Chụp được hình ảnh trực tiếp đầu tiên của ‘mạng lưới’ kết nối vũ trụ

Các nhà khoa học đã công bố hình ảnh đầu tiên của hệ thống xa lộ 'tàng hình' của vũ trụ, cho phép phơi bày 'mạng lưới' bí ẩn đóng vai trò kết nối các thiên hà ở những khoảng cách không thể tưởng tượng được.
Trong một bước tiến ấn tượng của ngành vật lý thiên thể, các nhà thiên văn học đã đạt được thời khắc đột phá với ảnh chụp trực tiếp đầu tiên về mạng lưới vũ trụ. Đây là một cấu trúc rộng khắp và phần lớn vô hình nhưng đóng vai trò trung tâm trong việc hình thành các thiên hà và sự giãn nở của vũ trụ.
Mạng lưới vũ trụ, thường được mô tả là 'khung xương" của vũ trụ, nối kết thiên hà thông qua những dải mỏng gồm khí và vật chất tối. Tuy nhiên, cho đến hiện tại, những dải sợi đó chỉ tồn tại trong các mô hình và mô phỏng lý thuyết.
Giờ đây, nhờ vào công nghệ quan sát vượt trội, các nhà khoa học đã chụp được hình ảnh đầu tiên của một dải sợi đó, cho phép củng cố giả thuyết lâu nay về vấn đề này.
Theo báo cáo đăng trên chuyên san Nature Astronomy, phát hiện mới đánh dấu bước ngoặt trong việc tăng cường hiểu biết của con người về cấu trúc vũ trụ, và mang đến cái nhìn mới về những quy trình quản lý sự tiến hóa của các thiên hà.
Thông qua việc quan sát hai chuẩn tinh cổ đại cách địa cầu hơn 11 tỉ năm ánh sáng, một đội ngũ các nhà nghiên cứu dẫn đầu là nhóm của Đại học Milano-Bicocca (Ý) và Viện Max Planck về Vật lý thiên thể (Đức) đã phát hiện một dải sợi mỏng manh kết nối những thiên hà xa xôi.
Dải sợi trải dài khắp 3 triệu năm ánh sáng, đại diện cho một phần quan trọng của mạng lưới vũ trụ từ lâu được giả thuyết nhưng chưa từng được quan sát trực tiếp.
Khám phá mới mở đường cho những nghiên cứu toàn diện hơn và hy vọng cuối cùng sẽ dẫn đến sự lộ diện của kiến trúc làm nên vũ trụ.