Chuyện chưa kể về những nghệ sĩ miền Nam tập kết ra Bắc

Ký ức những năm tập kết ra Bắc của đoàn nghệ sĩ miền Nam được các con của họ kể lại, trong phim tài liệu Nửa thế kỷ, một đời người, phát sóng dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước (1975-2025).
Tác phẩm mở đầu với câu chuyện của Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Ngọc Bạch (1922-1985). Năm 1945-1954, ông phụ trách các đoàn văn công phục vụ kháng chiến ở Nam Bộ. Sau Hiệp định Geneve, nghệ sĩ và gia đình ra miền Bắc. Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu - con gái ông Nguyễn Ngọc Bạch - nhớ ngày nhỏ, trong nhà luôn giữ một tấm bản đồ Việt Nam, trên đó có một vạch đỏ là vĩ tuyến 17. Mỗi lần thấy con nhìn lên, ông Bạch nói: ''Bao giờ không còn vạch này thì nhà mình được về quê''. Ông thường kể cho con về Cù Lao Giêng, Chợ Mới, An Giang, luôn mắc võng giống ở quê để nguôi ngoai nỗi nhớ.
Biết ngày trở về còn xa, những nghệ sĩ miền Nam tập hợp lại, tuyển thêm người từ các đơn vị quân đội và dân sự tập kết. Người biết diễn dạy cho ai chưa biết, tạo nên hàng loạt tác phẩm sân khấu như Hòn đảo Thần Vệ Nữ, Trương Định, Người ven đô, đỉnh cao là Chuông đồng hồ điện Kremlin. Mỗi đêm biểu diễn xong, họ lại ngồi cùng nhau nghe tin tức từ quê nhà. Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu không quên ngày nhận tin bà nội, ông ngoại mất. Khi ấy, gia đình bà gần như tuyệt vọng, nghĩ không còn dịp quay về
Trong lời kể của nghệ sĩ Xuân Hương - con gái đạo diễn Bích Lâm - ký ức về ba là những năm tháng khắc khoải nhớ thương. Ông bí mật xa gia đình khi đất nước chia đôi mà chưa biết mặt con. Năm Xuân Hương 13 tuổi, bà mới lần đầu được gặp ba. ''Đó là những ngày hạnh phúc nhất cuộc đời tôi. Lúc ấy, tôi mới biết tình cha con như thế nào'', bà Hương cho biết.
Nhạc trưởng Hoàng Điệp kế thừa sự nghiệp của cha là Nghệ sĩ Nhân dân Quang Hải. Bà Điệp cho biết thời điểm cha ra miền Bắc, trên đường đi, giáo sư ghi nhớ từng cây tre, cầu ao. Mỗi lần thăm con ở nơi sơ tán, ông hay nhắc những hình ảnh đó. Nỗi đau đáu ấy giúp nhạc trưởng hoàn thành tác phẩm gắn liền tên tuổi ông là Quê hương giải phóng.
Nhạc trưởng Quang Hải và nhạc sĩ Hoàng Việt là đồng hương Tiền Giang, cùng ra Bắc tập kết và đi du học. Khác với ông Quang Hải đã lập gia đình cùng đồng đội là nghệ sĩ Hoàng Khanh ở miền Bắc, gia đình nhạc sĩ Hoàng Việt với vợ và ba con vẫn ở lại miền Nam, chờ ông trở về. Đạo diễn Lê Dũng - con trai ông - khắc ghi hình ảnh tiễn cha qua sông Vàm Cỏ Đông. ''Thời chiến, tôi xác định những cuộc chia tay có thể không gặp nữa'', đạo diễn nói. Ngày hai miền Bắc - Nam sum họp, trong không khí hân hoan của dân tộc, ông vẫn canh cánh nỗi niềm không thấy ba quay lại.
Tác phẩm tổng hợp nhiều hình ảnh các nghệ sĩ, loạt bài báo viết về họ, phần nào khắc họa chân dung những người làm nghệ thuật vào giai đoạn đất nước bị chia cắt. Những câu chuyện của các nghệ sĩ miền Nam xa quê được kể nối tiếp nhau, gợi nhắc thế hệ sau biết trân trọng giá trị của hòa bình.
Phương Linh