Nhảy đến nội dung
 

Chủ tịch Quốc hội: 'Phải giải thích thấu tình, đạt lý về sáp nhập tỉnh, xã'

Sáng 14.4, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp 44 (tháng 4). Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần này sẽ kéo dài 2 tuần, để tập trung giải quyết khối lượng công việc rất lớn với 42 nhóm nội dung.

Sáp nhập giảm 60 - 70% số xã, lấy ý kiến nhân dân sửa Hiến pháp trong 1 tháng

Một trong các nội dung lớn là quyết định việc sáp nhập xã thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại Hội nghị Trung ương 11 vừa qua, Trung ương Đảng đã kết luận sáp nhập giảm khoảng 60 - 70% trong tổng số 10.035 đơn vị cấp xã trong cả nước hiện nay.

Do đó, tại phiên họp lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể có những buổi làm đêm nếu Chính phủ kịp trình đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của các tỉnh chuẩn bị kịp. Việc xem xét thông qua nghị quyết sắp xếp các xã sẽ diễn ra trong cả thời gian kỳ họp thứ 9 vào tháng 5.

Ngoài ra, tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến hồ sơ đề nghị sửa đổi Hiến pháp 2013; việc thành lập Ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp và việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Theo dự kiến, việc lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi Hiến pháp sẽ diễn ra trong 1 tháng, cộng thêm 5 ngày tổng hợp ý kiến, tổng cộng là 35 ngày. "Việc sửa đổi Hiến pháp là nhiệm vụ đặc biệt hệ trọng với khối lượng công việc rất lớn, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, gắn với chủ trương tinh gọn, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Cùng đó, còn nhiều nội dung dự phòng cần xem xét để sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính, xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp và phục vụ việc phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia cũng như tháo gỡ các điểm nghẽn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Quốc hội sẵn sàng xem xét đề xuất miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp Mỹ

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang rất nỗ lực triển khai giải pháp để chủ động ứng phó chính sách thuế quan mới của Mỹ với Việt Nam.

"Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẵn sàng xem xét các vấn đề thuộc thẩm quyền để tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân để phát triển kinh tế - xã hội, như chính sách liên quan chính sách miễn, giảm thuế doanh nghiệp Mỹ", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, nhiệm vụ lập pháp kỳ 9 lớn nhất từ đầu nhiệm kỳ với 30 luật, 7 nghị quyết được thông qua và cho ý kiến 6 dự án luật khác, chưa kể rất nhiều dự thảo luật, nghị quyết Chính phủ đang tiếp tục đề nghị bổ sung.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Hội nghị Trung ương 11 là hội nghị lịch sử. Do đó, khi Chính phủ cụ thể hóa trình Quốc hội thì trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội là làm hết sức mình thực hiện nghị quyết của Đảng.

"Chúng ta bàn bạc trên tinh thần thấu tình, đạt lý, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để giải quyết nhanh nhất kiến nghị, đề xuất hiện nay mà Chính phủ đang trình Quốc hội để đảm bảo 2025 tăng trưởng 8%, trong điều kiện sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện, sáp nhập cấp xã", Chủ tịch Quốc hội nêu.

Nhấn mạnh tinh thần sẵn sàng đồng hành với Chính phủ, song Chủ tịch Quốc hội lưu ý, hiện các cơ quan thẩm tra của Quốc hội vẫn chưa nhận được hồ sơ tài liệu của nhiều nội dung, nhất là các nội dung về kinh tế - tài chính ngân sách.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành phải thật khẩn trương chuẩn bị những nội dung này, không lùi và dồn vào khoảng thời gian trong kỳ họp.

Nhấn mạnh khối lượng công việc rất lớn, đang gây quá tải cho cả cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra, Chủ tịch Quốc hội đề nghị đối với những nội dung chưa gấp, không liên quan đến sắp xếp bộ máy, phát triển khoa học, đổi mới sáng tạo, Chính phủ cân nhắc chưa bổ sung vào kỳ họp này hoặc phải chuẩn bị hoàn thiện thật kỹ lưỡng, bảo đảm chất lượng mới đề nghị bổ sung.

Liên quan tới việc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh phải giải thích "thấu tình đạt lý" vấn đề sáp nhập tỉnh, sáp nhập xã và bỏ cấp huyện sắp tới.

Phương án sáp nhập còn 34 tỉnh, thành được Trung ương Đảng thông qua