Nhảy đến nội dung

Chưa có cơ sở đề xuất tăng lương trong năm 2026

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định lưu ý không tuyên truyền để người dân kỳ vọng rằng sẽ điều chỉnh tăng trong thời gian tới, kể cả có tăng trưởng được 8%.

Sáng 17.4, tiếp tục phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội.

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, từ 1.7.2024, lương cơ sở đã được điều chỉnh lên mức 2,34 triệu đồng/tháng theo Nghị định số 73 của Chính phủ, tăng 30%.

Bà Trà cho biết, Chính phủ khái quát việc điều chỉnh mức lương cơ sở tăng 30%, bổ sung 10% quỹ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng tăng 15%, mức chuẩn trợ giúp xã hội tăng 38,9%, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng 35,7% từ ngày 1.7.2024 là một nỗ lực lớn của T.Ư Đảng, Quốc hội, Chính phủ.

"Những điều chỉnh này đã cơ bản cải thiện được đời sống người hưởng lương và phụ cấp, trợ cấp từ ngân sách nhà nước, tạo động lực nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc, góp phần ổn định xã hội", bà Trà nhấn mạnh.

Phần kiến nghị, bà Trà nêu, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 của Quốc hội (cuối năm 2025) nội dung về điều chỉnh tiền lương. Theo đó, căn cứ tình hình kinh tế - xã hội năm 2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội xem xét, quyết định tăng tiền lương khu vực công, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công năm 2026 đảm bảo phù hợp với khả năng cân đối ngân sách.

Chưa có cơ sở đề xuất tăng lương trong năm 2026

Góp ý, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nói nhiệm vụ sắp tới rất nặng nề. Ông cho biết, chúng ta đặt mục tiêu tăng trưởng 8% nhưng là việc vô cùng khó, rồi rất nhiều thứ phải chi, trong bối cảnh Mỹ đang áp thuế đối ứng, kinh tế rất khó khăn, khả năng ngân sách nhà nước hạn chế.

Từ đó, ông Định góp ý, việc báo cáo nói nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh tiền lương, tiền thưởng, lương hưu, trợ cấp vào năm 2026 nên viết và truyền thông "ở mức độ nhất định", tránh tạo nên kỳ vọng của người dân về việc điều chỉnh tăng lương hưu.

"Đừng viết những gì để người dân kỳ vọng rằng sẽ điều chỉnh tăng trong thời gian tới, kể cả mình có tăng trưởng được 8% thì có tiền đâu mà tăng lương", ông Định nhấn mạnh.

Tán thành với Phó chủ tịch Nguyễn Khắc Định, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị tuyên truyền rõ hôm nay Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến việc thực hiện một số nội dung cải cách tiền lương chứ không bàn chuyện điều chỉnh tiền lương. Nếu tuyên truyền không khéo thì ở ngoài sẽ nói điều chỉnh tăng lương.

"Năm 2025 không còn nguồn ngân sách để bố trí tiếp tục tăng như 2024", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Tiếp thu sau đó, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, năm 2026 nhiệm vụ lớn nhất là tập trung hoàn thiện hệ thống thể chế liên quan xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đối với mô hình tổ chức chính quyền mới.

Nguồn kinh phí để chi trả cho đối tượng tác động trực tiếp này cũng rất lớn nên hiện tại Bộ Nội vụ chưa dám đề xuất rằng năm 2026 có điều chỉnh mức lương cơ sở và các đối tượng có liên quan hay không.

"Đến thời điểm này, chúng tôi xin phép chưa có căn cứ, chưa có cơ sở đề xuất tăng lương vào năm 2026 bởi vì tùy thuộc vào tình hình kinh tế của đất nước năm 2025. Chúng ta thấy đang diễn biến rất khó khăn và các vấn đề khác tác động trực tiếp đến phần thu ngân sách. Cho nên, việc này sẽ phải lui sau một bước và tính toán, sau đó sẽ báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội", bà Trà nêu.