Chuẩn đào tạo vi mạch bán dẫn: Băn khoăn phạm vi áp dụng

Những quy định đặt ra trong Chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn trình độ ĐH, thạc sĩ sẽ là căn cứ để các trường ĐH xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến thể hiện băn khoăn xung quanh việc thực hiện chuẩn này.
Bộ GD-ĐT đã chính thức ban hành Chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn trình độ ĐH, thạc sĩ với một số thay đổi so với dự thảo trước đó. Chuẩn này chỉ áp dụng đối với các cơ sở giáo dục ĐH (gồm 18 trường) tham gia thực hiện Chương trình Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 theo Quyết định số 1017 của Thủ tướng Chính phủ năm 2024.
TRUNG BÌNH 8 ĐIỂM/MÔN, MÔN TOÁN KHÔNG DƯỚI 8 ĐIỂM
Cụ thể, chuẩn đầu vào chương trình cử nhân, kỹ sư bậc 6 và bậc 7 yêu cầu đối với phương thức tuyển sinh dựa trên kết quả thi kỳ thi tốt nghiệp THPT đáp ứng 3 tiêu chí: tổ hợp xét tuyển phải có môn toán và có ít nhất một môn thuộc khoa học tự nhiên phù hợp chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn; tổng điểm của các môn trong tổ hợp đạt tối thiểu 80% thang điểm xét (ví dụ phải đạt tối thiểu 24/30 đối với tổ hợp gồm 3 môn); điểm bài thi môn toán đạt tối thiểu 80% thang điểm xét (ví dụ tối thiểu 8/10).
Với các phương thức tuyển sinh khác phải có điểm trúng tuyển quy đổi tương đương với các điều kiện tại phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT.
Đối với người đã có bằng tốt nghiệp ĐH, ngành học phải phù hợp với ngành đào tạo dự tuyển. Điểm trung bình tích lũy của trình đào tạo đã tốt nghiệp đạt từ 2,8/4 trở lên (hoặc tương đương). Sinh viên đang học từ các ngành khác chuyển sang chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn tại thời điểm xét cần đáp ứng điều kiện như thí sinh của phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT nói trên và có điểm trung bình tích lũy đạt từ 2,5/4 trở lên (hoặc tương đương).
Về khối lượng chương trình đào tạo, chương trình cử nhân có 120 tín chỉ và chương trình kỹ sư (bậc 6 và bậc 7) có 150 tín chỉ (chưa kể khối lượng giáo dục thể chất, quốc phòng - an ninh theo quy định hiện hành). Trong đó, khối lượng kiến thức toán và khoa học cơ bản phải chiếm 30 tín chỉ; thời lượng thực hành thí nghiệm, trải nghiệm thực tế phải chiếm tối thiểu 25% đối với cử nhân và kỹ sư (bậc 6), 30% đối với kỹ sư (bậc 7) trên tổng số tín chỉ.
Theo Bộ GD-ĐT, chuẩn này là những yêu cầu chung tối thiểu áp dụng đối với tất cả các chương trình đào tạo của các ngành trình độ ĐH và thạc sĩ theo quy định hiện hành tham gia đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn.
Đây cũng là điểm khiến các trường băn khoăn. Trưởng phòng đào tạo của một trường ĐH thuộc 18 trường cho biết: "Danh mục thống kê các ngành liên quan đến vi mạch bán dẫn có thể tham gia đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn trình độ ĐH mà Bộ đưa ra gồm 38 ngành. Vì thế, có một điều chưa rõ ràng ở đây là chỉ những ngành đào tạo trực tiếp vi mạch bán dẫn mới thực hiện theo chuẩn, hay thêm cả 38 ngành này? Nếu 38 ngành cũng phải theo chuẩn trên thì quá khó cho các trường. Vì trên thực tế, thời gian qua có nhiều ngành tuyển sinh rất khó, như vật lý học, khoa học vật liệu, công nghệ kỹ thuật nhiệt... Yêu cầu 38 ngành có điểm chuẩn 24 điểm và toán tối thiểu 8 điểm là rất khó".
KỲ VỌNG TRÁNH ĐƯỢC MỞ NGÀNH TRÀN LAN
PGS-TS Nguyễn Hữu Hiếu, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), nhận định chuẩn chương trình đào tạo vi mạch bán dẫn sẽ là cơ sở quan trọng để đảm bảo chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu đặt ra cho nguồn nhân lực lĩnh vực này. "Đầu vào trung bình 8 điểm/môn và môn toán không dưới 8 điểm là cần thiết", ông Hiếu cho hay.
Việc đảm bảo số lượng tín chỉ của toán và khoa học cơ bản phải 30/120, theo ông Hiếu, là dựa theo tiêu chuẩn ABET, một tiêu chuẩn kiểm định chất lượng đào tạo ĐH đã được công nhận trên phạm vi thế giới nên rất có căn cứ về khoa học, về thực tiễn.
"Với thời lượng như vậy, người học sẽ đủ kiến thức nền tảng, khả năng tư duy để thích nghi với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ, đặc biệt là đối với ngành bán dẫn được coi là ngành có tốc độ phát triển nhanh nhất trong lịch sử. Bên cạnh đó, với vi mạch bán dẫn nói riêng và ngành kỹ thuật nói chung, việc chú trọng thực hành là điều hiển nhiên. Đây là yếu tố mà sinh viên VN thường yếu hơn so với mặt bằng quốc tế. Do vậy, quy định về thời lượng thực hành là hoàn toàn phù hợp", PGS-TS Hiếu nhận định.
Theo ông Hiếu, chuẩn này sẽ giúp các trường xây dựng chương trình có định hướng và tập trung hơn, tránh trường hợp chỉ điều chỉnh chương trình đào tạo có sẵn bằng cách thêm vào vài môn về vi mạch bán dẫn để mở chương trình mới, tránh mở chương trình tràn lan trong khi chưa đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất.
Cùng quan điểm, tiến sĩ Trần Hữu Duy, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Đà Lạt, khẳng định quy định đầu vào và khung chương trình chuẩn cho ngành vi mạch bán dẫn như vậy là rất cần thiết.
"Chương trình đào tạo vi mạch bán dẫn của một số trường xây dựng chủ yếu là kỹ thuật điện tử xong nói là đào tạo vi mạch bán dẫn, như vậy là không đúng. Tính toán mạch điện tử rất phức tạp, nên học ngành này đòi hỏi nền tảng toán và vật lý phải thật giỏi, trình độ ngoại ngữ phải tốt. Do đặc thù, ngành này cần sinh viên phải thực tập nhiều. Vì vậy, chuẩn mà Bộ đưa ra là hợp lý", tiến sĩ Duy nhìn nhận.
Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cũng khẳng định: "Đây là ngành học đặc thù đòi hỏi phải có nền tảng tốt. Vì vậy đầu vào trung bình 8 điểm/môn và môn toán tối thiểu 8 điểm là phù hợp".
CẦN PHẢI CHUNG MỘT "SÂN CHƠI"
Tuy nhiên, tiến sĩ Nhân cho rằng hiện nay không chỉ 18 trường nằm trong danh sách tham gia thực hiện Chương trình Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn theo Quyết định số 1017 của Thủ tướng Chính phủ mà có nhiều trường khác đã và đang chuẩn bị tuyển sinh đào tạo ngành này. "Theo quyết định này thì các trường không nằm trong danh sách sẽ không cần phải thực hiện theo chuẩn chương trình đào tạo vi mạch bán dẫn. Theo tôi, trường nào tham gia đào tạo ngành này đều cần phải theo chuẩn của Bộ để đáp ứng mục tiêu chất lượng", tiến sĩ Nhân nhận định.
Tiến sĩ Duy cũng khẳng định muốn đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cho ngành vi mạch bán dẫn thì các trường đều phải chung một "sân chơi" nghĩa là tất cả cần phải đáp ứng theo chuẩn. "Nhân lực đào tạo ra nếu không sử dụng được thì lãng phí nguồn lực của xã hội. Vì thế muốn ưu tiên chất lượng thì chuẩn này phải được áp dụng chung", tiến sĩ Duy nói.
Lý giải việc vì sao Bộ chỉ áp dụng chuẩn chương trình đào tạo đối với 18 trường, tiến sĩ Tân Hạnh, nguyên Phó giám đốc Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông, cho rằng có thể do 18 trường này được nhà nước ưu tiên xem xét đầu tư phòng thí nghiệm phục vụ đào tạo.
"Có lẽ ý của Bộ GD-ĐT là các trường được nhà nước ưu tiên đầu tư thì phải thực hiện theo chuẩn này. Tuy nhiên, đã đặt ra chuẩn cho một lĩnh vực ngành nghề thì tất cả đều phải thực hiện chứ không có chuyện áp dụng trường này mà không áp dụng trường khác. Các đơn vị không nằm trong 18 trường nếu đang đào tạo vi mạch bán dẫn hoặc chuẩn bị mở ngành, cũng nên căn cứ vào chuẩn này nếu muốn nhân lực mình đào tạo ra đáp ứng được yêu cầu thực tế", tiến sĩ Tân Hạnh nêu quan điểm.