Chuyện những người trợ giúp pháp lý: Bài 2 - Nghề sinh ra vì mục đích nhân đạo

TPO - Trợ giúp pháp lý không chỉ là chính sách nhân văn, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với nhóm người yếu thế trong xã hội. Thông qua Trợ giúp pháp lý, cũng là một cách truyền tải kiến thức pháp luật đến với người dân, từ đó, nhận thức, hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật của người dân được nâng lên. Thời gian qua, Bộ Tư pháp đã triển khai nhiều hoạt động truyền thông Phổ biến, giáo dục pháp luật và đạt được nhiều kết quả.
Từ hiểu lầm đến công nhận
Hơn 20 năm gắn bó với lĩnh vực Trợ giúp pháp lý (TGPL), bà Phan Thị Thu Trang (Phó giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước TP Hà Nội) đã chứng kiến nhiều đổi thay của ngành.
Nhớ lại 10 năm trước khi ra tòa, các cơ quan tố tụng vẫn hiểu lầm trợ giúp viên chỉ là cán bộ bào chữa viên nhân dân khiến bà Trang phải dẫn Luật TGPL để giải thích. Nay nhờ Thông tư liên ngành và Luật TGPL năm 2017 đi vào cuộc sống, các cơ quan tố tụng, thẩm phán mới dần hiểu vai trò, tạo điều kiện cho trợ giúp viên.
Trung tâm TGPL Nhà nước TP Hà Nội có hơn 77 cán bộ, nhân viên, trong đó hơn 50 người là trợ giúp viên pháp lý; có 10 chi nhánh phân chia khắp Hà Nội, mỗi chi nhánh 4 - 5 người.
Số vụ trợ giúp tại trung tâm tăng đáng kể, bởi cơ quan tố tụng chủ động phối hợp, liên hệ ngay khi phát hiện người yếu thế cần hỗ trợ. Tuy nhiên, theo bà Trang, hoạt động TGPL hiện còn nhiều khó khăn vì người thuộc diện được TGPL chưa hiểu hết về quyền lợi của họ.
“Nhất là nhóm người khuyết tật, người thuộc diện chính sách trong xã hội đến với trung tâm chưa nhiều, đây là vấn đề chúng tôi rất trăn trở. Khi bạn có quyền nhờ trợ giúp thì bạn tự tìm đến chứ không cần ai mời nhưng họ không hiểu thì không biết cách gõ cửa đúng nơi”, bà Trang nói, cho rằng khúc mắc này nằm ở khâu tuyên truyền, cần phải thay đổi để người có nhu cầu TGPL thấy được.
![]() |
Bà Phan Thị Thu Trang. |
Theo bà Trang, công tác tuyên truyền của các cơ quan, tổ chức vẫn còn thụ động. Cổng thông tin Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý (PBGDPL&TGPL) đăng rất nhiều tin giải đáp thắc mắc, tư vấn về hoạt động ý nghĩa của TGPL nhưng ở địa phương, đặc biệt là tuyến xã, phường thực hiện chưa hiệu quả. Bằng chứng là Trung tâm TGPL Nhà nước TP Hà Nội chủ yếu tiếp nhận vụ án hình sự từ cơ quan tố tụng, hiếm có trường hợp từ cấp xã.
Bên cạnh đó, trong các vụ tranh chấp dân sự, tòa án chưa định hướng tốt để người dân biết: “Nếu khó khăn tài chính hoặc thuộc diện có công, hãy liên hệ trung tâm để được hỗ trợ miễn phí.” Hằng năm, trung tâm tổ chức hàng trăm buổi tuyên truyền tại xã, phường, trường học, gặp gỡ hội phụ nữ, cựu chiến binh, nhưng lượng người tham gia còn thấp. “Việc người dân hiểu và nắm bắt quyền lợi vẫn là một thách thức lớn,” bà Trang trăn trở.
Song song với việc tuyên truyền ý nghĩa của hoạt động TGPL, trung tâm nơi bà Trang công tác còn thường xuyên mở các lớp tập huấn, lớp bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho trợ giúp viên viên nhằm trang bị kỹ năng tư vấn cho trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi vì các đối tượng này tâm sinh lý khác thường. Chẳng hạn, với người khuyết tật, trợ giúp viên cần giao tiếp khéo léo để tránh gây tự ái; với trẻ em, phải tạo sự thân thiện.
Chia sẻ thêm về chất lượng cán bộ của trung tâm, bà Phan Thị Thu Trang cho biết, có khoảng 40% cán bộ đạt trình độ cao học, còn lại là trình độ đại học, cơ bản đáp ứng được chuyên môn. Thu nhập ngoài hưởng lương theo bậc nhà nước, họ được trả thêm chế độ theo mỗi vụ việc. Trung bình mỗi vụ sẽ hưởng 1 – 3 triệu đồng tùy tính chất, độ khó.
"Dù mức trả thêm chưa cao nhưng các trợ giúp viên tại trung tâm vẫn luôn nhiệt tình với công việc. Chúng tôi nghĩ nghề này sinh ra phục vụ mục đích nhân đạo, đền ơn đáp nghĩa theo chủ trương của Đảng. Chính vì thế, từ khi vận hành trung tâm đến nay các cán bộ luôn tâm niệm phải hoàn thành tốt nhiệm vụ, chưa có trường hợp nào vì hưởng lợi ích riêng mà làm sai, bị xử lý kỷ luật.", bà Trang nói.
![]() |
Tiến sĩ Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục PBGDPL&TGPL. |
Dành sự quan tâm đặc biệt đến nhóm đối tượng đặc thù
Chia sẻ thêm về công công tác PBGDPL, Tiến sĩ Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục PBGDPL&TGPL cho biết thêm, toàn ngành đang rất quan tâm đến nhóm đối tượng đặc thù như người dân vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và ngư dân.
Năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án “Nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2024 – 2030”, qua đó tạo cơ sở cho việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao năng lực cho đội ngũ này để thực hiện PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số thông qua các hình thức: Biên soạn, phát hành tài liệu tiếng dân tộc; xây dựng chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc;…
Đánh giá về những tác động cụ thể của việc thực hiện Luật PBGDPL, ông Quốc cho rằng, trong lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, Luật đã đóng góp quan trọng, giúp tăng cường quản lý nhà nước, quản lý xã hội; góp phần ngăn chặn, giảm thiểu những hành vi vi phạm pháp, mâu thuẫn, tranh chấp.
“Đối với chất lượng hoạt động quản lý nhà nước, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện hoạt động PBGDPL trong hệ thống chính trị đã có nhiều thay đổi theo hướng thực chất, có trọng điểm, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm”, ông nhấn mạnh.
Tiến sĩ Lê Vệ Quốc tự hào, trong khoảng 10 năm thực hiện Luật PBGDPL năm 2012 (có hiệu lực từ 2013), toàn quốc đã tổ chức hơn 9,4 triệu cuộc PBGDPL trực tiếp; biên soạn và cấp phát miễn phí hơn 510 triệu tài liệu PBGDPL, trong đó có nhiều tài liệu phổ thông được dịch ra tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài. Qua số liệu trên có thể thấy, hình thức PBGDPL trực tiếp vẫn là cách thức phổ biến, được nhiều bộ, ngành, đoàn thể và địa phương lựa chọn khi tổ chức thông tin cho người dân.
"Để đáp ứng công tác PBGDPL, những năm qua, Cục đã xây dựng, phát triển đội ngũ Báo cáo viên pháp luật trung ương: 2524 báo cáo viên; Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh: 8698 báo cáo viên; Báo cáo viên pháp luật cấp huyện: 19.225 báo cáo viên; Tuyên truyền viên pháp luật cấp xã: 157.449 tuyên truyền viên, có khoảng hơn 34 nghìn người là dân tộc thiểu số", thống kê của Cục PBGDPL&TGPL tính đến 30/11/2024.
Bên cạnh đó, trong 10 năm thực hiện Luật PBGDPL, cả nước đã tổ chức 92.715 cuộc thi tìm hiểu pháp luật. Các cuộc thi được tổ chức dưới nhiều hình thức, một số cuộc thi đã gây được tiếng vang như: Thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; Thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân”; cuộc thi “Pháp luật học đường”; cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng”.
Tuy nhiên, ông Lê Vệ Quốc cũng thẳng thắn nhận xét, sau nhiều năm thực hiện Luật PBGDPL, sự hiểu biết về pháp luật của người dân tại các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng so với các tỉnh miền núi vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số như Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai nhìn mặt bằng chung có sự chênh lệch lớn. Vẫn còn tình trạng người dân vi phạm pháp luật, nguyên nhân từ thiếu hiểu biết pháp luật hoặc có hiểu biết pháp luật nhưng ý thức tuân thủ, ý thức tự giác hay văn hóa tuân thủ pháp luật chưa cao.
Hơn nữa, công tác PBGDPL chưa được sự quan tâm đúng mức ở một số cơ quan, tổ chức; phối hợp triển khai tại nhiều địa phương cũng chưa thực sự được coi trọng; nguồn nhân lực thực hiện phần nào chưa đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ, đòi hỏi của đất nước trong tình hình mới; việc định hướng nội dung PBGDPL có lúc chưa sát thực tiễn.
Hệ thống luật pháp đồ sộ, quy định của luật rộng, dàn trải
Cùng trao đổi với Báo Tiền Phong, luật sư Nguyễn Văn Hà (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội, thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL TP Hà Nội) chia sẻ, từ khi Luật PBGDPL có hiệu lực, thủ đô Hà Nội là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về công tác tuyên truyền, PBGDPL. Thành phố rất chú trọng xây dựng các Đề án PBGDPL chi tiết, tập trung vào nhu cầu thực tế của người dân và doanh nghiệp, với phương châm “dân cần gì, doanh nghiệp cần gì thì tuyên truyền thứ đó”.
![]() |
Luật sư Nguyễn Văn Hà. |
Đoàn Luật sư TP Hà Nội, với hơn 10.000 thành viên, đã xử lý hơn 20.000 vụ việc trợ giúp pháp lý miễn phí từ năm 2020, tổ chức hàng trăm buổi tuyên truyền trực tiếp, tiếp cận hàng trăm nghìn người. Nhiều tổ chức luật sư tự nguyện thực hiện PBGDPL miễn phí.
Hưởng ứng hoạt động PBGDPL, luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa) cho hay, hằng năm Văn phòng luật tự bỏ kinh phí tổ chức một đến hai cuộc tuyên truyền, PBGDPL trực tiếp đến người dân. “Cá nhân tôi thường tham gia với nhóm luật sư khác tổ chức các phiên tòa giả định tại trường THCS, THPT. Các hoạt động này rất ý nghĩa, giúp các cháu học sinh tiếp cận được pháp luật và hình dung được công việc của cơ quan tiến hành tố tụng”, luật sư Giáp chia sẻ.
Nhờ sự quan tâm của chính quyền, kinh phí cho PBGDPL tăng từ 1-4 tỷ đồng/năm cách đây 10 năm lên 20-30 tỷ đồng/năm hiện nay, phân bổ đến tận xã, phường. Kết quả, ý thức pháp luật của người dân Thủ đô được nâng cao, giảm mâu thuẫn, tranh chấp và khiếu kiện kéo dài.
Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Văn Hà, thách thức vẫn còn do hệ thống pháp luật đồ sộ, thay đổi liên tục, quy định luật rộng dẫn tới khó chọn nội dung sát sườn cho từng đối tượng. Cùng với đó, việc tinh gọn bộ máy hành chính, giảm mô hình chính quyền địa phương xuống còn hai cấp nên công tác PBGDPL khá vất vả. Có thông tin mới tuyên truyền hôm nay, mai đã thay đổi.
"Cuộc cách mạng khoa học 4.0 cũng đang tạo cho người dân, cán bộ có nguồn thông tin đa chiều. Khi người dân, cán bộ không cập nhật đúng thông tin có thể gây nhiễu loạn, hiểu sai về chính sách của Đảng. Việc này đòi hỏi người làm công tác tuyên truyền viên, báo cáo viên, phải đánh giá một cách tương thích, khách quan nhất để PBGDPL phù hợp với chính sách" - luật sư Nguyễn Văn Hà nói.
![]() |
Luật sư Nguyễn Văn Hà, phổ biến nâng cao kiến thức pháp luật cho nhân viên, cán bộ. |
Hướng khắc phục trong Kỷ nguyên mới
Tiến sĩ Lê Vệ Quốc (Cục trưởng Cục PBGDPL&TGPL) cũng nhìn nhận công tác TGPL vẫn đang đối mặt nhiều thách thức dù hoạt động trợ giúp pháp lý (TGPL) luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao từ lãnh đạo Bộ Tư pháp và các bộ, ngành, địa phương.
Khó khăn đầu tiên ông cho rằng là về thể chế. Mặc dù thể chế TGPL đã được xây dựng khá đầy đủ (từ luật, nghị định, thông tư) nhưng vẫn còn quy định chưa thật đồng bộ, không phù hợp với thực tiễn.
Đội ngũ người thực hiện TGPL tại nhiều địa phương còn non trẻ, chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng; chất lượng vụ việc tư vấn pháp luật và đại diện ngoài tố tụng chưa được quan tâm đúng mức;… đặc biệt là nhận thức về quyền và quy định pháp luật của người dân, nhất là nhóm người dễ bị tổn thương như trẻ em, người dân tộc thiểu số, người nghèo, người khuyết tật, vẫn còn hạn chế, thậm chí có trường hợp vì tâm lý “e ngại”, “sợ mang tiếng xấu”, “sợ bị trả thù”, do thói quen, phong tục nên họ không yêu cầu TGPL.
Theo báo cáo của các địa phương, năm 2024, các Trung tâm TGPL Nhà nước đã thụ lý mới 39.641 vụ việc, đã kết thúc 37.343 vụ việc cho 37.343 lượt người thuộc diện TGPL (tăng 13% so với cùng kỳ năm 2023).
Tiếp theo là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong TGPL; cơ sở vật chất, kinh phí, trang thiết bị và nguồn lực dành cho công tác TGPL ở một số nơi chưa đáp ứng được tính đặc thù của công tác này…
Dù vậy, ông Quốc đánh giá cao nỗ lực của cán bộ ngành TGPL trong việc vượt khó, hoàn thành sứ mệnh nhân văn “bảo vệ người yếu thế” theo chủ trương Đảng, Nhà nước. TGPL không chỉ hỗ trợ pháp lý mà còn góp phần phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân.
![]() |
Tiến sĩ Lê Vệ Quốc cho rằng công tác PBGDPL chưa được sự quan tâm đúng mức ở một số cơ quan, tổ chức. |
Nhằm khắc phục tồn tại, hạn chế, hướng tới mục tiêu thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội theo Nghị quyết số 27-NQ/TW; Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị và và trong Kỷ nguyên mới, ông Lê Vệ Quốc cho hay, Bộ Tư pháp sẽ tham mưu thực hiện đồng bộ các giải pháp như:
Sửa đổi Luật PBGDPL; cùng với việc nghiên cứu, làm rõ nội hàm của văn hóa tuân thủ pháp luật, cần đưa văn hóa tuân thủ pháp luật thành nội dung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035, góp phần xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người Việt Nam, có đạo đức, nhân cách, lối sống tốt, văn minh và văn hóa tuân thủ pháp luật. Nhà nước pháp quyền XHCN của Kỷ nguyên mới, văn hóa và pháp luật có mối quan hệ biện chứng khăng khít, con người.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác PBGDPL; Phát triển đội ngũ cán bộ tham mưu công tác PBGDPL theo hướng chuyên nghiệp; tăng cường đa dạng hóa nguồn lực xã hội tham gia công tác PBGDPL.
Riêng trong lĩnh vực TGPL, Cục PBGDPL&TGPL cũng nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc góp phần thực hiện các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao cho Bộ, Ngành Tư pháp. Vì vậy, Cục đang chủ động nghiên cứu và triển khai thực hiện nội dung về TGPL tại các Nghị quyết của Đảng (trong đó, có Nghị quyết số 27-NQ/TW; Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm để vừa thực hiện hiệu quả Luật TGPL năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành; vừa nghiên cứu xây dựng hoàn thiện thể chế TGPL) nhằm khắc phục những hạn chế, đáp ứng yêu cầu của Kỷ nguyên mới.
Và để góp phần thực hiện thành công các chính sách an sinh xã hội của đất nước, Cục đang tích cực triển khai nội dung TGPL trong 5 Chương trình mục tiêu quốc gia (về: giảm nghèo; phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; nông thôn mới; phòng chống ma túy; phát triển văn hóa).
Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, đơn vị có liên quan trong việc đổi mới công tác TGPL trong phạm vi toàn quốc, nhất là khi triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp, xóa bỏ cấp huyện, hợp nhất các xã.
“Thực hiện theo kết luận và chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm sau buổi làm việc với Bộ Tư pháp hồi tháng 11/2024, Cục PBGDPL&TGPL đã ban hành Kế hoạch triển khai nhiệm vụ được giao về ‘đổi mới công tác PBGDPL, xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật trong cán bộ, Nhân dân’. Vừa qua Cục đã tổ chức Hội thảo bàn về nội hàm và tiêu chí đánh giá, đo lường văn hóa tuân thủ pháp luật. Trên cơ sở cắt nghĩa, làm rõ nội hàm của văn hóa tuân thủ pháp luật, gắn với yêu cầu bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, để tham mưu Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giải pháp thực hiện công tác PBGDPL được hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tiễn”, Cục trưởng Lê Vệ Quốc nói.