Nhảy đến nội dung
 

Chuyên gia AI hàng đầu Microsoft đầu quân cho Trung Quốc

Mùa hè năm nay, chuyên gia AI Alex Lamb sẽ gia nhập Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) với tư cách Trợ lý Giáo sư.

Quyết định của Alex Lamb – chuyên gia AI hàng đầu tại Microsoft – cho thấy xu hướng đến Trung Quốc tìm kiếm cơ hội của các nhân tài công nghệ thế giới. Theo CTOL Digital Solutions, việc Lamb chuyển từ vị trí cấp cao tại Microsoft Research sang Đại học Thanh Hoa báo hiệu những thay đổi tiềm năng trong bức tranh nghiên cứu AI toàn cầu.

Một đồng nghiệp của Lamb cho biết mùa hè năm nay đánh dấu “chương mới” cho nhà khoa học. Ông sẽ công tác tại cả Cao đẳng AI (CAI) và Khoa Khoa học máy tính tại Đại học Thanh Hoa.

CAI thành lập tháng 4/2024 dưới sự lãnh đạo của Andrew Yao Chi-Chih, nhà khoa học máy tính nổi tiếng thế giới. Ông rời Mỹ hai thập kỷ trước để tập trung giảng dạy. Tháng 7/2024, CAI đăng quảng cáo tuyển dụng, kêu gọi các chuyên gia AI hàng đầu đầu quan để giúp thúc đẩy "các lý thuyết và kiến trúc nền tảng cốt lõi của AI" và "thúc đẩy tích hợp AI với các lĩnh vực khác nhau".

Các nguồn tin xác nhận Lamb đã bắt đầu học tiếng Trung trước khi “nhảy việc”, cho thấy cam kết gắn bó với môi trường học thuật. Ông đang tìm kiếm những sinh viên xuất sắc tại Trung Quốc.

Sự nghiệp của Lamb gắn liền với những nghiên cứu đột phá và thành tựu rực rỡ. Sau khi tốt nghiệp Đại học Johns Hopkins, ông lấy bằng tiến sĩ tại Viện Thuật toán Montreal thuộc Đại học Montreal.

Ông được Yoshua Bengio – nhà khoa học thắng giải thưởng Turing – dẫn dắt trong quá trình học tiến sĩ. Điều này giúp ông trở thành một trong những ngôi sao mới nổi trong lĩnh vực AI.

Lamb đã làm việc tại những phòng nghiên cứu AI có ảnh hưởng nhất thế giới. Tại Amazon, ông phát triển thuật toán máy học dự đoán nhu cầu sản phẩm tương lai. Ông thực tập tại Google Brain (Mỹ) và Preferred Networks (Nhật Bản). Gần đây nhất, ông là nhà nghiên cứu cao cấp tại Microsoft Research. Các công trình nghiên cứu của ông cũng được đánh giá cao, trong đó công trình “Deep Learning for Classical Japanese Literature” dẫn đến sự ra đời của KuroNet, hệ thống nhận diện ký tự tiếng Nhật cổ.

Lamb đến Trung Quốc giữa lúc Mỹ cắt giảm tài trợ chưa từng có đối với nghiên cứu khoa học tại Mỹ. Quỹ Khoa học Quốc gia đối mặt với việc cắt giảm 50% nhân viên và thiếu hụt ngân sách hàng tỷ USD, anrh hưởng đến hơn 10.000 khoản tài trợ nghiên cứu hàng năm. Tương tự, Viện Y tế Quốc gia có thể mất khoảng 40% trong ngân sách 47 tỷ USD, khiến vô số dự án nghiên cứu có nguy cơ bị hủy bỏ và đe dọa sa thải hàng loạt nhà khoa học.

Trong khảo sát hồi tháng 3 do tạp chí khoa học Nature thực hiện, 75% nhà khoa học cho biết họ cân nhắc rời Mỹ để tìm việc tại châu Âu và Canada.

Ngược lại, Trung Quốc đang đặc biệt chú trọng đến thu hút nhân tài và đầu tư chiến lược trong lĩnh vực khoa học công nghệ, nhất là AI. Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh nằm trong top 10 học viện toàn cầu có số lượng các tác giả nghiên cứu được chấp nhận tại NeurIPS, một trong những hội nghị uy tín nhất về AI.

Chính phủ Trung Quốc cam kết đầu tư 1,4 nghìn tỷ USD vào công nghệ, ưu tiên phát triển AI. Cách tiếp cận này giúp sản sinh những tên tuổi mới như DeepSeek. Theo một nhà khoa học AI, Bắc Kinh tạo ra “môi trường nơi các nhà nghiên cứu có thể tập trung vào các công trình dài hơi với nguồn vốn ổn định. Với nhiều nhà nghiên cứu, đặc biệt những ai đang làm trong các vấn đề cơ bản cần tài trợ bền vững, sự ổn định đó ngày càng hấp dẫn”.

Đầu tháng này, các quan chức Bộ Khoa học và Thông tin Trung Quốc công bố quỹ quốc gia 60 tỷ NDT, rót vốn giai đoạn đầu vào các dự án AI.

(Theo CTOL)