Chung dòng máu Lạc Hồng: Kiều bào hướng trọn trái tim về Trường Sa

Trong hành trình đến với Trường Sa và Nhà giàn DK1, những người con đất Việt từ khắp năm châu đã tận mắt chứng kiến cuộc sống kiên cường nơi tuyến đầu Tổ quốc.
Những ngày tháng 4 vừa qua, 60 đại biểu kiều bào về từ 24 quốc gia và vùng lãnh thổ hoàn thành hải trình tới thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa và Nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía nam của Tổ quốc.
Chương trình là hoạt động thường niên do Ủy ban Nhà nước về người VN ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phối hợp cùng Quân chủng Hải quân tổ chức từ năm 2012.
Nhìn thấy, hiểu rõ về chủ quyền biển đảo của Tổ quốc
Từng là người tham gia chống phá cực đoan nhà nước VN ở Mỹ, ông David Nguyễn đã nhiều lần về thăm quê hương và nhận thấy sự đổi thay từng ngày của đất nước nên ông quyết định thay đổi. Năm 2014, ông tham gia chuyến hải trình ra Trường Sa, một trải nghiệm ông cho là có tác động sâu sắc tới cộng đồng người Việt tại Mỹ.
"Thời điểm đó có nhiều thông tin trái chiều, xuyên tạc về chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Tôi đến Trường Sa để tận mắt chứng kiến và khẳng định rằng những thông tin sai sự thật ấy là vô giá trị. Những kiều bào tham gia chuyến đi khi trở về đều là những nhân chứng sống, kể lại sự thật cho cộng đồng kiều bào biết: quần đảo Trường Sa là của VN", ông David Nguyễn kể lại.
Đợt tháng 4 vừa qua, trở lại Trường Sa lần thứ 3, ông David Nguyễn không khỏi xúc động khi chứng kiến sự thay đổi tích cực của các đảo: cơ sở vật chất ngày càng khang trang, đảo xanh hơn với những hàng cây và vườn rau được chăm sóc bởi chính các chiến sĩ nơi đây.
"Nhiều kiều bào chỉ mong một lần được đến Trường Sa, được tận mắt nhìn thấy chủ quyền thiêng liêng giữa biển khơi. Nay Nhà nước tổ chức những chuyến đi thế này là điều tuyệt vời. Tôi mong chương trình tiếp tục được duy trì cho các kiều bào khắp nơi", ông chia sẻ.
Cũng là kiều bào Mỹ, vượt nửa vòng trái đất để đến với Trường Sa, ông Nguyễn Quang Thanh bộc bạch: "Được trực tiếp gặp các chiến sĩ Hải quân ngoài đảo, tôi càng thấm thía giá trị của độc lập và hòa bình".
Trở lại đảo Sinh Tồn sau 10 năm, bà Trương Thị Hồng, kiều bào tại Israel, xúc động khi thấy đời sống cán bộ, chiến sĩ nơi đây ngày càng khởi sắc. "Các công trình kiên cố, cây xanh rợp bóng khắp nơi, cho thấy sự quan tâm lớn của Đảng và Nhà nước dành cho Trường Sa. Điều này giúp kiều bào chúng tôi thêm yên lòng", bà bày tỏ.
Ông Trần Phú Thuận, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Liên hiệp các tổ chức người Việt tại Nga, chia sẻ xúc động khi trở lại Trường Sa sau 1 thập niên. Ông cho biết: "Cuộc sống của quân và dân ngày càng cải thiện. Mỗi kiều bào đến Trường Sa, Nhà giàn DK1 đều có trách nhiệm mang những câu chuyện, hình ảnh về đất liền để tuyên truyền, lan tỏa cho cộng đồng nơi mình sinh sống, giúp bà con kiều bào hiểu rõ về cuộc sống và sự kiên cường của quân dân Trường Sa".
Đến thăm đảo Đá Tây A, được tận mắt chứng kiến trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá trên đảo, ông Lê Minh Trí, kiều bào ở UAE, đã thấy được chiến lược rất rõ ràng của Nhà nước giúp ngư dân bám biển khi ở đây có các âu tàu để ngư dân tránh trú bão, đồng thời cung cấp nước ngọt, dầu, đá lạnh và các vật phẩm thiết yếu cho ngư dân yên tâm đi biển dài ngày.
"Đó là chiến lược rất hay của Đảng và Nhà nước khi càng nhiều ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển thì càng khẳng định vững chắc chủ quyền biển đảo của mình hơn", ông Trí khẳng định.
Còn với bác sĩ Võ Toàn Trung, một kiều bào về từ Pháp, chuyến đi này đã mang đến cho ông rất nhiều cảm xúc. "Trăm nghe không bằng một thấy", vị bác sĩ chia sẻ và cho rằng nếu không đi thì không hình dung được thực tế như thế nào.
Nơi thiêng liêng của những người con đất Việt
Trong chuyến hải trình đến với Trường Sa, Nhà giàn DK1, nhiều kiều bào thực sự cảm nhận hết ý nghĩa thiêng liêng của Tổ quốc, những nỗ lực, hy sinh thầm lặng của quân dân nơi đảo xa.
Lần đầu đến Trường Sa, sư thầy Thích Pháp Quang, Trụ trì chùa Trúc Lâm tại Kandy (Sri Lanka), chia sẻ: "Dù tôi sống ở một quốc đảo, nhưng khi đến Đá Thị, tôi vô cùng cảm phục các chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ chủ quyền, vượt lên mọi gian khổ từ thiên nhiên". Sư thầy cũng cho biết, khi về lại Sri Lanka sẽ kể lại với cộng đồng người Việt và bạn bè quốc tế về Trường Sa, Nhà giàn DK1, cũng như những chiến sĩ kiên cường giữa trùng khơi.
Bà Phan Thị Thu Hằng, kiều bào Ba Lan, xúc động: "Tôi cảm nhận rõ sự thiêng liêng, nghĩa tình sẻ chia gắn kết, xích lại gần nhau hơn, sống chậm hơn và thật hơn…".
Là thành viên trẻ nhất đoàn hải trình, chị Nguyễn Thị Ngọc Diệp, Chủ tịch Hội Sinh viên VN tại Thái Lan, cho biết bản thân thực sự xúc động, cảm giác như mang hơi ấm từ đất liền gửi đến các chiến sĩ và đồng bào nơi biển đảo xa xôi. "Chuyến đi là hành trang quý báu, là nguồn động lực để tôi mang những câu chuyện, hình ảnh về Trường Sa đến với các bạn du học sinh VN ở Thái Lan và bạn bè quốc tế", chị Diệp chia sẻ.
Trong chuyến đi năm nay, cộng đồng kiều bào khánh thành công viên Cầu vồng, một sáng kiến của Quỹ Cầu vồng do cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc khởi xướng, tiếp nối bằng sự hưởng ứng của bà con trên toàn cầu. Công trình đặt tại đảo Đá Tây A, nơi đã có trường tiểu học.
Cũng trong đợt này, bà con kiều bào đã ủng hộ hơn 2 tỉ đồng tiền mặt, quà tặng và hiện vật đóng góp cho các chương trình như xanh hóa Trường Sa, xây dựng nhà văn hóa đa năng, mua nhu yếu phẩm, dụng cụ y tế, đồ dùng học tập gửi tới cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo và Nhà giàn DK1.