Nhảy đến nội dung

Chuyên gia tâm lý: Lãnh đạo cấp càng cao kết nối càng bị thực dụng, đây là bài học giao tiếp khôn khéo “chạm nhẹ, không ồn”

Tại sao lãnh đạo càng lên cao kết nối càng thiếu chiều sâu?

Trong mắt hầu hết mọi người, trở thành nhà lãnh đạo đồng nghĩa với việc có địa vị cao hơn, nhiều quyền lực hơn và khả năng networking tốt hơn. Tuy nhiên, hiện tượng mối quan hệ của lãnh đạo trở nên thực dụng lại không phải hiếm trong thực tế. Nếu họ mở lòng ra để chia sẻ, người khác sẽ dùng nó để mặc cả hoặc khai thác. Mối quan hệ chỉ dừng ở lợi ích mà không có chiều sâu. Vậy tại sao một số lãnh đạo cao cấp lại rơi vào tình trạng này?

Thạc sĩ Dương Việt Anh, người có hơn 11 năm là Chuyên gia huấn luyện Điều hướng hành vi, cho các lãnh đạo, nhà quản trị chỉ ra những lý do và bài học khiến nhiều lãnh đạo cảm giác bị cô lập giữa chính những mối quan hệ mà họ đang sở hữu.

Nguyên nhân có thể xuất phát từ những điều sau đây:

“Nghi ngờ thụ động” và thiếu vùng đệm tâm lý

Càng lên cao, những người ở vị trí lãnh đạo lại càng dễ bị hiểu lầm. Sự thành đạt và kín tiếng của họ thường tạo ra cảm giác “người này đang theo đuổi một mục đích mà tôi không biết”. Trong các buổi họp, đối tác có thể dè chừng, nhân sự dưới quyền có thể không dám nói thật.

Mặt khác, vì sợ bị đánh giá, bị khai thác, mà chính lãnh đạo cũng không dám để lộ phần dễ bị tổn thương – thứ vốn là điểm chạm mạnh mẽ nhất trong mọi kết nối người với người. Họ khát khao một dạng “kết nối không phòng thủ” – nơi họ được là chính mình – nhưng lại vô thức phủ nhận quyền được sống thật, nói thật của chính bản thân.

 

Ths Dương Việt Anh trong buổi ra mắt sách tâm lý học hành vi “Cáo, bò tót và chùm nho”.

Trong hành vi học, vùng kết nối cảm xúc còn gọi là “buffer zone” – vùng đệm tâm lý giữa hai con người. Khi vùng này biến mất, giao tiếp trở nên nặng chức năng, thiếu tín hiệu thật. Người ta chỉ đến với nhau vì cần một chữ ký, một quyết định – không phải vì tin tưởng cá nhân.

Mối quan hệ không có vùng đệm tâm lý, không có không gian để mắc lỗi, để bộc lộ sự chưa hoàn hảo mà không sợ bị khai thác hay đánh giá là lý do dẫn tới mối quan hệ thiếu chiều sâu.

Tự cô lập vì “vai diễn lãnh đạo” không bao giờ nghỉ

Nhiều lãnh đạo sống khép kín, nhưng lại phải luôn “diễn vai” người đứng đầu khi xuất hiện. Họp, ký tên, gửi danh thiếp, mọi việc đều logic, hợp lý – nhưng thiếu cảm xúc, khiến giao tiếp trở nên nặng hình thức. Nhà quản lý dạng này thường từ chối những cuộc trò chuyện nhỏ nhặt (small talk), dù chính những chi tiết nhỏ ấy lại thường ẩn giấu “tín hiệu lớn” từ nhân viên hoặc đối tác – những điều không ai dám nói rõ ra.

Kết quả là, lãnh đạo dù cho rất giỏi ra quyết định, nhưng trở nên thiếu hiệu quả trong việc đọc các chuyển động, thông điệp ngầm. Điều này rất quan trọng để tránh khủng hoảng hoặc hiểu sai tín hiệu từ nội bộ.

Bài học mới: Chạm nhẹ nhưng sâu, kết nối không ồn mà bền

Theo Ths Dương Việt Anh, điều lãnh đạo cấp cao cần không phải là thêm một khóa học về phương pháp networking. Họ cần một cách tư duy khác: kết nối hiệu quả không đến từ tần suất, mà từ tần số, đưa đúng tín hiệu ở đúng thời điểm.

1. Hiện diện như người quan sát, không phải người kiểm soát

Lãnh đạo giỏi không làm căn phòng im lặng khi bước vào. Họ khiến căn phòng thở đều hơn.

Hãy xuất hiện như người lắng nghe để hiểu, không phải người đến để đánh giá. Chỉ một hành động đơn giản như hạ nhịp bước chân, giảm tốc độ phản ứng, hay ánh mắt quan sát không phán xét… cũng đủ tạo nên vùng an toàn để người khác dám bộc lộ.

Sự hiện diện “vô hại” giúp người đối diện thả lỏng và cho ra những tín hiệu chân thật hơn. Từ đó, lãnh đạo không cần hỏi quá nhiều, nhưng vẫn hiểu được điều cần hiểu.

2. Đừng tự xưng vai, hãy để người khác gán vai cho bạn!

Càng nói về bản thân, bạn càng bị đóng khung. Ở tầng C-level, quyền lực thật không nằm ở chức danh được giới thiệu, mà ở cảm nhận của người khác sau tương tác.

Thay vì khẳng định "tôi là người có kinh nghiệm xử lý khủng hoảng", hãy kể một ví dụ về kinh nghiệm của bản thân đúng thời điểm, đủ sâu để người ta ngầm hiểu. Ảnh hưởng thật đến từ sự tinh tế, không đến từ lời khẳng định.

3. Lắng nghe sâu những điều người khác không muốn bạn biết

Cấp dưới không bao giờ nói thẳng điều họ thật sự lo. Nhưng họ để lộ qua biểu cảm lệch nhịp, cách "lỡ lời", hoặc nói nhiều về một điều tưởng như nhỏ.

Một nhân sự thốt lên: “Hình như sếp gần đây tránh né việc lớn…”, đây không chỉ là than vãn. Đó là tín hiệu của sự thất vọng, là lời cảnh báo ngầm đang tìm chỗ phát nổ.

Người lãnh đạo nên học cách nghe “vô thức có chủ đích” những tín hiệu tưởng ngẫu nhiên nhưng ẩn chứa dữ liệu chiến lược về niềm tin, sự lệch kỳ vọng hoặc phản kháng mềm.

4. Xây thương hiệu qua lời người khác

Tự PR ở tầng cao thường phản tác dụng. Nhưng khi người thứ ba kể về bạn như “người từng xử lý tình huống khó nhất mà vẫn giữ được đội ngũ”, giá trị của bạn lan đi nhanh chóng và bền vững.

Hãy gieo trải nghiệm đủ sâu để người khác muốn kể về bạn.

Trong thế giới lãnh đạo cấp cao, uy tín không nằm trong hồ sơ LinkedIn, mà nằm trong ký ức của người từng chạm vào bạn.

5. Gửi tín hiệu để được nhớ, không cần xuất hiện liên tục

Không ai nuôi được 100 mối quan hệ bằng “coffee và call”. Nhưng bạn có thể giữ một kết nối chiến lược bằng một tin nhắn đúng lúc, một lời hỏi thăm trúng thời điểm, một gợi ý bất ngờ.

Sự hiện diện thông minh không cần ồn ào. Chỉ cần đúng lúc, đúng tầng sóng.

Lãnh đạo thế hệ mới không cần là người to tiếng nhất phòng họp. Họ chỉ cần là người đủ tĩnh để đọc được tín hiệu ẩn, đủ tinh để chạm đúng người đúng lúc, và đủ sâu để gây ảnh hưởng mà không cần xưng danh.

Khi thế giới vận hành bằng tốc độ và dữ liệu, thì kết nối thật lại cần chậm, cần người, và cần sự hiện diện tối giản. “Ít đi” và “sâu hơn” chính là giải pháp.