Chủ tịch Quốc hội: 'Sáp nhập thì dễ, bố trí cán bộ mới khó'

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nói việc sắp xếp, sáp nhập dễ nhưng bố trí, chọn cán bộ mới là khó; '3 tỉnh sáp nhập thì ví dụ 6 giám đốc sở giờ chỉ còn 1'.
Chiều 7.5, tiếp tục kỳ họp 9, Quốc hội thảo luận tại tổ về việc sửa đổi Hiến pháp, các luật Tổ chức chính quyền địa phương và luật Cán bộ, công chức. Phát biểu tại tổ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, việc sửa đổi Hiến pháp và các luật liên quan là giai đoạn 2 của cách mạng tinh gọn bộ máy, thực hiện sắp xếp, sáp nhập tỉnh, xã, kết thúc cấp huyện.
Ông cho biết, nhân dân, cử tri rất mong đợi kỳ họp Quốc hội lần này vì ai cũng mong muốn bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. "Chúng ta thường nói bộ máy cồng kềnh, biên chế phình ra. T.Ư khóa nào cũng có nghị quyết yêu cầu tinh gọn bộ máy. Vừa qua mới làm sơ sơ, chưa quyết liệt. Lần này thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy, là chủ trương hợp lòng dân", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Quốc hội, sắp xếp bộ máy tinh gọn sẽ có nguồn lực phát triển đất nước. Nhờ kết quả bước đầu của sắp xếp, tinh gọn bộ máy, Bộ Chính trị quyết định miễn học phí cho học sinh từ mầm non tới phổ thông khoảng 30.000 tỉ đồng. Vừa rồi, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng chỉ đạo thực hiện khám sức khỏe cho người dân mỗi năm ít nhất một lần, dự kiến khoảng 25.000 tỉ đồng.
"Tinh gọn bộ máy thì chúng ta mới có nguồn lực lo an sinh xã hội. Một số nước thu nhập thấp hơn mình, nền kinh tế thấp hơn mình người ta vẫn lo cho người dân, học sinh học hành miễn học phí toàn bộ, nhà ở, viện phí miễn toàn bộ", Chủ tịch Quốc hội nêu.
"3 tỉnh sáp nhập, 6 giám đốc sở giờ chỉ còn 1 ông"
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, hiện nay các cơ quan từ T.Ư tới địa phương đang mong chờ việc sửa đổi Hiến pháp được Quốc hội thông qua để kết thúc cấp huyện, sắp xếp, sáp nhập tỉnh, xã.
"Sắp xếp, sáp nhập thì dễ nhưng bây giờ chọn cán bộ mới là khó. Bố trí ai là bí thư, phó bí thư, chủ tịch UBND, HĐND cấp xã? Không phải cán bộ cấp xã nào hiện nay cũng làm được", Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cho rằng, khi kết thúc cấp huyện thì phải làm rõ, việc gì giao về cho xã, việc gì chuyển về tỉnh quản lý.
"Chỉ 2 sở NN-PTNT và TN-MT mà 3 tỉnh sáp nhập thì tổng cộng là 6 sở, 6 ông giám đốc sở giờ chỉ còn 1 ông. Rồi phó giám đốc sở thì có thể giữ nguyên trạng nhưng cấp dưới nữa thì phải tăng cường cho xã làm công tác chuyên môn", Chủ tịch Quốc hội nêu và cho biết, vì tính chất phức tạp của việc sắp xếp, bố trí cán bộ sau sáp nhập nên cuối tuần nào Bộ Chính trị cũng phải họp với các địa phương. "Sắp xếp thì dễ nhưng bố trí cán bộ mới khó", Chủ tịch Quốc hội nhắc lại.
Ngoài sắp xếp, bố trí cán bộ, Chủ tịch Quốc hội cho biết, một việc khó nữa là sắp xếp nơi làm việc của đơn vị mới cũng như xử lý trụ sở của đơn vị cũ. "Hiện các địa phương rất lo. Người dân cũng rất lo trụ sở sau sắp xếp bỏ hoang, gây lãng phí", Chủ tịch Quốc hội nói và nhắc lại Tổng Bí thư đã yêu cầu phải sử dụng các trụ sở dôi dư sau sáp nhập cho giáo dục, y tế.
Theo Chủ tịch Quốc hội, vừa qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo hết sức quyết liệt trong vấn đề lãng phí. "Thủ tướng nói ngày hôm kia, Quốc hội tháo gỡ khó khăn cho dự án tồn đọng thì có thể có 235 tỉ USD. Con số này rất lớn vì nền kinh tế của mình có 476 tỉ mà chỉ riêng các dự án tồn đọng đã 235 tỉ USD", Chủ tịch Quốc hội nói.
"Địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm"
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, trong việc sửa Hiến pháp và các luật liên quan tại kỳ họp lần này, Bộ Chính trị, Chính phủ, Quốc hội thống nhất phân cấp mạnh cho địa phương. Ông đề nghị đại biểu từ thực tiễn địa phương, có vấn đề gì có thể góp ý, đảm bảo thực hiện "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".
"Đơn cử bây giờ giao dự án, tiền cho địa phương thì địa phương phải chịu trách nhiệm, quyết và làm. Chứ dự án, tiền giao nhưng phải lên báo với T.Ư thì mất thời gian", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và cho biết, sắp tới Quốc hội cũng sẽ không quản lý dự án, danh mục dự án mà chỉ quản lý tổng thể thu, chi ngân sách.
Ông cũng nêu rõ, phải đảm bảo nguồn lực cho địa phương "quyết, làm và chịu trách nhiệm". "Nói địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm mà không có tiền thì làm sao quyết, làm, chịu trách nhiệm được", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và cho biết, Chính phủ, Quốc hội đang đổi mới tư duy làm luật để phân cấp, phân quyền mạnh hơn, tạo sự phát triển đất nước.