Chuẩn bị để từ 1-7 ngồi nhà làm giấy tờ

Khi chính quyền chỉ còn hai cấp thì hoạt động chính quyền số, công dân số sẽ được đẩy mạnh. Vậy cần chuẩn bị gì để từ ngày 1-7, người dân ngồi nhà vẫn làm được giấy tờ, thủ tục?
Để việc làm thủ tục hành chính (TTHC) trực tuyến thông suốt, chính quyền phải chuẩn bị tốt cơ sở hạ tầng, nhân sự nhuần nhuyễn về quy trình xử lý, người dân cũng phải am hiểu kỹ năng số.
Ngồi nhà làm thủ tục: khỏe, tiện
Đến nay TP.HCM có 1.991 TTHC đang áp dụng, trong đó 1.540 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh, 298 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện, 153 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp xã.
Trong đó số TTHC trực tuyến toàn trình chiếm ½ tổng số TTHC giúp người dân có thể ngồi ở nhà thực hiện.
Rất nhiều TTHC đã được thực hiện trực tuyến toàn trình trên cổng dịch vụ công (online hoàn toàn) giúp người dân, doanh nghiệp ngồi nhà để làm thủ tục giải quyết rất nhiều nhu cầu từ kinh doanh, giấy tờ nhà đất, giấy tờ hộ tịch, đăng ký cư trú, xe cộ...
Ví dụ, anh Phạm Văn Quốc - một chủ doanh nghiệp ở huyện Bình Chánh - cho hay anh đăng ký kinh doanh trực tuyến trên cổng dịch vụ công và chỉ mất vài ngày là có được giấy phép.
Bên cạnh đó để đóng thuế cho công ty, anh Quốc cũng đăng ký chữ ký số. "Khi nhận được thông báo đóng thuế thì tôi chỉ việc nộp trực tuyến và xác nhận chữ ký số là hoàn tất mà không cần phải đến cơ quan thuế", anh Quốc cho hay.
Còn chị Nguyễn Thị Ngân (ngụ TP Thủ Đức) mới đây cũng làm thủ tục trực tuyến cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (độc thân) để hoàn tất hợp đồng bán căn hộ chung cư.
"Chỉ mất ba ngày là tôi được cấp xác nhận độc thân điện tử qua email, nếu cần bản giấy tôi cũng có thể yêu cầu cung cấp", chị Ngân nói.
Dù TP.HCM vừa mới triển khai thí điểm sang tên, không cần công chứng khi mua bán xe qua VNeID nhưng vẫn được anh Nguyễn Văn Hoàng (ngụ quận 6), người chuyên làm thủ tục mua bán, đăng ký xe, đón nhận đầy lạc quan.
"Với cách thức thí điểm như trên thì việc mua bán xe mới hoặc xe giấy tờ hợp lệ sẽ rất tiện lợi khi sang tên trên VNeID. Đương nhiên trường hợp xe giấy tờ không chính chủ, trải qua nhiều đời chủ, có rắc rối giấy tờ thì khó thực hiện theo cách trên...", anh Hoàng cho hay.
Bên cạnh rất nhiều TTHC trực tuyến thuận tiện thì vẫn còn một vài rắc rối. Một số trường hợp người dân khi thực hiện các thủ tục liên quan đến thuế, ngân hàng, đăng ký học... nhưng gặp khó khi thông tin, dữ liệu bị sai lệch.
Máy móc, đường truyền phải chạy cho mượt
Theo bà Võ Thị Trung Trinh - giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số TP.HCM, Trung tâm Chuyển đổi số đã đề xuất UBND TP thành lập tổ công tác để phối hợp cùng với UBND TP Thủ Đức, quận huyện đào tạo đội ngũ nhân sự đảm nhận việc sử dụng các hệ thống dùng chung của TP khi các phường, xã đi vào hoạt động.
Chủ trương của TP là sử dụng các nền tảng số dùng chung (như Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính và ứng dụng văn phòng điện tử) để công tác chuyển đổi mô hình hoạt động của chính quyền được tổng thể và toàn diện.
Bên cạnh đó, đường truyền metronet đang được chuẩn bị để kết nối với hệ thống mạng của TP, máy chủ ảo cho các phường, xã tại trung tâm dữ liệu của TP.
Các ứng dụng như hội nghị truyền hình trực tuyến, thư điện tử công vụ cũng sẽ được trang bị để phục vụ cho chính quyền cơ sở.
"Hiện nay trung tâm đang cài đặt ứng dụng cho các phường, xã để giải quyết công việc hằng ngày và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp trên môi trường mạng. Dự kiến sau ngày 20-5 sẽ cho các phường, xã vận hành thử nghiệm", bà Trinh nói.
Theo bà Trinh, những nội dung chuẩn bị trên của TP nhằm đảm bảo việc cung cấp các thủ tục hành chính của người dân và doanh nghiệp không bị gián đoạn.
Hiện nay TP.HCM đã cung cấp hơn 50% số TTHC toàn trình và theo kế hoạch đến tháng 12-2025 sẽ cung cấp 77% TTHC trực tuyến toàn trình.
Các dịch vụ công hiện nay đang được tái cấu trúc theo hướng sử dụng dữ liệu để việc thực hiện các dịch vụ trực tuyến thuận lợi và đơn giản hơn.
Ví dụ như thay vì yêu cầu doanh nghiệp cung cấp bản sao đăng ký doanh nghiệp, hệ thống sẽ xác thực thông tin doanh nghiệp đăng ký với cơ sở dữ liệu doanh nghiệp từ hệ thống thông tin doanh nghiệp.
"Việc chuẩn bị hạ tầng công nghệ và đào tạo nhân lực được triển khai từ sớm sẽ đảm bảo cho hoạt động của phường, xã khi đi vào hoạt động", bà Trinh chia sẻ.
Người dân cần trải nghiệm và làm quen với TTHC trực tuyến
Bà Lê Thị Thùy Dung, phó chánh Văn phòng UBND quận Bình Tân, cho rằng cùng với quá trình chuyển đổi số của cơ quan chức năng rất nhanh hiện nay thì đòi hỏi người dân cũng cần được trang bị các kiến thức, kỹ năng số.
Để thuận tiện, người dân trước tiên cần đăng ký tài khoản định danh điện tử mức 2, chữ ký số cá nhân và cài đặt các ứng dụng phổ biến như VNeID, Etax mobile (ứng dụng thuế); VssiD (ứng dụng bảo hiểm xã hội); ứng dụng "Công dân số TP"; ứng dụng thanh toán điện tử...
Đồng thời người dân cần chủ động tìm hiểu và trải nghiệm các dịch vụ công trực tuyến được công khai chính thức từ địa phương, bộ ngành qua cổng dịch vụ công và các kênh truyền thông.
Bên cạnh đó, những người trẻ quen công nghệ nên hỗ trợ người lớn tuổi, người chưa quen công nghệ tiếp cận các dịch vụ số góp phần lan tỏa tinh thần chuyển đổi số đến từng hộ gia đình.
Ngoài ra người dân cần tìm hiểu các biện pháp bảo vệ dữ liệu thông tin cá nhân cũng như kịp thời phát hiện các hành vi lừa đảo bằng công nghệ cao báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền kịp thời ngăn chặn.
Trong khi đó, bà Ninh Thị Hiền - trưởng Văn phòng công chứng Ninh Thị Hiền - chia sẻ từ thực tế rằng dữ liệu đất đai của TP.HCM đã giúp việc công chứng hiệu quả.
Đây là văn phòng công chứng tư đầu tiên ở TP được trải nghiệm sử dụng dữ liệu đất đai do Sở Nông nghiệp và Môi trường cho phép kết nối, chia sẻ.
"Khi công chứng các giao dịch nhà đất cho người dân, chúng tôi truy cập dữ liệu đất đai và kiểm tra, xác thực được các thông tin của tài sản công chứng như: nhà đất là của ai, số tờ, số thửa, địa chỉ, lịch sử giao dịch, cập nhật biến động của nhà đất...
Hơn một năm trải nghiệm sử dụng dữ liệu đất đai, hoạt động xác thực tài sản nhà đất giao dịch tại phòng công chứng rất hiệu quả, người dân cũng rất an tâm.
Việc cơ quan nhà nước xây dựng và chia sẻ dữ liệu như vậy là bước tiến, kết quả tốt để phục vụ hiệu quả cho việc xác thực tài sản thông qua tổ chức hành nghề công chứng là nơi trung gian để người dân tin tưởng khi giao dịch.
Thời gian qua các tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên đã sử dụng dữ liệu đất đai của TP rất ủng hộ và người dân rất an tâm" - bà Hiền chia sẻ.