Nhảy đến nội dung

Chứng chỉ môi giới bất động sản, ai cấp?

Luật Kinh doanh bất động sản 2024 quy định nhân viên môi giới bất động sản phải có chứng chỉ mới được hành nghề. Tuy nhiên, nhiều tháng qua, các địa phương trên cả nước không tổ chức thi sát hạch, người có nhu cầu cũng không biết nên theo học ở đâu mới đúng chuẩn...

Nguy cơ hàng chục ngàn môi giới thất nghiệp

Bà Trần Thị Cẩm Tú, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản EximRS, cho biết: Từ ngày 1.8.2024, luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) 2024 có hiệu lực và đã quy định rất chặt chẽ cá nhân hành nghề môi giới BĐS phải có chứng chỉ hành nghề và phải hành nghề trong một doanh nghiệp (DN) kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch BĐS hoặc một DN kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS. Luật không cho phép cá nhân hành nghề môi giới BĐS tự do như trước đây. Không chỉ vậy, muốn được chi tiền lương, hoa hồng bắt buộc nhân viên môi giới phải ký hợp đồng lao động với công ty. Mà muốn ký hợp đồng thì phải có chứng chỉ hành nghề môi giới.

"DN chúng tôi đang mở rộng hệ thống bán hàng, các dự án ở cả ngoài Bắc và trong Nam nên cần thêm khoảng 300 nhân viên môi giới. Dù vậy, từ đầu năm đến nay, chúng tôi tìm đỏ mắt cũng không ra. Để có thêm nhân sự, hiện một số nhân viên phải làm việc dưới dạng cộng tác viên và như vậy công ty cũng chỉ có thể thanh toán 80% hoa hồng, 20% còn lại chờ đến khi có chứng chỉ môi giới mới chi trả được", bà Cẩm Tú cho hay.

Cũng rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan như trường hợp của Công ty EximRS, ông Trần Minh Quang, Giám đốc kinh doanh của một công ty BĐS, cho biết công ty ông thiếu nhân lực trầm trọng. Nguyên nhân xuất phát từ một số bất cập liên quan đến chứng chỉ môi giới. Theo quy định của luật, tất cả môi giới phải có chứng chỉ hành nghề. Tuy nhiên hiện tại, không có nơi nào tổ chức thi và cấp bằng. Rất nhiều nhân viên kinh doanh đã hoàn thành khóa học, nhưng vẫn chưa thể đăng ký thi để có bằng. Điều này khiến họ không đáp ứng được điều kiện hành nghề nên DN không dám tuyển dụng vì sợ làm sai quy định. Từ đó dẫn đến tình trạng nhân lực thiếu nhưng nhân sự mới lại không có. Điều này đẩy các DN trong ngành môi giới BĐS vào thế lao đao.

"Đang có một thực tế nhức nhối trong ngành môi giới BĐS là khủng hoảng xoay quanh chứng chỉ hành nghề. Người hành nghề bị mắc kẹt giữa việc phải tuân thủ pháp luật và thực tế không có lối đi rõ ràng. Đây là một khủng hoảng âm ỉ, dai dẳng và kéo dài. Chúng tôi không biết kêu ai, chỉ còn cách gồng mình để sống chung với bão", ông Trần Minh Quang nói.

Theo thống kê, hiện trên thị trường có khoảng 30.000 nhà môi giới. Đến nay đã có hơn 6.000 học viên hoàn thành chương trình đào tạo theo chuẩn Thông tư 04 của Bộ Xây dựng nhưng chưa thể tham gia kỳ thi sát hạch để lấy bằng do vướng mắc trong hướng dẫn tổ chức kỳ thi ở các địa phương. Điều này khiến hàng chục ngàn môi giới có nguy cơ bị thất nghiệp. Đáng báo động là có đến 416 DN môi giới báo cáo thiếu hụt nhân sự đạt chuẩn, dẫn đến việc nhiều DN không thể tuyển đủ nhân sự hợp pháp, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động giao dịch và quá trình phục hồi thị trường.

Nhanh chóng triển khai các kỳ thi

Theo TS Trần Xuân Lượng, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đánh giá thị trường BĐS Việt Nam, vai trò của lực lượng môi giới BĐS rất quan trọng, như một mắt xích trong chuỗi giao dịch và phân phối sản phẩm ra thị trường. Hiện nay, thị trường BĐS đang dần hồi phục, các dự án hoàn thiện pháp lý, đủ điều kiện bán hàng được tung ra nhiều hơn, kéo theo sự phục hồi của ngành môi giới BĐS. Tuy nhiên, nhân sự không đạt chuẩn, không đủ đã ảnh hưởng ít nhiều đến việc bán hàng tại các dự án.

TS Trần Xuân Lượng nhấn mạnh: Thị trường đang tồn tại một nghịch lý, đội ngũ môi giới chưa được cấp chứng chỉ, DN chưa có nhân lực đạt chuẩn, nhưng lại không thể tổ chức thi. Trong khi đó, phần lớn môi giới cho biết họ không rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm tổ chức thi tại địa phương. Nếu không nhanh chóng triển khai các kỳ thi, thì toàn bộ hệ thống cung - cầu thị trường sẽ bị ảnh hưởng. Việc chậm trễ trong khâu sát hạch không chỉ là vướng mắc kỹ thuật mà là điểm nghẽn trong chuỗi vận hành của thị trường, kéo theo nguy cơ đóng băng nhân lực, đình trệ sự phục hồi của cả thị trường BĐS. Muốn tháo gỡ điểm nghẽn này, cần một cơ chế điều phối hiệu quả với trách nhiệm được phân định rõ ràng, cùng sự đồng lòng và quyết tâm hành động từ cấp T.Ư lẫn địa phương.

"Vấn đề không nằm ở năng lực tổ chức, mà ở sự thiếu đồng bộ, phối hợp trong chỉ đạo và thực thi. Nếu các địa phương tiếp tục chờ nhau hoặc lo ngại trách nhiệm, thì kỳ thi sát hạch sẽ mãi chỉ nằm trên giấy. Đề xuất Bộ Xây dựng sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể để UBND các tỉnh, TP có cơ sở triển khai kỳ thi theo đúng quy định pháp luật. Cần thiết cho phép các đơn vị đào tạo đủ điều kiện được phối hợp tổ chức kỳ sát hạch. Đồng thời, xây dựng hệ thống thi trực tuyến hoặc liên tỉnh, nhằm giảm tải áp lực cho từng địa phương và đảm bảo tính công khai, minh bạch trong toàn hệ thống", TS Trần Xuân Lượng kiến nghị.

Theo Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam - TS Nguyễn Văn Đính, luật Kinh doanh BĐS 2024 có hiệu lực với kỳ vọng lớn trong việc chuẩn hóa đội ngũ hành nghề. Nhưng hiện nay, thị trường đang chứng kiến một "nút thắt thực thi" khi quy định đã có, nhưng hệ thống vận hành chưa được khơi thông. Các địa phương chưa tổ chức kỳ thi sát hạch, người có nhu cầu không biết nên theo học ở đâu là đúng chuẩn, trong khi các DN thì không thể tuyển dụng đủ nhân sự có chứng chỉ hợp pháp để đảm bảo vận hành theo luật định. Điểm nghẽn này chủ yếu đến từ sự chậm trễ trong việc ban hành hướng dẫn thực hiện ở cấp địa phương. Dù luật đã quy định rõ trách nhiệm thuộc UBND tỉnh, TP, nhưng hiện tại đa số địa phương vẫn chưa có động thái triển khai cụ thể.

"Chúng tôi đã làm cuộc khảo sát cho thấy có đến 93% số người được hỏi bày tỏ mong muốn tham gia kỳ thi sát hạch để lấy bằng hành nghề chính quy. Điều này thể hiện mức độ quan tâm rất cao đến việc tuân thủ quy định pháp luật và nhu cầu được chuẩn hóa kiến thức hành nghề. Đây cũng là tín hiệu tích cực, đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc tổ chức kỳ thi một cách bài bản, linh hoạt, đồng thời cần xem xét khả năng tổ chức theo hình thức trực tuyến để đáp ứng xu hướng số hóa và nhu cầu rộng rãi của lực lượng môi giới hiện nay", TS Nguyễn Văn Đính đề xuất.

Theo TS Đính, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm là rất cần thiết. Nhưng song song đó cần tạo điều kiện thuận lợi để các nhà môi giới BĐS có cơ hội được hành nghề đúng quy định. Trước khi thanh tra, hãy tạo ra lối đi, tạo ra giải pháp thực tiễn, cụ thể và khả thi để tháo gỡ cho hàng chục ngàn môi giới đang bị mắc kẹt trong "vùng mù" pháp lý.