Chuyện của nước số 49: Dùng nước như thế nào để trồng và chế biến dược liệu?

Dược liệu là những loài cây sinh trưởng và phát triển ở những vùng đất và khí hậu đặc biệt để giúp phát huy khả năng chữa bệnh cao nhất của cây. Vậy nước như thế nào thì tốt nhất cho việc trồng và chế biến dược liệu? Chị Vũ Thị Vân Phượng, Chủ tịch HĐQT, Công ty Cổ phần VietRAP đầu tư và Thương mại sẽ chia sẻ trong Chuyện của nước số 49.
Nước trong trồng, chăm sóc và sơ chế dược liệu
Chị Vũ Thị Vân Phượng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần VietRAP đầu tư và Thương mại trong câu chuyện về nước với việc trồng, chăm sóc và chế biến dược liệu đã chia sẻ: Đối với mỗi vùng trồng dược liệu thì trước khi trồng người ta phải tìm nguồn nước và đem đi xét nghiệm đạt tiêu chuẩn cho cây thì mới tiến hành trồng. Nguồn nước này phải đạt chuẩn không có nhiễm kim loại hay các độc tố trong đất, trong nguồn nước.
Vùng trồng dược liệu của Công ty trải dài trên cả nước với nhiều nhóm cây như:
Nhóm biệt dược gồm tam thất, thất diệp nhất chi hoa, sâm.
Nhóm cây lấy củ gồm đương quy, cát cánh, hà thủ ô…
Nhóm lấy hạt như ý dĩ
Nhóm lấy thân lá như ích mẫu
Dược liệu là một loại nông sản đặc biệt. Việc thu hoạch tùy vào từng loại cây có khi là hàng năm, 2 năm, hay 5 năm nhưng cũng có loài dược liệu vòng đời đến cả 10 năm. Chính vì thế mặc dù mỗi vùng trồng đều có nhà xưởng, hệ thống nước phục vụ cho việc sơ chế nhưng trước mỗi vụ thu hái, thì hệ thống nước lại cần được xúc rửa từ các đường ống. Bởi nước ở nguồn khai thác cho dù đã xét nghiệm đạt chuẩn thì khi nước dẫn qua những đường ống không được xử lý sạch sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến dược liệu.
Nước trong chế biến và bảo quản dược liệu
Có rất nhiều hình thức chế biến dược liệu cần đến nước: Cô đặc bằng thủy phân cần nước; chiết suất tinh dầu bằng công nghệ lôi cuốn hơi nước cũng cần nước; trích ly hoạt chất thì dùng nhiều dung môi khác nhau, nhưng nước là một dung môi phổ biến và an toàn.
Toàn bộ lượng nước phục vụ cho các quá trình này cũng phải được xét nghiệm và phải làm sạch như là một dạng nước lọc, nước tinh khiết hoặc như là một dạng nước cất trong từng phân đoạn của việc chế biến.
Có rất nhiều lưu ý trong quá trình sơ chế chế biến dược liệu. Đó là xét nghiệm nước đầu nguồn, xét nghiệm nước sau khi qua hệ thống dẫn nước, xử lý nước sau sơ chế, tránh ảnh hưởng đến môi trường.
Khi chế biến cũng cần lọc để làm sạch nước, làm tinh khiết nước xong mới đưa vào thủy phân hoặc là chưng cất tinh dầu. Trong quá trình này thì hệ thống bơm nước, hệ thống dẫn nước luôn phải được lưu ý, đảm bảo và súc rửa định kỳ.
Nước trong sử dụng dược liệu
Đối với dược liệu nếu sắc uống thì cần chọn nước sạch, nước an toàn. Ngày xưa các cụ dùng nước giếng khơi để sắc thuốc nhưng hiện nay khi không có nước giếng thì người dân dùng nước thông thường.
Tuy nhiên, có nhiều người cẩn thận lấy nước kiềm để sắc thuốc sẽ không tốt vì nước kiềm khi đun lên thì tính chất đã không còn như ban đầu nữa. Ngay cả việc uống thuốc cũng không nên uống bằng nước kiềm.
Bên cạnh đó, nước còn dùng để nấu dược liệu để ngâm chân, tắm...