Nhảy đến nội dung
 

Chuyện tử tế: Vợ chồng già mai táng những hài nhi xấu số

Đến thôn 8, xã Cư Êbur, TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, chúng tôi nghe câu chuyện về hai vợ chồng ông Lê Văn Cảnh (80 tuổi) và bà Nguyễn Thị Vuông (77 tuổi) đã thực hiện nghĩa cử cao đẹp, chôn cất những hài nhi bị bỏ rơi ở bãi rác lớn của thành phố.

Nhân duyên từ nghề nhặt rác

Xóm rác là tên mà người dân thường nói về xóm của những người hành nghề lượm ve chai ở bãi rác xã Cư Êbur. Hễ có ai lượm được "bao ni lông màu đen" đều chuyển cho ông Cảnh, bà Vuông. Bởi trong những bao ni lông đó có những hài nhi bị bỏ đi.

Khi nhắc đến chuyện những hài nhi mà gia đình đã chôn cất, hai ông bà đều không kìm được nước mắt, thương tiếc cho số phận của những sinh linh bé nhỏ. "Cách đây khoảng 20 năm, gia đình chúng tôi hành nghề nhặt rác, lấy nhôm nhựa bán để kiếm sống. Vào một buổi sáng sớm, xe tải đổ rác xuống bãi, chúng tôi nhanh tay lấy được một chiếc cặp du lịch khá đẹp. Khi mở ra, chúng tôi phát hiện một đứa bé được quấn trong khăn tắm rất xinh và đang còn ấm", ông Cảnh kể.

Bà Vuông ngồi bên tiếp lời: "Đó là bé gái nặng khoảng 3 kg, gương mặt kháu khỉnh. Tuy nhiên, cho dù tôi có cố gắng hô hấp nhân tạo nhưng phép màu vẫn không xảy ra. Chúng tôi đặt tên bé là Ban Mai lấy họ Lê của ông Cảnh".

Ông Cảnh chia sẻ xuất phát từ trái tim của bậc làm cha mẹ, ông bà đã thực hiện nghi lễ mai táng, chôn cất, mong muốn Ban Mai đến với thế giới mới được trọn vẹn hơn. "Về sau, trong mỗi bao ni lông màu đen thường xuất hiện những thai nhi bị bỏ đi ở bãi rác thì chúng tôi đều mang về nhà, mai táng cho các con. Cứ thế khi ai đó nhặt được bao ni lông đen có thai nhi đều gửi lại cho chúng tôi…", ông Cảnh xúc động.

Theo ông Cảnh, gia đình đã thực hiện chôn cất và đặt tên cho 19 hài nhi bị bỏ rơi trong bãi rác. Khi người dân đóng góp tiền, vật phẩm cho các sinh linh bé nhỏ, ông bà đều ghi chép, dùng số tiền đó để thực hiện mai táng cho các bé và gửi vào chùa để nhờ các nhà sư cúng bái.

Mong các con siêu thoát

Đôi mắt hoen đỏ của ông Cảnh - bà Vuông cũng nói lên được sự cảm thông, thấu cảm cho những sinh linh bé nhỏ có cuộc đời không trọn vẹn. Ông bà xây dựng "căn nhà chung" cho các hài nhi ở khu nghĩa trang thôn 8.

Bà Vuông cho hay nhiều người nói với vợ chồng bà là tại sao có thể gan dạ mai táng cho những đứa trẻ bị bỏ rơi ở bãi rác. "Chúng tôi cũng chỉ mỉm cười và nói đó là việc nên làm. Chúng tôi xem như là con, cháu trong gia đình. Vốn dĩ cuộc đời của các con đã quá thiếu thốn, éo le nên chúng tôi chỉ thực hiện bằng tấm lòng, mong các con được đủ đầy hơn ở thế giới khác, sớm siêu thoát", bà Vuông bộc bạch.

Hai ông bà bày tỏ, ngày chân tay còn khỏe mạnh thì ông bà thường xuyên chăm sóc cho "căn nhà chung" và cầu mong các con được vui vẻ, hạnh phúc bằng chút sức lực nhỏ bé của mình. Làn da đồi mồi, đôi tai không rõ, tay chân đã dần yếu nhưng ông bà vẫn thường xuyên dặn dò con cái trong nhà phải săn sóc cho phần mộ các hài nhi. "Chỉ mong rằng các con được hạnh phúc vì chúng tôi không ngừng cầu nguyện. Hơn nữa, chúng tôi mong những kiếp người có nghèo khó, khổ cực thì cũng nên dành tình cảm, chăm lo cho con cái của mình, đừng bỏ đi vì nó chỉ là đứa bé…", ông Cảnh rưng rưng và tiếp lời: "Nếu bãi rác không dời đi nơi khác, nếu chúng tôi còn khỏe mạnh sẽ tiếp tục thực hiện và có thể nhận được, lo thêm cho những hài nhi như đã từng làm".