Chuyến đi xa đầu tiên trong thời bình của một thương binh

Thương binh Hoàng Văn Thìn (73 tuổi, Nghệ An) đã có chuyến đi xa đầu tiên trong thời bình khi được con gái đưa đến Đà Lạt (Lâm Đồng). Dù đây không phải nơi ông từng tham gia kháng chiến nhưng chuyến đi cũng đã để lại những kỷ niệm đẹp.
Câu chuyện sau khi đăng tải nhận nhiều lượt "thả tim" trên mạng xã hội. Ông Thìn đi lại vất vả, phải ngồi xe lăn. Chị Hoàng Trang (34 tuổi, con gái ông Thìn) thì biết cha còn ước nguyện thăm lại chiến trường xưa, đồng đội cũ, muốn đi xem lễ diễu binh, diễu hành nhưng tất cả đều khó thực hiện do vấn đề sức khỏe và đôi chân của ông không thể đi lại thoải mái. Vì thế, chị Trang quyết định đưa cha mẹ đi du lịch Đà Lạt để phần nào thỏa niềm mong mỏi đó.
Đưa người cha thương binh đi thăm Đà Lạt lần đầu
Chị Trang cho biết cha chị là thương binh, từ chiến trường trở về vẫn còn 13 mảnh đạn trong người, nhiều mảnh ở phổi, xương bánh chè… Trước đây, ông Thìn được các bác sĩ tư vấn mổ lấy ra nhưng biết sức khỏe của mình yếu và muốn xem những mảnh đạn đó như một phần xương máu, nên ông quyết định để nguyên.
Mỗi khi thời tiết thay đổi, các vết thương lại hành hạ ông Thìn. Ông còn bị bệnh viêm đa khớp, hai lần bị gãy chân, phải dùng nhiều thuốc giảm đau nên bị xơ gan cổ trướng. Hai năm trước, gia đình tưởng như mất hy vọng vì ông Thìn rất yếu, sụt gần 20 kg, không thể ăn uống và đi lại.
"Ngoài những địa điểm ở chiến trường xưa, cha tôi rất thích hoa, cây cảnh nên ông cũng ước mơ được đi Đà Lạt. Cha mẹ tôi chưa được đi máy bay lần nào, nên các con quyết tâm thực hiện chuyến đi đầu tiên này", chị Trang kể.
Ngày thực hiện chuyến đi xa đầu tiên, ông Thìn rất mệt, di chuyển khó khăn. Ông phải ngồi xe lăn nên khi qua cửa an ninh sân bay có chút bất tiện. May mắn, ông được các nhân viên hỗ trợ nhiệt tình nên có thể lên máy bay sớm. Dù mệt nhưng ông vẫn cố gắng, dùng sự háo hức để quên đi mệt mỏi, chụp hình cùng con cháu.
Ông Thìn chia sẻ chuyến đi Đà Lạt của ông với các con có nhiều ý nghĩa. Đó là chuyến đi xa đầu tiên của ông sau hơn 50 năm từ chiến trường trở về quê nhà.
"Tôi được đi tham quan những địa điểm nổi tiếng của Đà Lạt, những nơi chưa bao giờ nghĩ sẽ đặt chân đến. Sức khỏe tôi không còn được như trước nên việc thăm lại chiến trường xưa đành gác lại. Dù vậy, tình cảm dành cho đồng đội, những kỷ niệm một thời chiến đấu tôi sẽ không bao giờ quên. Chuyến đi Đà Lạt như bù đắp phần nào những ước mong mà bản thân chưa thực hiện được", người thương binh tâm tình.
Tình thương cha vô bờ
"Lần nào kể về chiến trường cũ, đọc sách báo hay xem ti vi về thời xưa, cha tôi cũng khóc nức nở. Tuy nhiên, vì sợ tốn kém tiền bạc, gây phiền hà cho con cái nên một chuyến đi xa mãi đến giờ mới thực hiện được. Cha tôi cũng hẹn ngày 2.9 tới đây, nếu có đủ sức khỏe sẽ đi xem cuộc diễu binh, diễu hành ở Hà Nội", chị Trang bày tỏ.
Với con gái, ông Thìn là người thương yêu vợ con, hiền lành, hài hước, được hàng xóm quý mến. Ký ức không thể quên trong lòng chị Trang là đêm trước ngày chị lên Hà Nội nhập học. Tối đó, trong lúc chuẩn bị lên xe, chị bất ngờ thấy cha và một người đồng đội cũ lái xe máy giữa đêm khuya. Trời mưa đường trơn trượt, cả hai còn bị ngã xe trên đường. Hóa ra, ông vừa tham dự buổi gặp mặt đồng đội cũ sau nhiều năm xa cách nhưng vẫn cố quay về để kịp tiễn con lên đường đi học xa.
"Cha rất thương con gái. Có lần chỉ vì sợ mất điện khiến con gái không thể nấu cơm, cha cố gắng đi chỉnh điện để rồi bị ngã gãy chân. Tôi rất thương cha, tình thương không từ ngữ nào có thể diễn tả được", chị Trang trải lòng.