Cô gái đứng ở vỉa hè bị đuổi vì 'đứng vào chỗ bán hàng'; Cấm học sinh dùng điện thoại trong trường

Bà bán trà đá đuổi cô gái khỏi vỉa hè vì đứng vào chỗ bán hàng; Cấm học sinh dùng điện thoại trong trường… là các thông tin nổi bật thu hút nhiều bạn đọc Tuổi Trẻ Online quan tâm, phản hồi tuần qua.
Lợi dụng lúc vắng bóng lực lượng công an tuần tra, chiều 4-7, bà L.T.K. (51 tuổi, trú xã Sơn Đồng, Hà Nội) đã lấn chiếm vỉa hè khu vực bến xe Mỹ Đình (trước số nhà 36 Phạm Hùng) để bán trà đá.
Ai cho xem vỉa hè như của riêng?
Sau đó bà K. lời qua tiếng lại với một cô gái đang đứng trên vỉa hè và đá vào vali của cô vì cho rằng cô đứng chắn chỗ bán hàng.
Clip vụ việc đã được đăng lên mạng xã hội thu hút nhiều người quan tâm, chia sẻ.
Qua xác minh, bà L.T.K. được xác định đã có hành vi lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh, vi phạm trật tự công cộng.
Ngày 8-7, Công an phường Từ Liêm ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 2,5 triệu đồng.
Từ vụ bà bán trà đá đuổi cô gái khỏi vỉa hè, nhiều ý kiến bạn đọc Tuổi Trẻ Online đặt câu hỏi: Ai cho xem vỉa hè như của riêng? Đề nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm hành vi lấn chiếm vỉa hè và ứng xử thiếu văn hóa để răn đe, lập lại trật tự nơi công cộng.
Nhiều bạn đọc cũng góp ý thêm hướng xử lý. "Chỗ nào hay lấn chiếm nhiều, là điểm nóng lấn chiếm cho xe loa chạy dọc thông báo cho bà con dọn đúng quy định. Dẹp xong lắp camera giám sát phạt nguội là xong", bạn đọc Tú Xương đề xuất.
Nên nhân rộng cấm học sinh dùng điện thoại tại tất cả trường học cả nước
Ngày 10-7, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đã có thông báo kết luận của ông Nguyễn Văn Hiếu - giám đốc sở - tại hội nghị giao ban sau khi sáp nhập.
Ông Hiếu giao nhiệm vụ cho Phòng học sinh, sinh viên nghiên cứu tham mưu phương án đề xuất không cho học sinh dùng điện thoại di động trong giờ ra chơi và trong hoạt động giáo dục tại trường. Chỉ riêng những trường hợp giáo viên bộ môn cho phép làm bài trong giờ học thì học sinh mới được dùng.
Song song đó, tham mưu kế hoạch tổ chức các hoạt động trong giờ ra chơi nhằm tạo điều kiện để học sinh gắn kết với nhau, đồng thời các em cũng được rèn luyện các hoạt động thể dục thể thao. Các hoạt động này dự kiến được thực hiện ngay trong năm học 2025 - 2026.
Đề xuất nói trên lập tức nhận được sự quan tâm, đồng tình từ phía phụ huynh, giáo viên, những người trực tiếp chứng kiến ảnh hưởng của điện thoại thông minh tới việc học tập và sức khỏe tâm lý của học sinh.
Nhiều bạn đọc cho rằng đã đến lúc trường học cần trở lại đúng vai trò là nơi tập trung vào học tập, giao tiếp và phát triển toàn diện, thay vì để thiết bị công nghệ chi phối.
Nhiều ý kiến bạn đọc mong muốn nhân rộng ra tại tất cả trường học trong cả nước.
"Game, mạng xã hội đã lấy đi rất nhiều thời gian của học sinh. Cần hạn chế giờ chơi game như một số nước", bạn đọc Ba Phi nêu ý kiến.
Không nên bỏ hoàn công nhà, vì là "chốt chặn" cuối cùng
"Có nên bỏ hoàn công khi xây dựng nhà?" cũng là vấn đề được nhiều bạn đọc tham gia tranh luận.
Theo kiến trúc sư Lê Công Sĩ, việc bỏ giấy phép xây dựng (GPXD) được xem là một bước tiến cải cách hành chính của chính quyền, giúp "cởi trói" cho người dân trong việc hình thành ngôi nhà của mình nói riêng, công trình xây dựng nói chung.
Từ ủng hộ bỏ GPXD, nhiều người cũng cho rằng nên bỏ luôn việc hoàn công công trình.
Lý do là trong quá trình công trình thi công, bằng công tác quản lý xây dựng, cơ quan chức năng kịp thời ghi nhận những thay đổi (nếu có) và do vậy hoàn công không còn cần thiết.
"Với vai trò từng công tác ở vị trí liên quan cấp GPXD và hoàn công của một sở xây dựng và hiện là đơn vị tư vấn thiết kế, thi công xây dựng, tôi cho rằng bỏ hoàn công là vấn đề cần thận trọng", ông Sĩ lưu ý.
Cũng theo ông, hoàn công là chốt chặn cuối cùng trong công tác quản lý xây dựng của cơ quan chức năng, ghi nhận thực trạng công trình so với thông tin đăng ký, là cơ sở của công tác cấp giấy chứng nhận sở hữu công trình sau đó.
"Hoàn công còn được xem là động thái ghi nhận mọi hoạt động xây dựng theo thông tin đăng ký đã kết thúc, từ đó cơ quan chức năng có cơ sở nắm bắt diễn biến của hoạt động xây dựng địa phương", ông Sĩ nhận xét thêm.
Một du khách tử vong do dù lượn rơi trên bán đảo Sơn Trà
Ngày 9-7, Ban chỉ huy Bộ đội biên phòng Đà Nẵng đã có báo cáo ban đầu về vụ tai nạn dù lượn trên bán đảo Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.
Anh H.Q.T. (36 tuổi, trú tại TP.HCM) tham gia trải nghiệm bay dù lượn do Công ty Tropical Forest tổ chức tại bán đảo Sơn Trà.
Khi dù đang trên hành trình từ núi Sơn Trà bay xuống bãi đáp thì bất ngờ gặp sự cố khiến anh T. rơi xuống khu vực rừng cây rậm rạp.
Người điều khiển dù là anh L.M.P. (41 tuổi, thuộc Công ty Tropical Forest ) trực tiếp dẫn anh T. trên chuyến bay - cũng gặp nạn, rơi xuống bãi cát gần đó và được đưa đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.
Lực lượng chức năng đã nhanh chóng triển khai tìm kiếm. Đến tối cùng ngày, thi thể anh T. được phát hiện gần khu vực resort Biển Đông, thuộc bán đảo Sơn Trà.
Trưa 9-7, ông Nguyễn Trọng Thao, phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng, cũng cho biết ngay sau khi xảy ra vụ tai nạn dù lượn khiến nam du khách rơi xuống rừng Sơn Trà tử vong, sở đã cho tạm dừng bay dù lượn trên núi Sơn Trà.
Việc tạm dừng hoạt động bay dù lượn để kiểm tra lại toàn bộ quy trình hoạt động nhằm đảm bảo an toàn nhất cho du khách.