Chuyện chưa kể sau cuộc hội ngộ cha và con gái sau 57 năm lạc nhau ở ga Hà Nội

Nhờ tinh thần tận tụy của lực lượng công an và hiệu quả thiết thực từ hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hai cha con thất lạc nhau 57 năm đã có cuộc hội ngộ xúc động giữa lòng Hà Nội.
Cha con đoàn tụ sau 57 năm thất lạc
Câu chuyện cảm động về ông Chu Nghiêm (SN 1941) và con gái là Nguyễn Thị Thủy (SN 1967, trú tại Bắc Giang) đã tìm thấy nhau sau 57 năm thất lạc không chỉ minh chứng cho tinh thần vì nhân dân phục vụ của lực lượng công an, mà còn cho thấy hiệu quả vượt trội của hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Trung tá Võ Tiến Thành, Phó trưởng Công an phường Cửa Nam (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) kể lại, hôm đó, trong lúc thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát tại khu vực ga Hà Nội, chiến sĩ Nguyễn Văn Luân của đơn vị đã tiếp xúc với người phụ nữ tên Thủy.
Bà Thủy cho biết đang nỗ lực tìm cha ruột có tên Chu Nghiêm, nhưng không có thêm bất kỳ thông tin cụ thể nào khác.
Nhận thấy đây là một trường hợp đặc biệt, chiến sĩ Nguyễn Văn Luân đã đưa bà Thủy về trụ sở công an phường để xác minh. Với thông tin ít ỏi, chắp vá, chỉ có họ tên như lời kể của bà Thủy, việc tìm kiếm gặp không ít khó khăn.
Tuy nhiên, lực lượng công an phường đã áp dụng biện pháp nghiệp vụ và sự kiên trì để tra cứu hồ sơ lưu trữ, đồng thời khai thác hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống cấp căn cước công dân - những công cụ hiện đại, có khả năng định danh chính xác và liên kết thông tin nhanh chóng trên toàn quốc.
Cuối cùng, Công an phường Cửa Nam đã tìm được thông tin của ông Chu Nghiêm, một cán bộ công an về hưu, đang sinh sống tại Hà Nội và còn có cả số điện thoại để liên hệ.
“Chỉ với một cái tên ‘Chu Nghiêm’ và chút thông tin rời rạc, nhưng nhờ dữ liệu dân cư, chúng tôi đã lần tìm được người phù hợp cả về thời gian, độ tuổi và địa bàn cư trú.
Không có hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư thì việc này gần như là bất khả thi”, Trung tá Võ Tiến Thành cho biết.
"Sau khi nhận được điện thoại thông báo từ chúng tôi, ông Nghiêm đến trụ sở công an để gặp bà Thủy. Ông Nghiêm xúc động đến rơi nước mắt, không tin nổi mình có thể tìm được con gái giữa thành phố rộng lớn sau ngần ấy năm xa cách.
Cuộc gặp mặt diễn ra trong những giọt nước mắt nghẹn ngào. Những lời xác nhận từ hai phía là niềm hạnh phúc không thể diễn tả bằng lời.
Chứng kiến những khoảnh khắc của hai cha con trong cuộc hội ngộ kỳ diệu này cũng là niềm vui của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị", Trung tá Võ Tiến Thành chia sẻ thêm.
Theo đại diện Công an phường Cửa Nam, đây là trường hợp hy hữu, lần đầu tiên đơn vị tiếp nhận và cũng là một minh chứng sống động cho hiệu quả thực tiễn của việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào công tác quản lý dân cư.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư không chỉ phục vụ tốt công tác hành chính, đấu tranh phòng chống tội phạm, mà còn là cây cầu nối đầy nhân văn, giúp những mảnh đời thất lạc có cơ hội tìm lại nhau.
Những năm lặng lẽ mừng sinh nhật con gái mất tích
Từ câu chuyện nói trên, PV VietNamNet đã có cuộc gặp với ông Chu Nghiêm, người cha may mắn trên hành trình tìm lại cô con gái mất tích của mình.
Trong căn nhà nhỏ, người cha già ngoài 80 tuổi dường như vẫn chưa nguôi niềm xúc động sau gần 2 tuần đoàn tụ với con gái. "Với tôi bây giờ, thực sự đã quá mãn nguyện khi tìm được con gái đầu lòng của mình", ông Nghiêm chia sẻ.
Nhớ lại ngày thất lạc con gái, ông Nghiêm kể: "Hôm ấy, con bé chơi ở sân ga, giữa dòng người lên xuống tàu nhộn nhịp. Nhà tôi ở ngay trong khu vực ga Hàng Cỏ, tức ga Hà Nội bây giờ.
Tôi đi công tác đột xuất, mẹ nó tưởng tôi đang ở nhà nên không để ý... đến khi không thấy con đâu thì đã quá muộn".
Khi biết đã thất lạc con, gia đình ngay lập tức báo công an, phát tin khắp các báo, đài. Người cha khi ấy là cán bộ công an trẻ, lặn lội đi khắp nơi tìm con, từ Hà Nội lên Yên Bái, Thái Nguyên,… rồi cả Bắc Kạn.
Có lúc ông theo cả những chỉ dẫn tâm linh, miễn là còn chút hy vọng. Nhưng những chuyến đi vẫn quay về với hai bàn tay trắng.
“Tôi từng theo đoàn đi tìm trẻ lạc, từng đến cả những bản xa tít tắp. Có lúc tôi tự hỏi, liệu con mình có bị ai đó bế đi, mang bán đi xa? Có khi nào con bé vẫn sống, chỉ là không nhớ mình là ai…”, ông Nghiêm xúc động hồi tưởng.
Năm tháng lặng lẽ qua, người cha đã bạc đầu, nhưng trái tim thì vẫn cháy một ngọn lửa âm ỉ không nguôi. 57 năm xa con là từng ấy thời gian ông tự tay tổ chức sinh nhật cho con gái vắng nhà.
Tập tài liệu với dòng chữ lớn "Tìm bé Mai" cùng tấm ảnh đen trắng duy nhất của Tuyết Mai lúc bé được ông Nghiêm giữ gìn như báu vật.
Tuyết Mai có làn da hơi ngăm đen, mặt trái xoan, má hơi lệch; dưới tai phía gáy từng lên nhọt để lại sẹo là dấu hiệu nhận dạng con gái mà ông Nghiêm không thể nào quên.
Sự kiên trì và những lời nhắn chân tình của người bố cũng được gửi khắp các diễn đàn mạng xã hội: "Tôi sẵn sàng trao phần thưởng 100 triệu đồng cho ai giúp tôi tìm được con, miễn là xác minh được bằng xét nghiệm ADN. Tôi chỉ cần một lần, một lần trong đời, được nghe con gọi mình là bố".
Chia sẻ về những dự định sắp tới, ông Nghiêm nói: “Cuộc sống của hai bố con chắc cũng không có nhiều thay đổi. Tuyết Mai vẫn sẽ ở Bắc Giang, tiếp tục cuộc sống bên gia đình hiện tại. Còn tôi, chỉ mong các con, những người em của Mai sẽ chủ động kết nối, giữ gìn sợi dây ruột thịt mà cuộc đời từng bỏ lỡ suốt mấy chục năm trời".
Ông ngừng lại một lát, ánh mắt xa xăm: “Tình cảm chị em không thể chỉ nói thương là thương được ngay, nhưng nếu biết trân trọng và vun đắp, thì thời gian sẽ làm dịu mọi khoảng cách”.