Cơ chế bù chéo giá điện gây nhiều hệ lụy

Chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn cho hay, giá điện của Việt Nam đang tương đương Trung Quốc, Ấn Độ, nhưng thấp hơn giá điện của Thái Lan, Singapore...
Sáng 7.5, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm "Bảo đảm điện cho tăng trưởng - Yêu cầu và giải pháp". Theo ông Đoàn Ngọc Dương, Cục phó Cục Điện lực, Bộ Công thương, từ cuối năm 2024 đến nay, bộ đã chủ động rà soát xây dựng kế hoạch cung ứng điện.
Với dự báo tăng trưởng kinh tế 8%, nhu cầu điện tăng trưởng khoảng trên 12%, bộ đã có loạt chỉ đạo, chỉ thị liên quan đến các nhóm giải pháp cho cung ứng điện.
Theo đó, yêu cầu nhà máy điện, truyền tải phân phối đảm bảo kế hoạch duy tu, bảo dưỡng, sẵn sàng cao nhất đáp ứng nhu cầu điện trong năm. Về cung ứng nhiên liệu, các nhà máy điện và đơn vị cung ứng như than, dầu, khí lên kế hoạch đảm bảo lượng lưu trữ trong nhà máy, kho chứa, đáp ứng giai đoạn cao điểm.
Bộ cũng đôn đốc hoàn thành tiến độ công trình điện quan trọng, đặc biệt là nguồn điện, truyền tải điện. Cập nhật các kịch bản điều hành, huy động hợp lý các nguồn điện khác nhau, tăng cường tiết kiệm điện, giảm nhu cầu điện những thời điểm cao điểm...
"Việc cung ứng điện năm 2025 là đảm bảo. Tuy vậy có thể xảy ra trường hợp cực đoan như tăng trưởng phụ tải đột biến, diễn biến thời tiết cực đoan, nước về hồ thủy điện giảm hoặc nắng nóng kéo dài, sự cố điện đầy tải" ông Dương nói và khẳng định các trường hợp này đã có kịch bản ứng phó.
Giá điện vẫn đang "bao cấp"
Chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn cho hay giá điện của Việt Nam hiện đang tương đương Trung Quốc, Ấn Độ. Mức giá này cao hơn một số nước như Bangladesh hay Malaysia, vốn có lợi thế riêng như tài nguyên thủy điện (Bangladesh) hoặc dầu khí nội địa (Malaysia), từ đó có thể xây dựng cơ chế bù giá hiệu quả.
Tại Thái Lan, sau cải tổ cơ chế giá điện, đặc biệt chuyển sang mô hình tính theo giờ, giá điện trung bình đã tăng mạnh so với 3 - 4 năm trước, thậm chí cao gấp rưỡi.
"Vấn đề không đơn giản chỉ là "giá điện tăng hay giảm", mà là làm thế nào để giá điện phản ánh đúng bản chất chi phí sản xuất. Nhiều quốc gia phát triển hiện cũng đang chuyển dần sang cơ chế thị trường trong xác lập giá điện - minh bạch, đầy đủ yếu tố chi phí và gắn với xu hướng đầu tư năng lượng sạch", ông Sơn cho hay.
Chuyên gia này cho rằng, giải pháp căn cơ để tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư là cần có lộ trình điều chỉnh giá điện hợp lý, minh bạch, phản ánh đúng chi phí, đồng thời có chính sách giảm thiểu tác động xã hội khi điều chỉnh.
Đánh giá về cơ chế giá điện, ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, cho rằng cơ chế giá điện hiện nay có thể ảnh hưởng đến việc cung ứng điện. Lý do là giá điện vẫn chưa theo cơ chế thị trường, không được tính đúng tính đủ chi phí đầu vào, tình trạng mua cao bán thấp diễn ra nhiều năm nhưng chưa được khắc phục.
Cơ chế bù chéo đang gây nên những bất cập, khi điện không được tính đúng tính đủ, không phản ánh đúng giá trị trên mỗi kWh/h điện. Theo ông Thỏa, giá điện trở thành "giá bao cấp" cho xã hội, sẽ khó khuyến khích đầu tư vào ngành điện, không tạo áp lực để sử dụng tiết kiệm điện và hiệu quả, đảm bảo an ninh năng lượng.
Do đó, cần chuyển điều hành giá điện theo cơ chế thị trường, tính đúng tính đủ. Vì vậy cần sửa biểu giá điện hiện hành, xử lý bất cập biểu giá. Công thức tính giá hiện nay cần bỏ chi phí khác, gồm chi phí chưa được tính đúng tính đủ mà ta cứ phân bổ dần, bao gồm chênh lệch tỉ giá, tách bạch chính sách xã hội bằng chính sách khác.
Theo lãnh đạo Cục Điện lực, nguyên tắc tính giá điện, chi phí điện đã được nêu trong luật Điện lực và Bộ Công thương tiếp tục thể chế hóa quy định. Tuy nhiên, ông Dương cho rằng, cơ chế giá điện cần được xem xét với bước chuyển phù hợp, vừa đáp ứng xu hướng thị trường, vừa có sự ổn định cho người dân.