch sầu riêng, với sản lượng khoảng 400.000 tấn. "Được duyệt nhiều mã số thì cơ hội xuất khẩu tăng lên, góp phần giảm vi phạm trong sử dụng mã số", ông Côn nói.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, khẳng định gốc rễ trong xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc hiện nay là kiểm soát chất lượng. Phải làm chặt từ vùng trồng, không để lặp lại các vi phạm.
Theo đó, ông Tùng kiến nghị các địa phương, doanh nghiệp và các nhà vườn phải thống nhất một quy trình kiểm soát từ vùng trồng, cho đến cơ sở đóng gói. Các mã số được cấp phải được quản lý chặt chẽ, dễ dàng truy xuất khi có dấu hiệu vi phạm.
Còn theo ông Huỳnh Tấn Đạt, tồn dư cadimi trên sầu riêng chủ yếu đến từ quy trình canh tác. Người dân sử dụng quá nhiều loại phân bón, có loại chưa chưa phù hợp với cây sầu riêng. Ngoài ra, tồn dư cadimi được phát hiện trên đất trồng mới, đất không phù hợp với cây sầu riêng.
"Chúng tôi đã phối hợp với Viện Nông hóa, Viện Cây ăn quả miền Nam... xây dựng 7 mô hình với 3 giải pháp kỹ thuật chuẩn hóa quy trình canh tác, loại bỏ tồn dư cadimi. Đặc biệt, Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đang xây dựng bản đồ dinh dưỡng đất dành riêng cho cây sầu riêng. Dựa vào bản đồ này, người dân chọn được vùng đất trồng phù hợp để trái sầu riêng đạt chất lượng cao nhất", ông Đạt nói.