Nhảy đến nội dung

Chuyện lạ ở nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới: 5 triệu cụ già trên 70 tuổi vẫn đi làm kiếm sống, 60 tuổi được coi là 'trẻ'

Già hóa dân số chính là lý do trực tiếp dẫn đến sự gia tăng việc làm của người cao tuổi Nhật Bản - nơi tỷ lệ và mức độ già hóa xếp vào loại cao nhất thế giới.

Tại công ty kinh doanh thiết bị nhà bếp Tenpos Holdings, ông Keno Nagasaki, 82 tuổi, không chỉ phụ trách mảng bảo hiểm lao động, mà còn tham gia đào tạo và hướng dẫn an toàn cho các nhân viên lớn tuổi khác. Ông Nagasaki từ bỏ nghiệp nhà giáo, chuyển sang lĩnh vực kinh doanh khi ngoài 50 tuổi và gia nhập Tenpos vào năm 2006.

“Tôi không lo ngại chênh lệch tuổi tác. Tôi muốn tiếp tục làm việc, miễn là còn sự tò mò”, ông nói.

Ngay từ khi thành lập năm 1997, Tenpos vốn gặp khó khăn trong tuyển dụng. Đến năm 2005, công ty quyết định loại bỏ độ tuổi nghỉ hưu. Kết quả, hơn 30% nhân viên tại công ty chính hiện nay từ 60 tuổi trở lên.

“Người 60 tuổi bây giờ vẫn được coi là trẻ. Trong thời đại thiếu hụt lao động, các nhà quản lý cần biết cách tìm ra những ‘người cao tuổi có giá trị”, Chủ tịch kiêm người sáng lập công ty, ông Atsushi Morishita, 78 tuổi, nhận định.

Nghỉ hưu ở tuổi 60 từng là quy chuẩn tại hầu hết các công ty Nhật. Tuy nhiên, kể từ năm 2013, luật lao động sửa đổi yêu cầu các doanh nghiệp phải giữ lại nhân viên có nguyện vọng làm việc đến 65 tuổi. Từ năm 2021, Chính phủ tiếp tục thúc đẩy các công ty tạo điều kiện việc làm cho người lao động tới 70 tuổi tại các khu vực đặc biệt thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng.

Tại công ty dịch vụ bảo trì Seisei Server ở tỉnh Shizuoka, khoảng 25% trong số 380 nhân viên hiện nay đã ngoài 70. Quy định về tuổi nghỉ hưu từ năm 2021 đã được công ty này bãi bỏ.

“So với lao động trẻ vốn có tỷ lệ nghỉ việc cao, người lớn tuổi làm việc lâu dài mới là trụ cột”, Chủ tịch Kimino Osada cho biết.

Theo khảo sát năm 2023 của Bộ Lao động Nhật Bản với khoảng 230.000 doanh nghiệp, 42% cho phép nhân viên làm việc tới 70 tuổi hoặc lâu hơn - gấp đôi tỷ lệ năm 2013. Tính đến năm ngoái, số người trên 70 tuổi đang đi làm đã tăng 70% so với năm 2014.

Tỷ lệ lao động từ 65 tuổi trở lên hiện chiếm trung bình 14% trên toàn quốc, trong đó được ghi nhận nhiều nhất tại các ngành chăm sóc y tế và xây dựng. Sự hiện diện của nhóm người cao tuổi này đang dần tạo ra thay đổi trong cách tổ chức và đánh giá công việc.

Tại hệ thống viện dưỡng lão Gashouen, khoảng 15% nhân viên đã trên 70 tuổi. Họ được phân công làm việc vào ban ngày với khối lượng nhẹ nhàng theo chế độ ca ngắn, từ 2–3 buổi mỗi tuần tùy thể trạng. Người làm việc từ 20 giờ/tuần trở lên được xếp vào nhóm hợp đồng, hưởng mức lương giờ cao hơn so với lao động thời vụ.

“Không thể ép người vào khuôn mẫu. Phải có giờ làm linh hoạt, phù hợp với năng lực”, Chủ tịch Kazushige Mori nhấn mạnh.

Theo thống kê, hiện có 5,4 triệu người Nhật từ 70 tuổi trở lên vẫn đang tham gia vào lực lượng lao động. Già hóa dân số chính là lý do trực tiếp dẫn đến sự gia tăng việc làm của người cao tuổi Nhật Bản - nơi tỷ lệ và mức độ già hóa xếp vào loại cao nhất thế giới. Hiện tượng già hóa dân sẽ kéo theo 2 tác động: Chi phí sinh hoạt của người cao tuổi tăng lên và cân bằng cung cầu lung lay trên thị trường lao động

Nguyên nhân thứ hai dẫn đến thực tế nhiều người già ở Nhật vẫn đi làm sau khi nghỉ hưu chính là mức độ chăm sóc y tế và phúc lợi xã hội. Nhiều chuyên gia giải thích mức độ chăm sóc y tế và phúc lợi xã hội ở Nhật Bản rất cao nên tuổi thọ trung bình của người dân được kéo dài, từ đó khiến người già sống lâu hơn và cần nhiều lương hưu cũng như chi phí y tế hơn để duy trì cuộc sống.

Một người đàn ông 66 tuổi đến Trung tâm việc làm Hello Work để điền vào đơn đăng ký, chia sẻ: “Tôi muốn làm việc cho đến khi tôi 70 tuổi. Tôi sẽ kiệt sức nếu cứ ở nhà suốt. Ý nghĩ phải ngừng làm việc hoàn toàn khiến tôi cảm thấy bất an”.

Tại Hello Work, hơn 100 người tìm đến quầy tư vấn mỗi ngày. Đại diện của trung tâm này cho biết: “Chúng tôi tiếp nhận nhiều người ở độ tuổi 70 và 80. Những người già đến trung tâm để tìm kiếm việc làm toàn thời gian, thay vì bán thời gian”.

Theo Nikkei, hiện nay, rất nhiều người tìm việc ở Nhật Bản đã qua tuổi nghỉ hưu truyền thống. Khi so sánh số lượng người tìm việc năm 2023 với 10 năm trước đó, nhóm người trong độ tuổi từ 25 – 29 giảm từ 196.000 xuống còn 100.000 người, trong khi nhóm trên 65 tuổi lại tăng từ 140.000 lên 256.000 người.

“Người cao tuổi rất ưa chuộng công việc văn phòng. Nhưng họ thường phải nhận công việc dọn dẹp vệ sinh hoặc quản lý chung cư”, đại diện của Trung tâm việc làm Hello Work, cho biết.

Dựa trên các xu hướng gần đây, tỷ lệ người cao tuổi của Nhật Bản được dự báo sẽ tiếp tục tăng, đạt tỷ lệ 34,8% trên tổng dân số vào năm 2040, theo Viện nghiên cứu An sinh xã hội và dân số Quốc gia Nhật Bản. Trong khi đó, một nghiên cứu gần đây ước tính rằng nếu dựa trên các xu hướng nhân khẩu học trong thời gian qua, tổng lực lượng lao động của Nhật Bản có thể giảm từ khoảng 69,3 triệu người vào năm 2023 xuống còn khoảng 49,1 triệu người vào năm 2050.

Chính phủ Nhật Bản, nhận thức rõ tác hại kinh tế và xã hội tiềm tàng từ những xu hướng này, đã thực hiện các biện pháp. Một số chính sách đã được triển khai nhằm đảo ngược tỷ lệ sinh đang trên đà suy giảm, chẳng hạn như cung cấp thêm kinh phí cho việc nuôi dạy trẻ em hay tăng cường hỗ trợ các cơ sở chăm sóc trẻ nhỏ trên toàn quốc. Chính quyền các địa phương thậm chí còn hỗ trợ các ứng dụng hẹn hò công khai nhằm mục đích khuyến khích người trẻ kết hôn và sinh con.

Theo: Nikkei Asia, Japan Times

 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn