Chuyển đổi số ở Quảng Bình: Hồ sơ hành chính được xử lý trực tuyến vượt 94%

Nếu như trước đây, việc xóa mù chữ từng mở ra thời kỳ khai phóng trí tuệ Việt Nam, thì nay "Bình dân học vụ số" sẽ là cuộc cách mạng mới đưa tri thức số đến từng người dân, trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia.
Sáng nay 9.5, lễ phát động phong trào "Bình dân học vụ số" của Ban chỉ đạo về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tỉnh Quảng Bình tổ chức diễn ra với quy mô cấp tỉnh. Chương trình có sự tham gia của lãnh đạo tỉnh, đại diện các sở, ngành, địa phương, lực lượng thanh niên và đông đảo người dân từ hàng trăm điểm cầu cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Ngọc Quang, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, khẳng định phong trào "Bình dân học vụ số" được truyền cảm hứng và kế thừa từ phong trào "Bình dân học vụ" do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng cách đây gần 80 năm. Nếu như trước đây, việc xóa mù chữ từng mở ra thời kỳ khai phóng trí tuệ Việt Nam, thì nay "Bình dân học vụ số" sẽ là cuộc cách mạng mới về nhận thức, kỹ năng và hành động - đưa tri thức số đến từng người dân, từng ngõ xóm, từng cộng đồng, không để ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia.
Theo ông Quang, tỉnh Quảng Bình thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên lĩnh vực chuyển đổi số. Trong đó, 100% trung tâm xã đã có kết nối cáp quang; mạng 3G/4G phủ trên 98% dân cư, mạng 5G phủ gần 83% địa bàn TP.Đồng Hới.
Các lĩnh vực dữ liệu hộ tịch, y tế, giáo dục, đất đai được số hóa mạnh mẽ; hồ sơ hành chính được xử lý trực tuyến với tỷ lệ số hóa vượt 94%. Gần 8.000 cán bộ, công chức, người dân, doanh nghiệp đã tham gia học tập kỹ năng số trên nền tảng trực tuyến.
UBND tỉnh cũng đã ký kết hợp tác chiến lược với Tập đoàn Viettel để triển khai mô hình "Đảng bộ số - Chính quyền số". Vì thế, mục tiêu đến cuối năm 2025 là trang bị kỹ năng số thiết yếu cho ít nhất 80% cán bộ - công chức, 100% học sinh - sinh viên và 80% người dân trưởng thành.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, ông Quang yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể phải coi đây là nhiệm vụ trung tâm; mỗi địa phương, ngành phải có mô hình riêng, cách làm sáng tạo; phát huy vai trò của mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội, thanh niên, trí thức, doanh nghiệp công nghệ, trở thành những "đại sứ số". Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông, khơi dậy tinh thần "tự học, tự làm, tự chuyển đổi" trong cộng đồng.
"Thành công của phong trào này không chỉ là những con số báo cáo, mà phải là sự thay đổi thật sự trong nhận thức và hành động của từng người dân, hướng tới xây dựng Quảng Bình trở thành địa phương top đầu khu vực về chuyển đổi số", ông Quang kỳ vọng.
Ngay sau lễ phát động, ông Dương Công Đức (Giám đốc Trung tâm đô thị thông minh - Tổng công ty giải pháp doanh nghiệp, Tập đoàn Viettel) truyền đạt chuyên đề "Trí tuệ nhân tạo - công cụ phổ cập mới cho mỗi cán bộ, người dân và doanh nghiệp trong thời đại số" cho cán bộ, viên chức, người dân trong toàn tỉnh.