Nhảy đến nội dung

Chuyển khoản nhầm gần 500 triệu, người nhận tiền kiểm tra tài khoản ngân hàng và nói: "Tôi chỉ có thể trả lại 170 triệu"

Một người đàn ông tên Trương (người Trung Quốc) đã vô tình chuyển nhầm 138.000 nhân dân tệ (~500 triệu VNĐ) vào tài khoản của một cựu đồng nghiệp.

Sự việc xảy ra vào ngày 17/1/2025, khi ông Trương nhận được lời đề nghị vay tiền từ một người bạn thân tên Long. Người này cho biết đang gặp khó khăn tài chính và cần vay 150.000 nhân dân tệ (~540 triệu VNĐ) để xoay xở.

Ông Trương đồng ý giúp và quyết định chuyển tiền qua ứng dụng ngân hàng, chia thành hai đợt để đảm bảo an toàn. Lần đầu, ông chuyển 12.000 nhân dân tệ (~40 triệu VNĐ) và người bạn xác nhận đã nhận được tiền. Ngay sau đó, ông tiếp tục chuyển số còn lại là 138.000 nhân dân tệ (~500 triệu VNĐ).

Tuy nhiên, trong lần chuyển tiền thứ hai, do chủ quan, ông Trương đã không kiểm tra kỹ thông tin người nhận và nhanh chóng hoàn tất giao dịch. Chỉ đến khi người bạn gọi điện báo chưa nhận được tiền, ông mới hoảng hốt kiểm tra lại lịch sử giao dịch và phát hiện mình đã chuyển nhầm cho người khác, một đồng nghiệp cũ cũng tên Long.

Ngay lập tức, ông liên hệ với người đồng nghiệp cũ. Người này xác nhận đã nhận được số tiền và tỏ ý sẵn lòng hoàn trả. Tuy nhiên, khi kiểm tra tài khoản, anh ta phát hiện chỉ còn lại 47.000 nhân dân tệ (~170 triệu VNĐ) vì 91.000 nhân dân tệ (~320 triệu VNĐ) còn lại đã bị ngân hàng tự động khấu trừ để trả khoản vay mua nhà đã quá hạn hơn hai năm.

Người đồng nghiệp cho biết hiện cũng đang gặp khó khăn tài chính và chỉ có thể trả lại phần còn lại trong tài khoản. Tình huống này khiến ông Trương rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan khi muốn đòi lại tiền nhưng lại vấp phải nhiều rào cản pháp lý.

Khó khăn đầu tiên là vấn đề khởi kiện. Dù người nhận tiền không phủ nhận việc đã nhận và đồng ý hoàn trả, nhưng thực tế lại không có khả năng chi trả. Thứ hai, khi ông Trương trình báo sự việc cho công an, cơ quan chức năng cho biết vì người nhận không có ý chiếm đoạt nên không thể xử lý hình sự, chỉ có thể khởi kiện dân sự nếu muốn đòi lại tiền. Thứ ba, ông Trương hy vọng ngân hàng có thể hỗ trợ vì số tiền bị khấu trừ không phải tài sản hợp pháp của người nhận, nhưng đến nay, sau hơn một tháng kể từ khi sự việc được báo cáo, ngân hàng vẫn chưa đưa ra phản hồi cụ thể.

Phía ngân hàng Trung Quốc – nơi ông Trương thực hiện giao dịch – xác nhận đã báo cáo sự việc lên cấp trên nhưng vẫn đang chờ hướng dẫn xử lý. Đại diện ngân hàng khẳng định việc khấu trừ khoản vay là hợp pháp vì tiền nằm trong tài khoản của người vay, bất kể nguồn gốc từ đâu.

Sự việc này đã dấy lên nhiều tranh luận gay gắt trên mạng xã hội Trung Quốc. Một số ý kiến cho rằng lỗi hoàn toàn thuộc về ông Trương vì không kiểm tra kỹ thông tin trước khi chuyển tiền. Ngược lại, cũng có người đặt câu hỏi về tính hợp lý của việc ngân hàng tự động khấu trừ số tiền rõ ràng là chuyển nhầm.

Dù tranh cãi ra sao, đây vẫn là một bài học đắt giá về sự cẩn trọng trong giao dịch tài chính điện tử. Chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể dẫn đến thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Trường hợp của ông Trương không chỉ gây mất mát về tiền bạc mà còn đẩy ông vào tình thế khó xử về cả mặt pháp lý lẫn tình cảm. Nếu không muốn làm lớn chuyện hay khởi kiện người quen, có lẽ ông chỉ còn cách chờ... đến khi người kia có khả năng hoàn trả.

Vụ việc này là lời cảnh báo nghiêm khắc cho bất kỳ ai đang sử dụng ứng dụng ngân hàng trực tuyến. Việc kiểm tra kỹ lưỡng tên tài khoản, số tài khoản và thông tin người nhận trước khi chuyển tiền là điều bắt buộc, nếu không muốn phải trả giá bằng tài chính và tinh thần.

Theo Toutiao