Nhảy đến nội dung
 

Chuẩn bị tốt cho đàm phán thuế đối ứng với Mỹ

Ngày 22-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành, cơ quan liên quan về chuẩn bị đàm phán, thúc đẩy quan hệ thương mại cân bằng, ổn định, bền vững với Mỹ.

Theo Thủ tướng, từ khi thương mại toàn cầu có diễn biến mới, Mỹ đưa ra chính sách thuế đối ứng, Việt Nam đã có đối sách thích ứng kịp thời, linh hoạt, phù hợp và thể hiện sự bình tĩnh, chủ động, bản lĩnh trước diễn biến tình hình, được phía Mỹ đánh giá là tích cực.

Không để ảnh hưởng các thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã tham gia

Tuy vậy, Thủ tướng cho rằng cần tiếp tục đàm phán thúc đẩy quan hệ thương mại cân bằng, ổn định, bền vững, hiệu quả với Mỹ đồng thời tăng cường đối thoại, tránh căng thẳng; tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng; hài hòa lợi ích, vì lợi ích của mỗi nước, có lợi cho các doanh nghiệp và cho người tiêu dùng hai bên.

Cũng theo ông, hàng hóa của Việt Nam không cạnh tranh với Mỹ, quan hệ thương mại hai bên từ trước đến nay cuối cùng là có lợi cho người tiêu dùng Mỹ và thúc đẩy động lực xuất khẩu của Việt Nam. Do đó Việt Nam sẵn sàng đàm phán theo các đề nghị của Mỹ.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, đặc biệt là đoàn đàm phán, chuẩn bị tốt các nội dung để đàm phán với phía Mỹ. Đặc biệt việc đàm phán cần không làm phức tạp vấn đề; không ảnh hưởng đến các thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã tham gia; không vì việc này mà ảnh hưởng đến việc khác; không vì thị trường này mà ảnh hưởng tới thị trường khác; có giải pháp hợp lý để hai bên cùng có lợi, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

Theo Thủ tướng, đây cũng là cơ hội để Việt Nam tái cấu trúc lại động lực xuất khẩu, tái cấu trúc doanh nghiệp, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng. 

Vì vậy cần tập trung vào nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, đi vào các sản phẩm công nghệ cao, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ... dựa vào khoa học, công nghệ, chuyển đổi số theo xu thế của thế giới.

Các bộ, ngành, địa phương phối hợp và giải quyết các vấn đề mà phía Mỹ quan tâm, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành phải xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện để vừa thúc đẩy phát triển vừa quản lý và bảo vệ sản xuất, nhất là về xuất xứ hàng hóa, chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống hàng giả hàng nhái...

Cơ hội mở rộng đối tác, giảm rủi ro

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hoàng Mạnh Cầm, phó chánh văn phòng HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), chia sẻ việc Mỹ hoãn 90 ngày áp thuế đối ứng với các đối tác thương mại (ngoại trừ Trung Quốc) và chỉ áp dụng mức cơ sở 10% đã giúp cho các doanh nghiệp xuất khẩu nói chung và dệt may nói riêng "dễ thở" hơn nhưng việc xuất khẩu sang thị trường này vẫn bị tác động.

"Việc Mỹ hoãn áp thuế sẽ giúp chúng ta có thêm thời gian để đàm phán với khách hàng, tính toán dữ liệu để có các phương án về thị trường, quản trị sản xuất, công tác khách hàng hiệu quả hơn" - ông Cầm nói nhưng cho rằng với việc bị áp thuế 10%, hoạt động xuất khẩu dệt may Việt Nam sang thị trường Mỹ cũng vẫn bị tác động tiêu cực.

Là đơn vị kết nối đơn hàng giữa các nhà mua hàng với doanh nghiệp xuất khẩu, ông Nguyễn Tuấn Việt, giám đốc Công ty TNHH xúc tiến xuất khẩu VIETGO, cho rằng với lệnh hoãn áp thuế, kim ngạch xuất khẩu sẽ không bị ảnh hưởng nhiều trong ba tháng tới. Việc các doanh nghiệp FDI rời đi như lo ngại trước đó cũng sẽ không diễn ra, ít nhất là trong quý 2, thậm chí là quý 3.

Khoảng thời gian này sẽ được các nước, các đối tác tận dụng để tăng cường liên kết dựa trên những lợi thế so sánh nhằm hạn chế rủi ro khi Mỹ áp thuế trở lại và đạt được các thỏa thuận đàm phán với Mỹ. "Việt Nam có nhiều lợi thế để có thể tăng cường hợp tác với các nước, vừa tận dụng tốt những lợi thế sẵn có vừa giảm rủi ro từ thị trường Mỹ", ông Việt khẳng định.

Trong khi đó, ông Mạc Quốc Anh, phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, cho rằng việc tạm hoãn áp thuế đối ứng không đồng nghĩa với bãi bỏ hoàn toàn và các rủi ro vẫn còn tiềm ẩn. Trước mắt doanh nghiệp chưa bị tăng gánh nặng chi phí, chưa bị xáo trộn kết quả kinh doanh.