Nhảy đến nội dung

Chuyện gì đang xảy ra giữa Ấn Độ và Pakistan?

Cuộc không kích của Ấn Độ rạng sáng 7/5 vào lãnh thổ Pakistan và khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát, đẩy căng thẳng song phương lên mức báo động.

Quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan tiếp tục leo thang sau khi New Delhi cáo buộc Islamabad đứng sau một vụ tấn công gây chết người tại khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát. Vụ việc khiến ít nhất 26 người, chủ yếu là dân thường theo đạo Hindu, thiệt mạng, theo Guardian.

Chỉ 2 ngày sau vụ tấn công, các cuộc đấu súng xuyên biên giới đã bắt đầu nổ ra tại một khu đồng cỏ gần Pahalgam, thuộc phần lãnh thổ Kashmir do Ấn Độ kiểm soát.

Kể từ ngày 24/4, giao tranh về đêm liên tục diễn ra dọc theo Đường Kiểm soát, tức ranh giới phi chính thức chia cắt Kashmir thành hai phần do mỗi nước kiểm soát.

Chiến dịch Sindoor

Ngày 6/5, Ấn Độ tuyên bố tiến hành đợt không kích có tên “Chiến dịch Sindoor” nhằm vào các cơ sở hạ tầng trên lãnh thổ Pakistan và khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát. Theo phía Ấn Độ, chiến dịch này nhằm phá hủy các địa điểm được cho là nơi lên kế hoạch và chỉ đạo các vụ tấn công chống lại Ấn Độ.

Chính phủ Ấn Độ khẳng định trong một tuyên bố rằng họ đã nhắm vào 9 mục tiêu phi quân sự, đồng thời nhấn mạnh hành động của New Delhii là “tập trung, có tính toán và không mang tính leo thang”.

Video do quân đội Ấn Độ đăng tải trên mạng xã hội X còn kèm theo thông điệp ngắn gọn: “Công lý đã được thực thi”.

Tuy nhiên, phía Pakistan cho biết các cuộc tấn công đã khiến 8 người thiệt mạng, trong đó có một trẻ em, và 35 người khác bị thương. Người phát ngôn quân đội Pakistan gọi đây là “hành động hèn nhát” và cho rằng Ấn Độ đã tấn công 5 địa điểm dân sự trong lãnh thổ Pakistan.

xung dot Pakistan An Do anh 1

Một bé gái bị thương đang được điều trị tại cơ sở y tế ở Uri, Kashmir. Ảnh: Reuters.

Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif lên án mạnh mẽ hành động của New Delhi, gọi đây là “một hành động chiến tranh do Ấn Độ áp đặt” và khẳng định: “Pakistan có đầy đủ quyền để đáp trả một cách mạnh mẽ và chúng tôi đang thực sự thực hiện điều đó”.

Đáp trả lại các cuộc không kích, quân đội Pakistan tuyên bố đã bắn rơi ít nhất 2 máy bay chiến đấu của không quân Ấn Độ. Guardian dẫn lời một quan chức an ninh cấp cao giấu tên cho biết số máy bay bị bắn hạ có thể lên tới 3 chiếc.

Nguồn cơn xung đột

Kể từ năm 1947, Kashmir là khu vực tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan, khi cả hai quốc gia đều tuyên bố chủ quyền toàn bộ vùng lãnh thổ này, dù mỗi bên chỉ kiểm soát một phần, được phân tách bởi “đường kiểm soát” – một trong những biên giới quân sự hóa nghiêm ngặt nhất thế giới.

Nguồn gốc tranh chấp bắt đầu từ cuộc chia tách Ấn Độ thuộc địa vào năm 1947, khi vị quân vương của bang Jammu và Kashmir lựa chọn sáp nhập vào Ấn Độ, dù khu vực này có đa số dân cư theo đạo Hồi.

xung dot Pakistan An Do anh 2

Một nhóm binh sĩ Ấn Độ gác tại một chốt ở Kashmir. Ảnh: Reuters.

Ấn Độ và Pakistan đã hai lần phát động chiến tranh vì Kashmir, trong đó cuộc xung đột gần nhất xảy ra vào năm 1999; khu vực vẫn liên tục chứng kiến các phong trào nổi dậy vũ trang chống lại sự kiểm soát của New Delhi.

Chính phủ Ấn Độ cáo buộc Pakistan hậu thuẫn các phần tử vũ trang tại Kashmir, trong khi phía Pakistan phủ nhận và khẳng định chỉ ủng hộ về mặt ngoại giao và tinh thần đối với người dân Kashmir.

Năm 2019, chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi đã thu hồi quy chế tự trị đặc biệt của Kashmir, động thái gây phản ứng dữ dội tại địa phương khi cho phép người ngoài vùng mua đất, điều bị cho là nhằm thay đổi cơ cấu dân số Hồi giáo tại khu vực.

Nguy cơ đối đầu hạt nhân

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) António Guterres bày tỏ “quan ngại sâu sắc” trước các hành động quân sự của Ấn Độ vượt qua Đường Kiểm soát và biên giới quốc tế. Người phát ngôn của ông Guterres nhấn mạnh: “Thế giới chưa sẵn sàng cho một cuộc đối đầu quân sự giữa Ấn Độ và Pakistan”.

LHQ cũng kêu gọi hai nước kiềm chế tối đa nhằm tránh một cuộc xung đột toàn diện, đặc biệt trong bối cảnh cả Ấn Độ và Pakistan đều là các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.

xung dot Pakistan An Do anh 3

Tổng thư ký LHQ António Guterres. Ảnh: Reuters.

Bên cạnh đối đầu quân sự, căng thẳng ngoại giao cũng đang leo thang nhanh chóng. Cả hai quốc gia đã đưa ra hàng loạt biện pháp trừng phạt ngoại giao lẫn nhau, bao gồm việc hủy bỏ thị thực cho công dân của đối phương.

Trong một động thái đáng chú ý, Thủ tướng Ấn Độ Modi tuyên bố sẽ chấm dứt dòng nước chảy từ Ấn Độ sang các quốc gia láng giềng, trong đó có Pakistan. Đây là phản ứng tiếp theo sau khi Ấn Độ đơn phương đình chỉ một hiệp ước nước quan trọng với Islamabad.

Pakistan đã triệu tập phiên họp của Ủy ban An ninh Quốc gia vào sáng 7/5 để thảo luận các biện pháp phản ứng tiếp theo.

“Chúng tôi và các lực lượng của mình biết rất rõ cách đối phó với đối phương", Thủ tướng Sharif khẳng định. "Chúng tôi sẽ không bao giờ để đối phương đạt được các mục tiêu của mình".

Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế

Mục Thế giới giới thiệu cuốn “Quốc gia thăng trầm: Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế” được NXB Thế giới cho ra mắt vào năm 2018. Tác phẩm làm rõ sự phát triển và đi xuống của nền kinh tế thế giới từ cuối thập niên 1990 đến đầu những năm 2000. Cuốn sách vạch ra 10 quy luật để nhận diện về chu kỳ kinh tế dẫn đến vận mệnh tăng trưởng hay suy thoái của một quốc gia.

> Độc giả có thể xem thêm tại đây.