Chuyện ít biết về hành trình may cờ Tổ quốc cho chiến thắng Buôn Ma Thuột

TPO - Để có lá cờ đỏ sao vàng tung bay ngay sau chiến thắng Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), các chiến sĩ cách mạng đã xây dựng cơ sở trong lòng địch, thậm chí đổ máu hy sinh để bảo vệ.
Trong không khí hân hoan kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), PV được gặp bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (83 tuổi, trú phường Tân Thành, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk). Bà là người tham gia may cờ Tổ quốc cho chiến thắng Buôn Ma Thuột.
![]() |
Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan chia sẻ nhiệm vụ may cờ Tổ quốc |
Bà Lan quê ở Bình Định. Chứng kiến bom đạn kẻ thù giày xéo quê hương, năm 1966, khi tròn 24 tuổi, bà Lan thoát ly theo cách mạng.
Gia đình bà có 5 người theo cách mạng. Có người ra Bắc, người ở lại hoạt động bí mật rồi hy sinh. Còn bà dạt vào rừng theo đoàn lên Đắk Lắk và được phân công về Tổ may mặc, Ban Kinh tài hoạt động tại H4 (nay là huyện Krông Búk, Krông Năng và thị xã Buôn Hồ).
Ban đầu, tổ may mặc chỉ may quần áo, mũ tai bèo, túi đựng gạo, balô… Đến năm 1967, tổ nhận thêm nhiệm vụ may cờ Tổ quốc.
“Tổ may mặc gồm 3 người. Tôi là người trẻ nhất nên được giao nghiên cứu chiếc huy hiệu có hình cờ Tổ quốc. Thời đấy là may cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam có hình ngôi sao vàng trên nền cờ đỏ và xanh dương. Tôi dùng giấy Poluya thiết kế cờ Tổ quốc theo quy chuẩn dài 1,2m, rộng 0,8m”, bà Lan nhớ lại.
![]() |
Bà Lan bên lá cờ Tổ quốc |
Với bà Lan, hành trình tìm vải may cờ rất gian nan bởi thời điểm đó, địch kiểm soát rất gắt gao. Rất may, các chiến sĩ cách mạng của ta đã xây dựng được cơ sở trong lòng địch, đưa được vải từ bên ngoài vào căn cứ thông qua Đồn điền Rosi (Buôn Hồ).
“Mỗi tổ có nhiệm vụ khác nhau. Có tổ đưa vải về cất giấu bí mật dưới các hố cà phê. Sau đó, tổ của tôi sẽ đi lấy về may. Trong một lần theo tổ đi lấy hàng thì bị phục kích, tôi bị bắn ở chân”, bà Lan nhớ lại.
Có vải trong tay, Tổ may mặc tranh thủ may cờ Tổ quốc cả ngày lẫn đêm. Để địch không phát hiện, bà dùng vải che bớt ánh đèn dầu, cứ thế cặm cụi may trong đêm. Nhờ có sự phòng bị, cờ may tới đâu đem giấu tới đó. Địch ập tới khám xét, chỉ thu đầu máy may.
![]() |
Bà Lan mong muốn thế hệ trẻ khắc ghi lịch sử dân tộc, gìn giữ non sông Tổ quốc. |
Với bà, may cờ Tổ quốc là nhiệm vụ thiêng liêng. Mỗi khi nhắc lại, bà vẫn vẹn nguyên cảm xúc: “Có những lúc, chúng tôi may cờ Tổ quốc cả ngày đêm. Tuy vất vả nhưng cứ nghe tin chỗ này chỗ kia bộ đội ta giành chiến thắng, tôi thêm tin ngày Đắk Lắk giải phóng đang đến gần. Cuối cùng ngày tôi mong đợi đã đến. Ngày 10/3/1975, Buôn Ma Thuột được giải phóng. Biết tin cờ đỏ sao vàng tung bay trong thời khắc lịch sử ấy, tôi rất tự hào”.
![]() |
Bà Lan tự hào khi trở thành một chiến sĩ cách mạng. |
50 năm đã trôi qua, nhưng trong trái tim bà Lan, cảm xúc về ngày chiến thắng vẫn vẹn nguyên. Lá cờ Tổ quốc không chỉ là biểu tượng của độc lập, tự do, mà còn là minh chứng cho lòng yêu nước và sự hy sinh cao cả của những người con đất Việt.
Bà Lan luôn mong muốn thế hệ trẻ khắc ghi lịch sử dân tộc, trân trọng những hy sinh của cha ông, và nỗ lực hết mình để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.