Nhảy đến nội dung

Chuyện ba lần xây đền thờ Bác ở xã giàu truyền thống xứ Hậu Giang

(Dân trí) - "Từ lúc được thống nhất chủ trương, đến ngày 19/5/1990 chỉ còn hơn một tháng nhưng dân đồng lòng nên xã Lương Tâm đã có nơi thờ tự Bác khang trang, mái lợp ngói, tường gạch", ông Thống kể.

Những ngày này tại đền thờ Bác ở ấp 3, xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang có rất nhiều người dân địa phương mang hương, hoa bánh trái đến làm lễ sinh nhật Bác.

Đền thờ Bác ở Hậu Giang, tọa lạc trên phần đất rộng 3,6ha. Toàn bộ khu đền ẩn hiện dưới tán cây xanh rì, bình yên giữa làng quê sông nước. Bao năm qua, Đền thờ Bác là một phần trong cuộc sống tinh thần của người dân nơi đây, nhưng không phải ai cũng biết hết quá trình hình thành ngôi đền này.

Hôm phóng viên có mặt, ông Huỳnh Xuân Phương (Trưởng Ban quản lý Khu di tích đền thờ Bác Hồ) ở xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang đang cùng người dân tất bật tỉa gọn cây cối, dọn dẹp quanh đền thờ Bác để chuẩn bị lễ sinh nhật Bác.

Sau khi ghé đền thờ, theo chân ông Huỳnh Xuân Phương, chúng tôi tìm đến nhà ông Lê Văn Thống (85 tuổi) người gắn liền với câu chuyện ba lần xây đền thờ Bác.

Tuổi cao, nhưng ông Thống còn khá minh mẫn, giọng chậm rãi ông kể, giai đoạn trước năm 1975, ông Thống là thư ký của chi bộ Đảng xã Lương Tâm, hoạt động bí mật giữa vùng kháng chiến. Ông dành hết tâm huyết tuổi trẻ cho sự nghiệp cách mạng. Đến bây giờ, thời khắc đầy cảm xúc trong những ngày cuối đời của Bác luôn được người đàn ông này nhớ trọn vẹn.

Ông Thống kể, năm Bác Hồ mất, ông được phân công tổ chức lễ truy điệu Bác để người dân bày tỏ niềm thương tiếc. Ông lật tìm bức chân dung của Bác được ông dùng kính lúp rọi vào một tờ tiền cũ có hình Bác để vẽ lại. Bức chân dung này ông vốn để dành cho những buổi họp, mít tinh quan trọng, không ngờ đến ngày phải dùng bức ảnh này để thờ.

"Hôm đó, tôi ôm ảnh Bác, một số anh em khác cầm bát nhang, ngực áo cài khăn trắng đi đến từng cụm nhà để làm lễ truy điệu. Đến nơi, ai cũng nghẹn ngào, có nói với nhau được mấy lời đâu", ông Thống kể.

Sau bảy ngày truy điệu Bác, ông Thống về cơ quan, dọn dẹp một góc nhỏ, bày biện một chiếc bàn, đặt ảnh Bác và lư nhang để thờ. Gọi là cơ quan nhưng thực chất thời điểm đó là một căn nhà lá nhỏ khoét đất mà dựng lên để che mắt địch.

Đây là nơi thờ tự Bác đầu tiên ở xã Lương Tâm và được ông Thống cùng anh em, người dân bí mật duy trì đến năm 1972 thì bị địch đánh bom mất hết. Bức chân dung quý giá của Bác cũng không còn.

Từ mái nhà lá đến ngôi đền khang trang

Việc thờ tự Bác bị gián đoạn trong một thời gian do tình hình chiến sự thời điểm ấy vô cùng khốc liệt. Trong suy nghĩ của ông Thống luôn nghĩ đến ngày hòa bình có được một chỗ thờ tự Bác tươm tất.

Không chỉ riêng người đàn ông này mà cả người dân xã Lương Tâm, dù chưa một lần được nhìn thấy Bác nhưng tình cảm đối với vị lãnh tụ của dân tộc chỉ ngày một lớn thêm.

Không có chỗ thờ tự chung thì người dân lập riêng bàn thờ Bác tại nhà, hàng năm đến ngày sinh nhật hay giỗ đều tự làm mâm cơm cúng Bác. Tình cảm thiêng liêng cao quý đó được người dân nơi đây âm thầm gìn giữ. Riêng đối với ông Thống, ước mơ có một nơi thờ tự Bác chưa bao giờ nguôi.

Năm 1990, ông Thống bấy giờ là cán bộ văn hóa thông tin của huyện, trong một lần đi họp ở tỉnh Cần Thơ (cũ). Ông được một lãnh đạo tỉnh hỏi thăm, những lời nói của người lãnh đạo này như thắp sáng lại ngọn lửa trong lòng ông Thống.

"Lãnh đạo này hỏi là hồi còn chiến tranh, chi bộ xã Lương Tâm có lập bàn thờ Bác, giờ còn duy trì không? Tôi như mở cờ trong bụng, kể hết sự tình. Được lãnh đạo cho chủ trương về xây đền thờ Bác nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người. Chiều đó tôi về trình lãnh đạo huyện ngay, một cuộc họp gấp được triệu tập", ông Thống hồi tưởng.

Việc xây đền thờ Bác được lãnh đạo các cấp thông qua, nhưng tình cảnh đất nước khó khăn, nguồn vốn chỉ có thể huy động trong nhân dân. "Từ lúc thông qua đến ngày 19/5/1990 chỉ còn hơn một tháng. Tôi và anh em chỉ có ngần ấy thời gian để vận động, xây đền", ông Thống kể.

Một cuốn sổ ghi chép gọi là "sổ vàng" được lập ra để đi vận động tiền, công sức của người dân ở 9 ấp của xã Lương Tâm. "Lúc đó còn nghèo lắm, dân cũng khổ nhưng nghe vận động xây đền thờ Bác ai cũng đóng góp.

Mỗi nhà 3.000-5.000 đồng, người không có tiền thì đóng góp công sức, tất cả đều được ghi lại trong sổ vàng. Cha của tôi cũng là một trong những người đi vận động tiền của, bữa nào về tay không là tối đó ông mất ngủ", ông Nguyễn Văn Lành (68 tuổi) nhà gần đền kể lại.

Về vị trí xây đền, ông Thống cho biết, người dân hoàn toàn ủng hộ, họ sẵn sàng đổi đất lấy vị trí khó khăn hơn để nhường đất xây đền.

Trong những đóng góp của nhân dân có thể kể đến là người anh vợ của ông Huỳnh Xuân Phương. "Ông anh này thời đó làm thương nghiệp, gọi là cũng khá giả. Ông có ý định tặng bốn cây cầu gỗ căm xe, bắc qua kênh rạch ở xã Lương Tâm cho mấy đứa nhỏ đi học. Thấy cơ hội này, những người vận động xây đền liền tìm cách thương thảo", ông Phương nói.

Ông Thống cùng một số anh em tìm gặp mạnh thường quân này, xin trong bốn cây cầu chuẩn bị xây thì bớt lại một cây, lấy gỗ xây đền thờ Bác. Lý do chính đáng, người đàn ông này liền gật đầu và đề nghị cho biết diện tích, kích thước ngôi đền như thế nào để xẻ gỗ.

"Mình có biết bản vẽ là gì đâu, tôi nhìn những đền thờ khác rồi hình dung ra diện tích rồi báo cho người ta xẻ gỗ. Có gỗ rồi, chúng tôi bắt tay vào xây đền ngay. Gạch, ngói, xi măng cũng lần lượt được chuyển về, chúng tôi mong từng ngày xây xong đền", ông Thống nhớ lại.

Những ngày cuối để hoàn thành đền kịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Bác, người dân đốt đuốc làm đêm, hoàn thành những hạng mục cuối cùng. Sáng 19/5/1990, những chiếc ghe chở cán bộ lãnh đạo huyện, tỉnh đến khánh thành đền Bác. Từ các ngả đường, hàng ngàn người dân tề tựu trong ngày trọng đại.

"Tôi nhớ nhất là những người dân mặc áo dài, khăn đóng chỉnh tề, họ gánh hai cây sao còn bọc trong đất đến tặng để trồng trước đền Bác. Ân tình đó không sao quên được", ông Thống xúc động nói.

Như vậy, từ ngôi nhà mái lá, xã Lương Tâm đã có nơi thờ tự Bác bằng gỗ, mái lợp ngói, tường gạch. Từ đó, người dân nơi đây đều tổ chức sinh nhật, lễ giỗ Bác một cách trang trọng, đầm ấm. Vào dịp này, mỗi ấp người dân đóng góp với nhau để làm mâm cơm cúng Bác. Cúng xong rồi thì hạ lễ đem về mỗi ấp liên hoan.

Theo thời gian, lãnh đạo tỉnh Cần Thơ thời bấy giờ đã chỉ đạo xây dựng mở rộng khu đền, kết hợp với sinh hoạt văn hóa của nhân dân trong vùng.

Lần thứ ba xây dựng vào năm 1996, đền được quy hoạch tổng thể với diện tích gần 2ha, khu đền chính được một lần xây mới cách đền cũ khoảng 50m về hướng Bắc như hiện nay.

Sau đó, khu đền tiếp tục được trùng tu, tôn tạo và mở rộng trong tổng diện tích gần 3,6ha như hiện nay. Các hạng mục như nhà trưng bày, nhà hội, ao sen…cũng dần hoàn thiện, tạo cho khu đền một kiến trúc mang tính dân tộc, trang trọng, tôn nghiêm như ngày nay.

Năm 2000, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) công nhận đền thờ Bác Hồ ở xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, là di tích lịch sử Quốc gia. Mỗi năm, đền Bác ở xã Lương Tâm đón hơn 40.000 lượt người đến viếng, các hoạt động văn hóa, thể thao cũng thường xuyên được tổ chức tại đây.

 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn