Cô gái Việt theo mẹ sang Trung Quốc rồi thất lạc 20 năm, ngày trở về tiết lộ bí mật ngỡ ngàng về mẹ

Bố mẹ chia tay, chị Phương sống cùng bố và mẹ kế, cuộc sống đầy đủ, bình yên, vui vẻ, cho đến một ngày mẹ ruột của chị bỗng dưng xuất hiện.
Hối hận khi đi cùng mẹ ruột
Chị Nguyễn Thị Phương (SN 1988) hiện đang sinh sống ở TP. Huệ Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc cùng chồng, 2 con và gia đình chồng bắt đầu từ năm 2008. Hàng ngày, người phụ nữ đi làm tại một quán ăn, cuộc sống bình yên, hạnh phúc. Nhưng trong sâu thẳm, chị Phương vẫn đau đáu về quê nhà, nơi có bố, mẹ kế, các em. Tuy nhiên, đã 20 năm trôi qua, kể từ khi là một cô gái 16 tuổi, chị Phương rời đi và không nhớ được địa chỉ nhà mình ở đâu. Chỉ biết, nơi đó trồng nhiều cà phê, cạnh nhà có người dân tộc sinh sống.
“Nhiều tối nằm ngủ, tôi mơ thấy quê hương mình, nhưng không nhớ nhà mình ở đâu. Đêm giao thừa, thấy các gia đình đoàn viên, tôi rất buồn. Tôi hay mơ thấy ngôi nhà, trường học, con đường ngày xưa từng đi, nhưng không hiểu sao không nhớ được gì", chị Phương kể.
Năm 2019, khi con cái đã cứng cáp, chị gửi con cho bố mẹ chồng rồi cùng chồng về Việt Nam tìm nguồn cội. 10 ngày ở Việt Nam, chị đi đến những nơi mà chị mang máng nhớ đó là quê hương của mình: Đắk Lắk, Quảng Ngãi và Thái Nguyên song không có kết quả.
Tối cuối cùng ở Việt Nam, tại một nhà nghỉ, chị Phương xem tivi thì thấy chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly”. Một tia hy vọng lóe lên, chị đã gửi thư đến chương trình nhờ tìm kiếm.
“Tôi rất hối hận khi đi cùng mẹ ruột. Sau khi trưởng thành hơn, tôi cứ ghét bản thân mình, vì sao lúc đó tôi lại bỏ bố mà đi? Lúc đó tôi tưởng vĩnh viễn không thể nào trở về Việt Nam. Tôi còn có suy nghĩ muốn kết thúc cuộc sống của mình nữa chứ.
Bố ơi, con xin lỗi bố vì con không nghe lời bố, không nghe lời mẹ Đường (mẹ kế). Bố có giận con không? Hy vọng bố tha thứ cho con. Xin lỗi mọi người, xin lỗi 3 em. Khi chị đi rất nhớ nhà, bố mẹ và các em. Nhớ nhiều lắm”, chị Phương rưng rưng.
Không hiểu vì sao con bỏ đi
Bố của chị Phương là ông Nguyễn Quốc Hợi (quê ở Nghệ An), còn mẹ là Nguyễn Thị Xuân (quê gốc ở Thái Bình, nay là Hưng Yên mới). Ông Hợi và bà Xuân quen nhau và kết hôn ở Đắk Lắk. Họ sinh được 2 người con là Nguyễn Thị Phương và Nguyễn Quốc Nam (SN 1991).
Năm chị Phương lên 6 tuổi, Nam 3 tuổi thì bà Xuân để lại thư cho ông Hợi rồi dắt 2 con về quê chồng ở Nghệ An sinh sống, làm nghề hàng xáo, còn ông Hợi vẫn ở Đắk Lắk. Ông nhiều lần nói vợ quay lại Đắk Lắk nhưng không được.
Sống ở Nghệ An được 1 năm thì vào một ngày tháng Giêng năm 1995, bà Xuân dắt 2 con rời khỏi nhà, lên xe khách, đi được khoảng 3-4km thì thả xuống, nhờ người chở 2 đứa trẻ ngược về vị trí cây đa, gần họ hàng bên nội và thả ở đó. Một người phụ nữ thấy Phương và Nam đứng bên gốc cây đa, hỏi thì mới biết là cháu ông Nguyễn Quốc Năm (em trai ông Hợi) nên gọi ông Năm đến đón. Từ đó, bà Xuân cũng đi biệt tích, không ai biết bà bỏ đi vì lý do gì? Vì sao bỏ 2 con giữa đường?
Ông Hợi kể, vợ cũ là người tháo vát, làm nghề buôn bán lặt vặt. Bà Xuân vay nợ nhiều ở bên ngoài. Khi bà bỏ đi, chủ nợ đã đến nhà ông Hợi bắt heo, bắt bò.
Chị Phương và em trai tiếp tục ở nhà nội được 1 năm. Sau đó, ông Hợi vào đón 2 con về lại Đắk Lắk. Lúc này, ông Hợi tái hôn với bà Nguyễn Thị Đường. Ông bà sinh thêm được 2 người con gái là Nguyễn Thị Phượng và Nguyễn Thị Tâm.
Lên Đắk Lắk với bố, chị Phương có cuộc sống êm đềm, được đi học, được bố chiều chuộng, mua sắm cho đủ thứ. Ông Hợi kể, chị Phương sướng nhất xóm. Chúng bạn chưa có xe đạp đi học nhưng chị đã được bố mua cho chiếc xe đạp đắt tiền để đến trường. Cuộc sống tưởng như cứ thế êm đềm trôi qua, cho đến khi bà Xuân bất ngờ trở lại.
Đó là năm 2004, chị Phương đang học lớp 10. Bà Xuân nhắn con sang nhà hàng xóm cho bà gặp mặt sau gần 10 năm mẹ con không liên lạc gì. Bà Đường về nhà ngoại một tối, hôm sau quay về hỏi thì Nam kể: “Bố mắng chị Phương, chị Phương đi theo mẹ rồi”. Nam kể, mẹ Xuân cũng hỏi có muốn đi với mẹ không? Nhưng Nam từ chối.
Chị Phương đã rời nhà đi như thế, đi theo người mẹ từng bỏ rơi mình một lần ở giữa đường. Ông Hợi, bà Đường đoán bà Xuân đưa con về thăm quê ngoại, đi rồi sẽ về thôi. Nhưng rồi cứ như vậy, 20 năm trôi qua, vẫn chưa thấy chị Phương về. Gia đình cũng muốn đi tìm nhưng không biết phải bắt đầu từ đâu. Ông Hợi cũng không báo công an, vì ông tin, con đi với mẹ thì không thể nào bị hại.
Từ ngày chị Phương đi, bà Đường cứ day dứt, tự vấn không biết bản thân có lỗi gì với các con hay không? “Tình cảm giữa con và mẹ kế chắc chắn không bằng mẹ đẻ được. Lúc ở cùng nhau, con thì đông, tôi thì không khéo, không được lời nói ngọt ngào với con”, bà Đường tâm sự. Còn ông Hợi thì đoán: “Chắc Phương thấy mẹ, lâu ngày nhớ mẹ nên theo mẹ luôn. Hồi đó tôi cũng cấm nhiều quá. Hay nó tức bố cấm rồi đi theo mẹ, tôi cũng không biết”.
3 năm sau, ông Hợi được một người cùng quê thông tin là bà Xuân bị bắt vì tội buôn người. Ở trong tù, bà Xuân viết thư cho ông Hợi xin tiền và quần áo.
Chị Phương quỳ gối xin lỗi bố, mẹ Đường, các em trong ngày đoàn tụ.
Về phía Nam, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự có về Nghệ An, ra quê ngoại hỏi thăm tin tức của chị nhưng không được. Nam được một người bác dẫn đến nhà tù thăm mẹ, thái độ của bà Xuân rất bình thản.
“Tôi hỏi mẹ bị gì mà phải vào trong tù, nhưng mẹ không trả lời. Tôi lại hỏi mẹ đã đưa chị đi đâu rồi? Mẹ nói đưa chị qua bên Trung Quốc, có người dẫn đi, mất thông tin luôn, không nhớ gì nữa”, anh Nam bùi ngùi. Người con trai cũng không được mẹ chia sẻ cụ thể đã đưa chị đến địa phương nào ở Trung Quốc. Từ đó đến nay, anh không gặp lại mẹ nữa.
Bao năm qua, anh Nam vẫn luôn nhớ về chị gái, không biết cuộc sống của chị có ổn định không? Có gặp chuyện gì nguy hiểm không mà tại sao khi ra đi, chị lớn rồi mà không liên lạc gì với gia đình?
Người mẹ đã đưa con đi đâu?
“Tôi chắc là vĩnh viễn sẽ không muốn gặp lại bà ấy. Tôi không nghĩ có người mẹ nào có thể tàn nhẫn với con mình như vậy. Tôi không biết nói làm sao”, chị Phương nói khi được hỏi có muốn gặp lại mẹ hay không?
Chị Phương kể năm ấy, bà Xuân đi cùng một người nói tiếng Trung Quốc, dẫn chị đi mấy ngày đêm sang đất Trung Quốc. 3 năm đầu tiên sang đất lạ xứ người là khoảng thời gian kinh hoàng nhất của chị.
Bà Xuân thuê nhà ở TP.Sán Đầu (Quảng Đông, Trung Quốc) để ở. Chị Phương đi làm cho một nhà máy sản xuất trái cây sấy dẻo. Được 1 năm, khi chị Phương vừa tròn 18 tuổi, bà Xuân muốn con gái kết hôn với một người đàn ông lớn tuổi. Chị Phương nhất định không chịu và bỏ nhà ra đi.
1 thân 1 mình, không có nghề gì trong tay, không biết tiếng, chị Phương đến TP. Đông Quản cách Sán Đầu 370km, xin vào làm cho một xưởng giày.
Năm 2007, chị lại đến TP. Quảng Châu, làm việc cho một nhà máy điện tử, bắt đầu tự học nói, viết tiếng phổ thông và tập làm quen với những người Trung Quốc. Năm 2008, chị Phương chuyển đến TP. Thâm Quyến làm việc. Tại đây, cô gái Việt Nam quen anh Trương Cương Tô và kết hôn cùng năm, theo chồng về quê chồng ở Huệ Châu sinh sống cho đến hiện tại.
Còn bà Xuân, gia đình nghe nói bà đã mãn hạn tù cách đây 10 năm, hiện đi làm nghề trông trẻ ở thành phố.
Nguồn: Như chưa hề có cuộc chia ly